Châu Á chủ động ngăn chặn biến thể Omicron xâm nhập và lây lan
Trước nguy cơ biến thể Omicron lan rộng, các quốc gia châu Á đã chủ động triển khai biện pháp sớm ngăn chặn biến thể mới này xâm nhập và lây lan.
Malaysia
Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin, ngày 1/12, cho biết, nước này đã tạm cấm tiếp nhận du khách đến từ các quốc gia ghi nhận sự xuất hiện của biến thể Omicron cũng như các nước có nguy cơ lây lan cao.
Lệnh cấm này hiện có hiệu lực đối với 8 quốc gia, trong đó có Nam Phi, Zimbabwe, Mozambique và Malawi, nhưng nó có thể mở rộng phạm vi sang các nước ghi nhận ca nhiễm Omicron như Anh và Hà Lan.
Malaysia cũng sẽ hoãn kế hoạch triển khai chương trình Làn đi lại cho người đã tiêm chủng (VTL) với các quốc gia chịu ảnh hưởng của biến thể mới, tái áp đặt quy định cách ly đối với công dân Malaysia và người thường trú dài hạn trở về từ những quốc gia nêu trên cho dù họ đã tiêm ngừa Covid-19 hay chưa.
“Đây chỉ là những biện pháp tạm thời cho đến khi chúng tôi hiểu thêm về biến thể Omicron. Khi chúng tôi cho rằng mọi thứ đã an toàn, chúng tôi sẽ dỡ bỏ các biện pháp này”, ông Khairy lưu ý.
Trong những tuần gần đây, khi tỷ lệ lây nhiễm giảm trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng cao, Malaysia đã dần mở cửa biên giới và cho du khách nhập cảnh. Đầu tuần này, Malaysia và Singapore đã triển khai VTL chung 2 chiều, mở cửa trở lại biên giới sau gần 2 năm đóng cửa do đại dịch.
Singapore
Singapore sẽ ngừng triển khai thêm biện pháp mở cửa trở lại trong lúc đánh giá biến thể Omicron. Quốc gia Đông Nam Á này cũng sẽ tăng cường làm xét nghiệm cho du khách và nhân viên tuyến đầu để giảm nguy cơ biến thể mới lây lan trong nước.
Theo Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung, chính sách nhập cảnh không cần cách ly đối với người đã tiêm chủng sẽ không mở rộng phạm vi tới các quốc gia khác và các biện pháp giãn cách xã hội hiện nay vẫn sẽ có hiệu lực.
Singapore sẽ ưu tiên sử dụng xét nghiệm PCR do công ty Thermo Fisher sản xuất. Thermo Fisher khẳng định, loại xét nghiệm này vẫn có thể phát hiện biến thể Omicron.
Mọi ca nhiễm biến thể Omicron (nếu được phát hiện tại Singapore) sẽ được cách ly trong cơ sở y tế của chính quyền thay vì tự cách ly tại nhà như những ca bệnh thể nhẹ.
Hàn Quốc
Sau khi ghi nhận ca đầu tiên nhiễm Omicron, Hàn Quốc, ngày 1/12, quyết định tại áp đặt quy định sàng lọc nghiêm ngặt đối với các hành khách tại sân bay, yêu cầu cách ly bắt buộc và triển khai các biện pháp khác để ngăn ngừa sự lây lan của biến thể mới.
Cơ quan Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) xác nhận, 1 cặp vợ chồng (trong độ tuổi 40, sống tại Incheon, phía tây Seoul) và 1 người bạn của họ (trong độ tuổi 30) đã nhiễm Omicron. Hai phụ nữ khác (hơn 50 tuổi) cũng dương tính với biến thể mới.
Cặp vợ chồng nêu trên đã được tiêm đủ liều vaccine. Họ đã tới Nigeria từ ngày 14 đến 23/11. Hai người này và bạn của họ đều không xuất hiện triệu chứng nặng ngoài đau cơ và hệ hô hấp.
Sau cuộc họp khẩn bàn về giải pháp ứng phó biến thể mới, Hàn Quốc yêu cầu tất cả hành khách quốc tế phải trải qua 10 ngày cách ly bắt buộc trong vòng 2 tuần tới, bắt đầu từ ngày 3/12 dù họ đã tiêm vaccine hay chưa.
Công dân Hàn Quốc và người nước ngoài ở lại Hàn Quốc trong thời gian dài sẽ được phép cách ly tại nhà, trong khi những người nước ngoài lưu trú ngắn hạn sẽ cách ly tại cơ sở do chính quyền chỉ định.
Sự xuất hiện của Omircon đã cản trở quyết tâm quay lại cuộc sống bình thường của Hàn Quốc. Đầu tuần này, Chính phủ Hàn Quốc quyết định tạm ngừng kế hoạch “chung sống với Covid-19” với lý do mức độ rủi ro của đại dịch rất cao. Nhà chức trách sẽ đẩy nhanh tiêm liều nhắc lại và bảo đảm tăng cường đủ giường bệnh trong 4 tuần tới.
Hôm nay, Hàn Quốc ghi nhận 5.266 ca mắc Covid-19, đánh dấu 2 ngày liên tiếp số ca mắc mới tại nước này vượt mốc 5.000 ca/ngày, số ca bệnh nguy kịch xác lập kỷ lục mới (723 trường hợp).
Nhật Bản
Các hãng hàng không lớn tại Nhật Bản đã ngừng nhận đặt chỗ trên chuyến bay mới đến nước này từ ngày 1/12. Chính phủ cũng mở rộng lệnh cấm đi lại trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan ở mức ngày càng báo động.
Theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản, Japan Airlines và ANA cho biết sẽ tạm dừng nhận đặt chỗ trên các chuyến bay quốc tế tới nước này cho đến cuối tháng 12.
Đầu tuần này, Nhật Bản cũng bắt đầu triển khai một trong những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất thế giới, đó là đóng cửa biên giới đối với những lượt nhập cảnh mới là người nước ngoài.
“Xuất phát từ quan điểm ngăn chặn dịch bệnh, chúng tôi sẽ không chỉ hạn chế lượt nhập cảnh mới là người nước ngoài mà còn hạn chế người nước ngoài được thường trú tại Nhật Bản, trừ trường hợp đặc biệt”, Chánh Văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno phát biểu tại 1 cuộc họp báo.
Ấn Độ
Ấn Độ khẳng định đã sẵn sàng nhanh chóng chuyển thêm vaccine ngừa Covid-19 tới châu Phi để giúp “lục địa đen” ứng phó biến thể Omicron. Đến nay, Ấn Độ đã cung cấp hơn 25 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 sản xuất trong nước cho 41 quốc gia châu Phi, chủ yếu thông qua cơ chế COVAX.
“Chính phủ Ấn Độ sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tại châu Phi ứng phó với biến thể Omicon, trong đó có cung cấp vaccine sản xuất tại Ấn Độ… Quá trình hỗ trợ có thể diễn ra thông qua COVAX hoặc song phương”, thông cáo của Bộ Ngoại giao Ấn Độ nêu rõ.
Từ tháng 11/2021, Ấn Độ đã nối lại xuất khẩu vaccine sau một thời gian tạm ngừng để phục vụ nhu cầu tiêm chủng trong nước. Đến nay, Ấn Độ đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa Covid-19 cho 83% trong 944 triệu dân số trưởng thành, 47% dân số đã được tiêm đầy đủ.
Ý kiến ()