Chất vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Đại biểu QH Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) chất vấn thành viên Chính phủ. ( Ảnh: AN THÀNH ĐẠT )Hôm qua 15-6, trong ngày làm việc thứ 21, kỳ họp thứ ba, Quốc hội (QH) khóa XIII, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn của các đại biểu QH. Đây cũng là thành viên Chính phủ cuối cùng tham gia trả lời chất vấn tại kỳ họp này.Mở đầu phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo bổ sung, tiếp thu, giải trình về những vấn đề lớn mà các đại biểu QH và cử tri cả nước quan tâm, chất vấn tại kỳ họp này. Báo cáo nêu rõ, những tháng gần đây, kinh tế vĩ mô có bước tăng trưởng cao hơn so với đầu năm 2012, lạm phát được kiềm chế, trần lãi suất ngân hàng giảm, xuất khẩu tăng so với cùng kỳ.Nhiều doanh nghiệp đã cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh, nên tình hình đã được cải thiện. Trong tháng 5, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể đã giảm so với những tháng trước...
Đại biểu QH Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên – Huế) chất vấn thành viên Chính phủ. ( Ảnh: AN THÀNH ĐẠT ) |
Mở đầu phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo bổ sung, tiếp thu, giải trình về những vấn đề lớn mà các đại biểu QH và cử tri cả nước quan tâm, chất vấn tại kỳ họp này. Báo cáo nêu rõ, những tháng gần đây, kinh tế vĩ mô có bước tăng trưởng cao hơn so với đầu năm 2012, lạm phát được kiềm chế, trần lãi suất ngân hàng giảm, xuất khẩu tăng so với cùng kỳ.
Nhiều doanh nghiệp đã cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh, nên tình hình đã được cải thiện. Trong tháng 5, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể đã giảm so với những tháng trước đó. Liên quan hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp Nhà nước, Phó Thủ tướng cho rằng, đa số tập đoàn, tổng công ty làm ăn có lãi, góp phần bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Nhà nước hiệu quả hoạt động còn thấp, chưa theo kịp nhu cầu, chưa làm tốt vai trò đầu tàu, một số lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty có tiêu cực, sai phạm. Thủ tướng đã chỉ đạo xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân sai phạm, trong đó có sai phạm tại Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines). Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp các doanh nghiệp Nhà nước, trong đó trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty lớn. Tăng cường kiểm tra, giám sát, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước. Đồng thời, tiếp tục tăng đầu tư cho khu vực tam nông, thông qua việc điều chỉnh các nguồn vốn và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư. Tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ trình QH ban hành Nghị quyết về việc kéo dài thời hạn sử dụng đất nông nghiệp. Về các vấn đề xã hội, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, như chính sách đối với người có công, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, tạo thêm việc làm mới, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Chỉ đạo các cơ quan chức năng đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm tham nhũng và sớm trình QH sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường đối thoại với nhân dân, thực hiện công khai, minh bạch; bảo đảm có lý, có tình, giải quyết khiếu nại, tố cáo dứt điểm từ cơ sở.
Tái cơ cấu kinh tế đi liền với giải quyết các vấn đề xã hội
Trong phần trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường, nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi với Phó Thủ tướng, trong đó tập trung vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; các biện pháp nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức.
Các đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu), Phan Văn Quý (Nghệ An), Lê Thanh Vân (Hải Phòng) và nhiều đại biểu đề nghị cho biết, cùng với tái cơ cấu kinh tế, Chính phủ có giải pháp gì nhằm giải quyết các vấn đề xã hội có thể phát sinh. Phó Thủ tướng cho rằng, quan điểm của Chính phủ là đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế đi liền với giải quyết các vấn đề xã hội. Trong quá trình tái cơ cấu, có thể một bộ phận người lao động mất việc làm, đây là vấn đề quan trọng. Chính phủ đã có sự chuẩn bị và xây dựng kế hoạch bố trí ngân sách từ nguồn Nhà nước, doanh nghiệp và huy động từ xã hội để giải quyết. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình hỗ trợ như Chương trình 134, Chương trình 135, Chương trình đào tạo nghề và trợ cấp xã hội, nhất là đối với các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế còn nhiều nội dung chưa rõ ràng, thiếu tính khả thi, Phó Thủ tướng cho biết, Đề án được Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo và được xây dựng công phu, có tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học trước khi trình QH xem xét, cho ý kiến. Chính phủ sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu QH về những hạn chế của Đề án, nhằm bổ sung, hoàn thiện để sớm triển khai hiệu quả Đề án này.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), Lê Quang Hiệp (Thanh Hóa) đề nghị cho biết, liệu nền kinh tế có rơi vào suy giảm không và chính sách đối với nông nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng, chúng ta đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất của nền kinh tế và đang có xu hướng phát triển tốt hơn. Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, sử dụng các gói hỗ trợ cần thiết khác nhằm đưa mức tăng trưởng trở lại, đồng thời kiềm chế lạm phát hiệu quả. Đối với khu vực nông nghiệp, Phó Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo các ngành thực hiện tốt hơn các chính sách đối với khu vực nông nghiệp, trong đó có mô hình liên kết bốn nhà, chống ép giá nông sản, giảm tổn thất sau thu hoạch, khắc phục thiệt hại cho người nông dân. Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, tạo điều kiện phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên – Huế) tại sao việc công khai, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước không được thực hiện và đề nghị cho biết tỷ lệ nợ xấu của các doanh nghiệp Nhà nước, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty phải công khai minh bạch, công bố thông tin về hiệu quả sản xuất, kinh doanh để có sự giám sát tốt hơn, góp phần chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, thời gian qua một số đơn vị chưa làm tốt việc này. Về vấn đề nợ xấu, Phó Thủ tướng cho rằng, hiện nay trong tổng số nợ xấu của các ngân hàng có một phần của tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, nhưng tỷ lệ không cao và đây không phải là nguyên nhân chính gây ra tình trạng nợ xấu tại các ngân hàng. Liên quan trách nhiệm trong việc để thất thoát tài sản xảy ra tại các doanh nghiệp Nhà nước, Phó Thủ tướng cho biết, sắp tới Chính phủ sẽ đưa ra một số biện pháp tăng cường trách nhiệm hơn nữa trong quản lý Nhà nước, trong đó có trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành trong hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.
Nâng cao năng lực đội ngũ công chức và cơ quan Nhà nước
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nêu vấn đề, mặc dù cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được thực hiện tương đối hiệu quả, nhưng vẫn còn tình trạng sách nhiễu, gây phiên hà cho nhân dân. Phó Thủ tướng trả lời, cải cách TTHC được Chính phủ rất quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt và đạt hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn sự nhũng nhiễu, tiêu cực gây khó khăn cho người dân. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, tạo điều kiện tốt hơn đối với người dân và doanh nghiệp theo hướng giảm thiểu tối đa TTHC, thông qua việc huy động nguồn lực thực thi đơn giản hóa TTHC; thực hiện đánh giá tác động của TTHC trong việc ban hành các luật, quy định mới; niêm yết công khai minh bạch TTHC. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng vẫn là con người. Do vậy, các cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục tăng cường cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt đảm nhận các khâu trong thực hiện TTHC, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực.
Liên quan năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, các đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên), Lê Thanh Vân (Hải Phòng) nêu ý kiến, hiện nay công tác cán bộ và kỷ luật, kỷ cương thực thi công vụ chưa tốt, ảnh hưởng hiệu quả hoạt động cơ quan Nhà nước và đề nghị cho biết các biệp pháp phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới. Phó Thủ tướng cho rằng, phần lớn cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm, phần lớn được đào tạo chuyên môn. Những thành tựu kinh tế – xã hội đạt được thời gian qua có sự đóng góp to lớn của đội ngũ này. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Kỷ cương, kỷ luật thấp, trách nhiệm chưa cao, chậm đổi mới, thậm chí có một bộ phận cán bộ, công chức tham nhũng, tiêu cực làm giảm lòng tin trong nhân dân. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát lại văn bản pháp luật về thi cử, bổ nhiệm, công khai và loại bỏ cán bộ không đủ năng lực, mất uy tín với nhân dân, thực hiện tốt Luật Cán bộ, công chức. Quản lý cán bộ, công chức trên cơ sở xác định vị trí việc làm, đổi mới cơ chế tiền lương, tăng cường thanh tra công vụ, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức, không để kẽ hở để tham nhũng phát triển. Hoàn thiện hệ thống pháp luật và có tiêu chuẩn, tiêu chí tốt hơn, nhằm phát hiện và xử lý nghiêm minh những cán bộ tham nhũng.
Quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2012
Phát biểu ý kiến kết luận phần chất vấn các thành viên Chính phủ tại kỳ họp này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, qua hai ngày rưỡi tiến hành chất vấn, có hàng trăm câu hỏi trực tiếp chất vấn tại hội trường. Tại các phiên chất vấn, nhiều vấn đề quan trọng cử tri cả nước quan tâm đã được nêu ra. Không khí chất vấn thẳng thắn, trách nhiệm, đối thoại với tinh thần xây dựng cao. Hỏi và trả lời rõ, đi thẳng vào vấn đề. Các thành viên Chính phủ nghiêm túc đánh giá, nhìn nhận những hạn chế trong lĩnh vực phụ trách.
Chủ tịch QH đề nghị, các thành viên Chính phủ nghiêm túc thực hiện những điều đã nêu ra tại phiên chất vấn. Cụ thể, thực hiện tốt các chính sách về đất đai, bảo đảm đến năm 2013 căn bản hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Xây dựng và trình QH dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào kỳ họp thứ tư, QH khóa XIII. Tập trung giải quyết khiếu kiện về đất đai kéo dài, phức tạp và công bố công khai, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên. Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường các làng nghề, các khu công nghiệp, các lưu vực sông. Về phát triển kinh tế – xã hội, tập trung mọi nguồn lực phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2012 theo Nghị quyết của QH. Hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Tăng cường quản lý các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp Nhà nước. Hoàn thiện chính sách pháp luật, môi trường kinh doanh bảo đảm bình đẳng. Đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính phục vụ nhu cầu phát triển. Chú trọng đầu tư khu vực nông nghiệp. Thực hiện các biện pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng, xử lý hàng tồn kho, kích thích tăng trưởng kinh tế. Tăng cường giám sát, giải quyết hạn chế tại các doanh nghiệp Nhà nước. Chống độc quyền, nhất là đối với các lĩnh vực như điện, than, phân bón. Rà soát, loại bỏ các dự án không bảo đảm an toàn, trong đó có các dự án thủy điện. Đấu tranh có hiệu quả gian lận thương mại, xây dựng thị trường hàng hóa hài hòa, bền vững. Hoàn thiện chính sách về phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phối hợp các ngành hữu quan xây dựng thế trận an ninh nhân dân, phong trào toàn dân phòng, chống tội phạm, tạo chuyển biến tích cực trong việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng lực lượng Công an trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Chủ tịch QH đánh giá cao Báo cáo bổ sung của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày cũng như phần trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng. Qua đó, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2012 theo Nghị quyết của QH.
Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc ở hội trường.
Theo Nhandan
Ý kiến ()