Châu Á hứng chịu đợt nắng nóng khắc nghiệt nhất lịch sử
Nhiều quốc gia châu Á đang đối mặt với các kỷ lục nắng nóng được gọi là “sóng nhiệt tháng 4 tồi tệ nhất trong lịch sử”.
Theo CNN, nhà khí hậu học và chuyên gia sử học thời tiết Maximiliano Herrera mô tả tình trạng nhiệt độ cao bất thường là “đợt nắng nóng tháng 4 tồi tệ nhất trong lịch sử châu Á”, có thể dẫn đến hạn hán và khả năng mất mùa trên diện rộng.
Vào ngày 18-4, dữ liệu từ hơn 100 trạm khí tượng ở 12 tỉnh của Trung Quốc đã phá vỡ kỷ lục nhiệt độ tháng 4 tại đó. Nền nhiệt trung bình hầu hết trên 34 độ C. Cá biệt, trong ngày 19-4, nhiệt độ tại Nguyên Dương, một huyện vùng núi phía Nam của tỉnh Vân Nam ghi nhận con số 42,4 độ C, chỉ thấp hơn 0,3 độ C so với mức nhiệt kỷ lục trên toàn quốc trong tháng này.
Trong khi đó, The Guardian dẫn thông tin từ truyền thông địa phương ở Trung Quốc đưa tin nhiệt độ kỷ lục trong tháng này đã được ghi nhận ở nhiều địa điểm, bao gồm: Thành Đô, Chiết Giang, Nam Kinh, Hàng Châu và các khu vực khác thuộc vùng đồng bằng sông Trường Giang.
Một người kéo xe đang té nước lên mặt để giảm bớt nắng nóng ở thủ đô Dhaka, Bangladesh vào ngày 16-4. Ảnh: CNN |
Trên khắp khu vực Nam Á, nhiều nơi tại Pakistan, Ấn Độ, Nepal và Bangladesh đều có nhiệt độ lên tới 40 độ C trong nhiều ngày.
Tuần này, cơ quan khí tượng Ấn Độ (IMD) đã đưa ra cảnh báo màu cam về đợt nắng nóng nghiêm trọng ở các khu vực phía Bắc và Đông nước này như: Bihar, Jharkhand, Odisha, Andhra Pradesh và Tây Bengal. Đáng chú ý, những vùng này đều có tỉ lệ lao động nông thôn cao và nhiều người phải làm việc ngoài trời ngay cả khi nhiệt độ và độ ẩm tăng cao.
Cụ thể, 6 thành phố ở phía bắc và phía đông Ấn Độ ghi nhận nhiệt độ trên 44 độ C trong khi thủ đô New Delhi là 40,4 độ C vào ngày 19-4. Đợt nắng nóng cực đoan dự kiến sẽ kéo dài ít nhất là tới thứ Sáu tuần này. “Mọi người nên có biện pháp phòng ngừa”, The Guardian dẫn khuyến cáo của IMD.
Nền nhiệt tăng cao ở Ấn Độ khiến một số bang phải đóng cửa trường học. 13 người thiệt mạng và 8 người khác phải điều trị do say nắng sau một sự kiện trao giải được tổ chức ngoài trời ở bang Maharashtra.
Tại Bangladesh, nhiệt độ tăng vọt trên 40 độ C ở thủ đô Dhaka hôm 15-4, ngày nóng nhất trong 58 năm, khiến mặt đường nóng chảy. Bộ Môi trường, Rừng và Biến đổi khí hậu Bangladesh cho biết nếu nắng nóng không hạ nhiệt, cơ quan này sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp về nhiệt độ ở một số khu vực.
Nhiệt độ nóng bất thường cũng được ghi nhận ở Đông Nam Á. Tại tỉnh Luang Prabang (Lào), nhiệt độ trong tuần này có lúc đạt 42,7 độ C trong tuần này, đánh dấu con số cao nhất trong lịch sử nước này. Trong khi đó, thủ đô Vientiane cũng ghi nhận nhiệt độ 41,4 độ C trong ngày 15-4, ngày nóng nhất từ trước đến nay ở thành phố này.
Thời tiết nắng nóng bất thường cũng khiến Thái Lan phải đưa ra khuyến cáo về sức khỏe. Cơ quan y tế nước này cảnh báo về nguy cơ say nắng, đặc biệt đối với những người tập thể dục hoặc làm việc nhiều giờ ngoài trời. CNN dẫn dữ liệu từ Cục Khí tượng Thái Lan cho hay, nhiệt độ vào cuối tuần qua ở nước này lần đầu tiên trong lịch sử lên tới 45 độ C. Cá biệt, thành phố Tak ở phía tây bắc ghi nhận mức 45,4 độ C vào ngày 15-4, trong khi nhiệt độ ở phần lớn khu vực giao động từ 30 đến 40 độ C kể từ cuối tháng trước.
Cục Khí tượng Thái Lan dự báo nhiệt độ ở một số nơi có thể lên tới 45 độ C trong tuần này. Ngày 19-4, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng nhiệt độ cao ở mức nguy hiểm tại nhiều vùng khác nhau của nước này.
Nắng nóng thiêu đốt đường Kartavya tại New Delhi, Ấn Độ ngày 18-4. Ảnh: CNN |
Myanmar cũng lập kỷ lục nhiệt độ trong tháng 4 vào ngày 18-4 khi thị trấn Kalewa ở quận Kale của vùng Sagaing phía tây bắc nước này đo được là 44 độ C.
Nắng nóng cũng lan tới Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại Nhật Bản, mức nhiệt trung bình đạt trên 30 độ C, trong đó thành phố Minamata ở tỉnh Kumamoto ghi nhận mức 30,2 độ C, con số kỷ lục trong tháng 4 đối với khu vực này.
Nhiệt độ cao bất thường trong tháng này cũng đã được ghi nhận ở Trung Á, bao gồm cả ở Kazakhstan, nơi được ghi nhận mức 33,6 độ C tại thành phố Taraz, mức kỷ lục của tháng 4, cũng như ở Turkmenistan và Uzbekistan.
AP trích nhận định của nhà khí tượng học Jason Nicholls thuộc hãng dự báo thời tiết AccuWeather (Mỹ) cho biết nguyên nhân chủ yếu gây nên thời tiết khô nóng, là gió mùa thổi hình thành và phát triển từ phía Vịnh Bengal kéo dài tới khu vực biển của Philippines. Nói rộng hơn, ông cho rằng quy mô của đợt nắng nóng cực đoan đang bao trùm châu Á mang dấu hiệu của biến đổi khí hậu, vì sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra đang khiến các đợt nắng nóng trong khu vực kéo dài hơn và với cường độ cao hơn.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/chau-a-hung-chiu-dot-nang-nong-khac-nghiet-nhat-lich-su-725612
Ý kiến ()