Chất vấn lĩnh vực dân tộc: 3 vấn đề 'nóng' tại nghị trường
Trong công tác dân tộc, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi, cần làm tốt khâu cơ chế chính sách bằng hệ thống văn bản chặt chẽ và phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương. Những nội dung gì thuộc quyền của địa phương, địa phương cần quyết định và chịu trách nhiệm.
Các địa phương cần chủ động, sáng tạo
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ ngay sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực dân tộc chiều 6/6, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương đánh giá, các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội đã tập trung vào những vấn đề mà vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang rất quan tâm; phần trả lời của Bộ trưởng Hầu A Lềnh cũng sát với thực tiễn, sát với những yêu cầu của các đại biểu Quốc hội.
Trong đó, các đại biểu Quốc hội đã tập trung cao vào Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vì sao lại chậm và giải ngân gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Hoàng Xuân Lương, năm 2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Sau đó dịch COVID-19 đã ập đến, gây nhiều khó khăn cho công tác điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Sau khi có Quyết định, các bộ, ngành phải có văn bản hướng dẫn.
Tuy nhiên, trong điều kiện cả nước đang tập trung phòng chống dịch và các nhiệm vụ lớn về phục hồi kinh tế-xã hội của đất nước, các văn bản hướng dẫn chi tiết Chương trình còn chậm, thiếu sót.
“Việc chậm là có yếu tố khách quan mà chúng ta cần chia sẻ với Chính phủ, các bộ, ngành”, ông Hoàng Xuân Lương nói.
Mặt khác, các địa phương vẫn chưa thể hiện tính chủ động, sáng tạo. Trong khi quan điểm của Chính phủ, Quốc hội trong triển khai chính sách dân tộc là Trung ương đề ra mục tiêu, các tiêu chí, các vấn đề thuộc về nguyên tắc; nguồn vốn chuyển về địa phương, quyền chủ động thực hiện là giao cho UBND các tỉnh, thành phố. Nhiều vấn đề UBND các tỉnh, thành phố có thể quyết định được lại vẫn chờ, hỏi văn bản Trung ương. Điều này dẫn đến khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện.
Tuy nhiên, theo ông Lương, cũng có những vấn đề địa phương xin ý kiến Trung ương là đúng, đơn cử như trong chương trình hỗ trợ làm nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thực tế những năm qua, nhiều địa phương phát động phong trào toàn dân ủng hộ người nghèo, trong đó có làm nhà. Nhà của đồng bào dân tộc thiểu số đã được sửa chữa, hoàn thiện, xây dựng mới khá nhiều, do đó, hạng mục làm nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số ở một số địa phương đã hoàn thành và đề nghị điều chuyển vốn làm nhà đó sang các vốn sự nghiệp khác.
Việc điều chuyển đó phải xin ý kiến Trung ương, địa phương chờ là đúng. Tuy nhiên, cũng có các vấn đề khác, điều chuyển từ các tiểu dự án nhỏ nằm trong dự án lớn thì các địa phương có thể quyết đinh được, không cần hỏi các bộ, ngành.
“Có các nội dung phải chờ đợi các văn bản hướng dẫn của Trung ương, nhưng có các nội dung mà Trung ương, bộ, ngành đã cho phép, các địa phương phải chủ động thực hiện” ông Lương nêu ý kiến.
Vấn đề thứ hai ‘nóng’ tại nghị trường Quốc hội, đó là đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đảng, Nhà nước đã hết sức quan tâm đến vấn đề này trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 43.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất. Đơn cử ở Tây Nguyên, trước đây vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền xuôi di dân lên đã góp đất của mình vào cho các nông lâm trường.
Hiện nay, các nông lâm trường đã làm được sổ đỏ mang tên nông lâm trường mình, vì thế đã loại người dân ra khỏi quyền sở hữu, sử dụng các khu đất trước đây của mình, khiến đồng bào mất đất sản xuất, không có nguồn thu nhập từ đất đó. Đây là vấn đề bức xúc mà các đại biểu Quốc hội nêu lên rất chính xác.
Theo ông Lương, trong thời gian qua, Chính phủ đã tập trung rất cao để giải quyết vấn đề này, tuy nhiên gặp một số khó khăn về quỹ đất do địa phương không còn, nguồn vốn mua lại, thu lại một số đất của các nông lâm trường ít… Do đó, ở những nơi không còn đất sản xuất thì cần quan tâm đến việc chuyển đổi nghề, bảo đảm cho người dân có thể sinh kế được bằng nghề mới đó.
“Tôi cho rằng đây là sự chuyển hướng rất quan trọng, nên điều chỉnh tên của chính sách giải quyết đất sản xuất thành giải quyết đất sản xuất và chuyển đổi nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số ở những nơi không có đất sản xuất. Như thế mới trọn vẹn đầy đủ hơn, địa phương dễ thực hiện”, ông Lương nêu ý kiến.
Vấn đề thứ 3 mà các đại biểu quan tâm đó là việc có xây dựng Luật Dân tộc không? Việc thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng ta đối với lĩnh vực dân tộc được Quốc hội hết sức quan tâm. Những vấn đề về quyền của người dân tộc thiểu số đã được khẳng định rất rõ tại Hiến pháp.
Bên cạnh đó, 274 điều trong 66 bộ luật khác nhau cũng thể hiện rõ quyền lợi, nghĩa vụ của đồng bào dân tộc thiểu số. Như vậy các vấn đề cơ bản đã được luật hóa. Tuy nhiên, do các điều khoản lại nằm rải rác ở rất nhiều văn bản luật khác nhau nên xảy ra hiện tượng chồng chéo giữa bộ luật này và bộ luật khác.
Theo ông Lương, việc xây dựng Luật Dân tộc là rất cần thiết nhưng đây là vấn đề rất khó và phức tạp, cần phải tập trung nghiên cứu, thận trọng để làm sao không bị chồng lấn với các luật, bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Trong thời gian tới, để triển khai tốt Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ông Hoàng Xuân Lương cho rằng, Chính phủ cần ban hành Nghị định quy định rõ việc giải ngân đầu tư công, giải ngân vốn thuộc các hạng mục đầu tư công. Từ đó Uỷ ban Dân tộc, Bộ KH&ĐT, những bộ, ngành liên quan thống nhất có văn bản hướng dẫn, tháo gỡ những kiến nghị của các địa phương mà thuộc về quyền hạn của Trung ương. Đồng thời Uỷ ban Dân tộc cần có văn bản xác định rõ những vấn đề gì thuộc quyền quyết định của UBND cấp tỉnh, để địa phương quyết định không cần phải hỏi bộ ngành.
“Khi làm tốt khâu cơ chế chính sách bằng hệ thống văn bản chặt chẽ thì tôi tin chắc công tác dân tộc, Chương trình MTQG vùng dân tộc thiểu số sẽ thực hiện tốt trong thời gian sắp tới”, ông Lương bày tỏ.
Tâm thế, niềm tin vững chắc để đồng bào dân tộc thiểu số vượt qua khó khăn
Đồng quan điểm, ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban dân tộc tỉnh Cao Bằng đánh giá, các đại biểu Quốc hội đã đặt ra những câu hỏi đúng những nội dung trọng tâm, những khó khăn vướng mắc hiện nay trong thực hiện chính sách dân tộc và Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc đã trả lời chất vấn đúng, cụ thể, ngắn gọn những câu hỏi mà các đại biểu đặt ra và thể hiện bản lĩnh của tư lệnh ngành – người nắm rõ, hiểu được những vấn đề trọng tâm, cốt lõi của lĩnh vực mình phụ trách.
Theo ông Bế Văn Hùng, cuối năm 2022, Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025 mới được triển khai thực hiện, tuy nhiên do thiếu nhiều văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương vì vậy chưa thể triển khai toàn diện Chương trình nên dẫn đến tình trạng chưa thể triển khai các chính sách dân tộc tới đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, đây là một chương trình hoàn toàn mới, vì vậy gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ trong việc triển khai thực hiện.
Tại Cao Bằng, tính đến thời điểm ngày 31/01/2023, nguồn vốn năm 2022 đã thực hiện giải ngân là 373.877,734 triệu đồng/820.327 triệu đồng; đạt 45,58%. Nguồn vốn năm 2023 đã giải ngân tính đến ngày 15/5/2023 là 106,010.758 triệu đồng/2,095,448.171 triệu đồng; đạt 5,06% kế hoạch năm.
Trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt đối với các bộ, ngành, địa phương để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong triển khai Chương trình. Trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc đã trực tiếp làm việc với tỉnh Cao Bằng để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc như: Việc triển khai đường cao tốc Cao Bằng-Lạng Sơn; triển khai 3 chương trình MTQG; công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn…..và nhiều dự án quan trọng, trọng điểm khác.
Ông Bế Văn Hùng mong rằng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các cam kết của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc tại nghị trường Quốc hội sẽ tạo một tâm thế, niềm tin vững chắc để đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Cao Bằng vượt qua khó khăn, vướng mắc thực hiện tốt, có hiệu quả cao chính sách dân tộc nói chung, Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại tỉnh Cao Bằng nói riêng.
Còn theo ông Lầu A Páo, Bí thư Đảng ủy xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, Bộ trưởng đã trả lời tương đối đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên vẫn phải làm rõ hơn về các tiêu chí phân định, việc đầu tư, ưu tiêu đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách về tái định cư… Đơn cử như hiện nay đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng biên giới đặc biệt khó khăn có các dự án triển khai tại địa phương, nếu hộ dân chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thổ cư thì theo Luật Đất đai không được tái định cư, điều này gây khó khăn cho đồng bào dân tộc, đồng bào rơi vào tình trạng không có nhà ở.
Ông Lầu A Páo đề xuất Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc tiếp tục xem xét có cơ chế ưu tiên về an sinh xã hội cho đồng bào khó khăn, các xã biên giới để phát triển kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng và đặc biệt là trong lĩnh vực bảo vệ rừng.
Ý kiến ()