Châu Âu chật vật chống rửa tiền
Bất chấp nỗ lực của lực lượng an ninh Châu Âu nhằm ngăn chặn nạn rửa tiền, các băng nhóm tội phạm có tổ chức và khủng bố vẫn có thể thực hiện thành công hoạt động phi pháp này với số tiền lên tới hàng tỷ euro mỗi năm. Bản báo cáo của cơ quan Cảnh sát Châu Âu (Europol) đưa ra cách đây ít ngày cho thấy, số lượng giao dịch tài chính có dấu hiệu khả nghi liên tục gia tăng và thủ đoạn rửa tiền ngày càng tinh vi hơn. Thế nhưng, tình hình hầu như chưa có chuyển biến tích cực.
Theo các chuyên gia phân tích, sở dĩ hoạt động rửa tiền tại châu lục này trở nên nhộn nhịp trong vài năm trở lại đây là do các nhóm tội phạm lợi dụng việc nhiều quốc gia phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ, biến Lục địa già thành mắt xích yếu trong cuộc chiến chống rửa tiền. Trong khi đó, cơ quan Tình báo tài chính FIU, có trụ sở tại Luxembourg, là lực lượng chuyên trách của Châu Âu trong việc chống lại tội phạm rửa tiền lại chưa tạo ra được sự phối hợp chặt chẽ giữa các nước thành viên trong vấn đề liên quan.
Do đó, số tiền thu giữ được trong các vụ án liên quan tới rửa tiền ngày càng lớn. Ví như, đường dây buôn ma túy và rửa tiền bị phanh phui cuối năm 2016 lên đến gần 400 triệu euro. Chỉ tính riêng tại Pháp, nhà chức trách đã tìm thấy dấu vết số tiền lên đến 75 triệu euro chảy qua hệ thống ở nước này trong khoảng thời gian từ tháng 8-2015 đến 11-2016. Tại Bỉ, cảnh sát cũng thu giữ gần 3 triệu euro tiền mặt, nhiều xe ô tô và các trang thiết bị để thực hiện hành vi rửa tiền.
Thống kê cho thấy, nguồn gốc tiền “bẩn” rất đa dạng, như: từ hoạt động mại dâm, lừa đảo, buôn bán ma túy, trộm cắp xe hơi hạng sang đến bán độ, tổ chức nhập cư bất hợp pháp… Nhưng phổ biến nhất vẫn là nguồn tiền từ tội phạm tham nhũng. Đáng lo ngại hơn cả là việc các tổ chức cực đoan đã sử dụng tiền thu được từ hoạt động phi pháp, thông qua các quỹ đầu tư hợp pháp, rót tiền vào cho các nhóm khủng bố nằm vùng trong lòng Châu Âu, núp bóng các công ty, tập đoàn kinh tế.
Với số tiền khổng lồ có được, các nhóm này tìm mua vũ khí, tuyển mộ nhân lực, lên kế hoạch tấn công khủng bố và thậm chí mua chuộc cả các cán bộ biến chất trong các cơ quan thuế, tài chính và an ninh để che giấu hành vi phạm tội. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các tiện ích của tiền ảo cũng được sử dụng triệt để cho mục đích rửa tiền. Để kiểm soát, truy nguyên và thu hồi tài sản từ dòng tiền ảo này rất khó.
Theo Giám đốc điều hành Europol, ông Rob Wainwright, dù đã có sự tăng cường hợp tác xuyên biên giới giữa các quốc gia, nhưng hiện vẫn tồn tại những rào cản đáng kể trong trao đổi thông tin trên cấp độ quốc tế. Bên cạnh đó, sự phổ biến nhanh chóng của các loại hình dịch vụ trực tuyến cùng chương trình thanh toán qua mạng internet đang đặt ra những thách thức lớn đối với hoạt động chống rửa tiền và ngăn ngừa tài trợ cho khủng bố.
Theo Hanoimoi
Ý kiến ()