Châu Á chú trọng bảo đảm an sinh xã hội
Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đang gặp không ít khó khăn trước những biến động phức tạp từ "cơn bão" nợ công, các nước châu Á lại có mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong thời gian qua. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhanh dẫn tới khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến Chính phủ các quốc gia trong khu vực dành sự quan tâm nhiều hơn vấn đề bảo đảm an sinh xã hội (ASXH).Trong hơn một thập kỷ qua, nền kinh tế châu Á đã có những bước chuyển mình vượt bậc. Nhiều quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ... đã trở thành những điểm sáng kinh tế thế giới. Nhưng sự bùng nổ kinh tế kéo theo những hệ lụy về gia tăng khoảng cách thu nhập ngày càng lớn. Đây là một vấn đề làm đau đầu nhiều nhà lãnh đạo trong khu vực. 2012 là năm diễn ra những cuộc bầu cử quan trọng ở châu Á. Các ứng cử viên đều chú trọng cam kết về ASXH, coi đó là "lá bài" quan trọng khôi phục lòng tin của cử tri trong chiến dịch chạy...
Trong hơn một thập kỷ qua, nền kinh tế châu Á đã có những bước chuyển mình vượt bậc. Nhiều quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ… đã trở thành những điểm sáng kinh tế thế giới. Nhưng sự bùng nổ kinh tế kéo theo những hệ lụy về gia tăng khoảng cách thu nhập ngày càng lớn. Đây là một vấn đề làm đau đầu nhiều nhà lãnh đạo trong khu vực. 2012 là năm diễn ra những cuộc bầu cử quan trọng ở châu Á. Các ứng cử viên đều chú trọng cam kết về ASXH, coi đó là “lá bài” quan trọng khôi phục lòng tin của cử tri trong chiến dịch chạy đua giành chiếc ghế đứng đầu Chính phủ tại nước mình. Cuối tháng 2 vừa qua, lần đầu trong lịch sử, Chính phủ Ma-lai-xi-a đã thông qua chính sách tăng mức lương tối thiểu từ 800 đến 900 rinh-ghít/tháng (tương đương 265 đến 298 USD/tháng) đối với người lao động nước này, so mức lương tối thiểu trước đây là 760 rinh-ghít/tháng. Thủ tướng Ma-lai-xi-a N.Ra-dắc cho biết, bảo đảm ASXH là một phần quan trọng trong kế hoạch mà ông đưa ra năm 2010, nhằm đưa Ma-lai-xi-a từ một quốc gia có thu nhập trung bình trở thành quốc gia phát triển trong năm 2020, thông qua cải cách thị trường và tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực dịch vụ. Chính phủ Xin-ga-po cũng công bố khoản ngân sách năm 2012 với mục tiêu “Một xã hội của toàn dân, một Xin-ga-po hùng mạnh hơn”. Theo đó, giảm thuế cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và tăng ngân sách cho các dịch vụ chăm sóc y tế đối với người nghèo. Chính phủ Ấn Độ mới đây công bố các khoản chi ngân sách thời gian tới, trong đó ưu tiên đầu tư các chương trình xã hội.
Khác với một số nước trong khu vực đồng ơ-rô như Hy Lạp và Bồ Đào Nha đang phải cắt giảm đến mức thấp nhất các khoản chi phúc lợi xã hội, nhằm thoát khỏi “cơn bão” nợ công, các quốc gia châu Á lại có khả năng tài chính để duy trì ổn định kinh tế. Một số nước trong khu vực tự hào có số dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, đứng đầu là Trung Quốc với gần 3,2 nghìn tỷ USD. Các nước Ấn Độ, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po, Hàn Quốc, và Thái-lan đều có khoản dự trữ ngoại tệ hơn 100 tỷ USD. Thực tế, khoản tiền này chủ yếu được chính phủ các quốc gia sử dụng nhằm bảo vệ kinh tế trong nước trước những rủi ro do biến động tài chính từ bên ngoài. Tuy nhiên, việc đầu tư vào lĩnh vực ASXH hiện chưa nhận được sự quan tâm đầy đủ. Trong khi đó, theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), một nửa số dân ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương hiện sống ở mức nghèo khổ và ngân sách dành cho phát triển ASXH chỉ chiếm khoảng 5,2% GDP. Điều này cho thấy, mặc dù các nước ở châu Á có khoản dự trữ ngoại tệ “rất lớn”, tuy nhiên chưa tương xứng với mức sống của người dân. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thu nhập của 20% số dân nghèo nhất ở Trung Quốc, khu vực Nam Á và tại các nền kinh tế công nghiệp mới tăng chậm hơn so với thu nhập bình quân tính theo đầu người. IMF cũng cảnh báo, bất bình đẳng về thu nhập trở thành một trong những mối đe dọa tiềm ẩn đối với sự phát triển bền vững của châu Á.
Theo các chuyên gia, tăng lương tối thiểu, tăng cường đầu tư lĩnh vực y tế là một trong những bước đi ban đầu đặt nền móng cho một cơ chế chính thức về ASXH tại châu Á. Tuy nhiên, để thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng trong xã hội và phát triển kinh tế bền vững, các nước trong khu vực cần đầu tư hơn nữa vào giáo dục, chăm sóc y tế, trợ cấp lương hưu và thất nghiệp.
Theo Nhandan
Ý kiến ()