Châu Á quay cuồng trong cơn sốt bất động sản bất chấp COVID-19
Seoul, Singapore, Tokyo, Thượng Hải và Đài Bắc là những trung tâm kinh doanh trong khu vực có giá nhà tăng mạnh trong năm qua, dù hoạt động chi tiêu nhìn chung sụt giảm.
Giá bất động sản tại nhiều thành phố ở châu Á đã tăng “chóng mặt” bất chấp sự suy giảm của kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19.
Ở nhiều nơi, sự gia tăng này đã khiến chính quyền phải cảnh báo về nguy cơ bong bóng bất động sản.
Theo công ty tư vấn có trụ sở ở London Knight Frank, Seoul, Singapore, Tokyo, Thượng Hải và Đài Bắc là những trung tâm kinh doanh trong khu vực có giá nhà tăng mạnh trong năm qua, dù hoạt động chi tiêu nhìn chung sụt giảm.
Thu thập số liệu từ khắp châu Á, Knight Frank cho biết giá bất động sản ở Seoul tăng mạnh nhất trong khu vực, với mức tăng 22,3% từ quý 4/2019 đến quý 4/2020.
Giá nhà ở thủ đô của Hàn Quốc tăng mạnh như vậy vì luật mới về thị trường cho thuê của nước này đã thúc đẩy nhu cầu mua nhà.
Do lãi suất thấp khiến cho các khoản vay thế chấp trở nên “dễ thở” hơn, những người đi thuê đã ồ ạt mua nhà ở Seoul khi chủ nhà tăng tiền thuê và tiền cọc trước khi luật mới có hiệu lực hồi tháng Tám năm ngoái.
Còn tại Tokyo, giá nhà tăng 6,5%, trong khi con số này ở Thượng Hải là 4,2%.
Trên toàn cầu, giá nhà ở khu vực thành thị trung bình tăng 5,6% trong năm 2020, cao hơn mức 3,2% năm 2019, theo báo cáo của Knight Frank.
Và đà tăng này vẫn chưa dừng lại trong quý 1 năm nay. Giá căn hộ ở Seoul đã tăng 4,3% so với quý 4/2020, cao hơn nhiều so với mức tăng 2% ghi nhận quý trước đó.
Cùng kỳ, ở ven thành phố Singapore, giá bất động sản tăng 6,1%, vượt mức tăng 4,4% của quý trước đó, theo Knight Frank. Nhìn chung, giá bất động sản cư trú của Singapore tăng 2,2% trong năm 2020.
Bà Christine Li, trưởng bộ phận nghiên cứu của Knight Frank ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cho rằng giá bất động sản cư trú tăng là do lực đẩy từ tiến trình tiêm vaccine ngừa COVID-19, triển vọng phục hồi kinh tế và thành công trong việc ứng phó với đại dịch của nhiều nước ở châu Á.
Tại Trung Quốc, bất chấp những quy định được ban hành hồi tháng Một nhằm hạn chế hành vi mua đầu cơ, giá nhà mới ở các thành phố cấp 1 ở đây vẫn tăng lên do nguồn cung thấp giữa lúc nhu cầu gia tăng. Giá nhà trung bình tăng 4,8% trong tháng Hai so với cùng kỳ năm ngoái.
Khối lượng giao dịch bất động sản ở Thượng Hải tăng 21% lên 9,2 triệu m2 trong năm 2020, mức cao mới kể từ năm 2016, theo công ty nghiên cứu Savills Research China.
Một đại lý bất động sản ở Thượng Hải cho biết người có tiền ở đây vẫn sẽ mua nhà dù giá tăng cao hay các quy định được thắt chặt, vì nhiều người tin rằng bất động sản là loại tài sản tốt nhất có khả năng sinh lời cao hơn cổ phiếu.
Tại Thâm Quyến, giá nhà đã tăng lên mức trung bình 9.980 NDT (1.547 USD)/m2 trong năm 2020, tăng khoảng 8% so với năm 2019 và cao hơn gấp đối thời điểm 10 năm trước.
Tình trạng này đã khiến chính quyền Thâm Quyến quyết định sa thải thị trưởng và nhiều quan chức cấp cao của thành phố này vì đã không giải quyết được tình trạng phát triển quá nóng của thị trường bất động sản.
Ông Mark Yip, Giám đốc điều hành công ty bất động sản Huttons ở Singapore, nhận định đại dịch đã nới rộng khoảng cách giàu nghèo.
Theo ông, cùng với việc chính phủ nhiều nước trên thế giới bơm tiền để hỗ trợ nền kinh tế là một dòng thanh khoản khổng lồ, từ đó đẩy lãi suất giảm xuống, trong khi giới đầu tư đang tìm kiếm những tài sản ổn định và sinh lời tốt. Bất động sản thỏa mãn các tiêu chí này.
Sự thành công về kinh tế cũng thúc đẩy giá bất động sản. Tại Đài Loan (Trung Quốc), giá nhà mới ở Hsinchu và Tainan, hai thành phố mà nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC đang mở rộng cơ sở vật chất, đã tăng trung bình khoảng 15%/năm trong hai năm qua, theo nhà cung cấp số liệu thống kê về bất động sản Ubhouse.
Chính quyền Đài Loan gần đây đã sửa đổi một đạo luật về thuế thu nhập nhằm hạn chế đầu cơ bất động sản. Người bán sẽ bị đánh thuế 45% trên số tiền giao dịch bất động sản chênh lệch nếu đất hay nhà được bán lại trong vòng hai năm kể từ khi mua, thay vì một năm như quy định hiện hành.
Cơ quan ngân hàng Đài Loan hồi tháng trước cũng thắt chặt kiểm soát tín dụng đối với hoạt động cho vay thế chấp bằng cách giảm tỷ lệ cho vay trên giá trị khoảng 10 điểm phần trăm, áp dụng đối với cả người mua tổ chức và chủ sở hữu nhiều nhà.
Tại Singapore, xu hướng tăng giá bất động sản đang diễn ra ở cả khu vực tư nhân lẫn các khu chung cư do nhà nước vận hành, vốn là nơi ở của 80% dân số.
Chính phủ muốn các căn hộ này, thuộc sự quản lý của Ban Phát triển và Nhà ở Singapore (HDB), phải ở mức mà người dân địa phương có thể mua được nhằm đạt được mục tiêu về lượng sở hữu nhà. Singapore đã trợ cấp cho những cặp vợ chồng muốn mua căn hộ HDB.
Tuy nhiên, nhiều căn hộ HDB ở những vị trí đắc địa gần đây đã được bán với giá hàng triệu SGD, ngang với giá của các căn hộ do khu vực tư nhân xây dựng.
Xu hướng này đã làm dấy lên những tranh luận rằng Singapore sẽ thắt chặt chính sách nhằm hạ nhiệt thị trường bất động sản như những gì nước này đã làm trước đây khi giá nhà tăng cao.
Trong khi đó, bất động sản khu vực tư nhân cũng ghi nhận doanh số cao. Công ty bất động sản GuocoLand của Singapore hồi tháng Ba đã ra mắt tòa căn hộ cao cấp Midtown Modern.
Công ty này cho biết 340 căn trong số 558 căn của tòa nhà này, tức 61%, đã được bán trong cuối tuần khai trương hồi giữa tháng Ba, với các mức giá dao động từ 1,17 triệu SGD (870.000 USD) cho căn một phòng ngủ đến 5,63 triệu SGD cho căn bốn phòng ngủ.
Chính phủ Singapore đã cảnh báo người dân nước này không nên vay nợ nhiều hơn mức cần thiết chỉ để chạy theo cơn sốt bất động sản.
Ông Tharman Shanmugaratnam, Chủ tịch Cơ quan Tiền tệ Singapore, cảnh báo người mua nhà nên tính trước trường hợp lãi suất tăng lên và chắc chắn về khả năng trả nợ của họ trước khi đưa ra một cam kết tài chính dài hạn nào đó./.
Ý kiến ()