Chất vấn HĐND Thành phố Hà Nội: Tập trung vào 4 vấn đề bức xúc
Hôm 5/7, HĐND Thành phố Hà Nội dành trọn cả ngày để thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn theo 4 nhóm vấn đề: kinh tế - ngân sách và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; quản lý đô thị và trật tự an toàn xã hội; văn hóa - xã hội và dân sinh; quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng.
Hôm 5/7, HĐND Thành phố Hà Nội dành trọn cả ngày để thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn theo 4 nhóm vấn đề: kinh tế – ngân sách và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; quản lý đô thị và trật tự an toàn xã hội; văn hóa – xã hội và dân sinh; quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng trả lờichất vấn – Ảnh: TH |
Sẽ cắt giảm dự án nếu hụt thu ngân sách
Đăng đàn đầu tiên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng trả lời về nhóm vấn đề kinh tế – ngân sách và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Theo Phó Chủ tịch, trong những năm qua, Thành phố thường xuyên quan tâm, dành một khoản kinh phí ghi cho mục hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên kết quả đạt thấp so với dự toán, cụ thể năm 2012, thực hiện giải ngân 10.836 triệu đồng, đạt 10,8% dự toán; 6 tháng đầu năm 2013 mới giải ngân 7,6 tỷ đồng, đạt 7,6 % kế hoạch dự toán.
Theo giải trình của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Huy Tưởng, nguyên nhân chủ yếu là do tình hình kinh tế khó khăn làm cho đầu ra sản phẩm tiêu thụ chậm, hàng tồn kho nhiều, nên rất ít doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cho sản xuất; việc hỗ trợ lãi xuất chưa khuyến khích doanh nghiệp vay vốn mở rộng sản xuất; cơ chế, chính sách đặt ra quá chặt…
Về biện pháp trong thời gian tới, đại diện UBND Thành phố Hà Nội nhấn mạnh việc sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng mở rộng chính sách hỗ trợ. Trong điều kiện ngân sách có hạn, Thành phố tiếp tục giao các ngành nghiên cứu có cơ chế hỗ trợ vốn vay với doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng có khả năng thu hồi vốn như: đầu tư nước sạch đô thị và nông thôn, bãi đỗ xe công cộng…
Về dự kiến hụt thu ngân sách của Hà Nội năm 2013 là 10.300 tỷ đồng, Phó Chủ tịch cho biết, Thành phố chưa có điều chỉnh dự toán thu của năm 2013, vẫn quyết tâm hoàn thành dự toán được giao với quyết tâm cao nhất. Trong trường hợp đặc biệt bị hụt thu, Thành phố sẽ tiết kiệm chi thêm 10% nữa trong 7 tháng còn lại của năm 2013; cắt chi thường xuyên đã có trong dự toán nhưng chưa phân bổ; các khoản bố trí cho đầu tư xây dựng cơ bản chưa được sử dụng cũng sẽ cắt. Ngoài ra, nguồn 5% tăng thu hàng năm để dành cho cải cách tiền lương, trong khi chưa sử dụng đến, Thành phố sẽ đề nghị Bộ Tài chính cho sử dụng để bù vào hụt thu…
Về vấn đề này, nhiều đại biểu băn khoăn về tính hợp pháp trong thực hiện và các giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng, căn cứ để thu thuế đối với các trường hợp này đều thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Việc tạm thu này không đồng nghĩa với việc hợp pháp hóa mảnh đất đó cho doanh nghiệp mà Nhà nước thu thuế vì doanh nghiệp có sử dụng đất, có sản xuất kinh doanh.
Về nợ đọng xây dựng cơ bản cũng được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn. Có đại biểu cho rằng, dường như việc nợ xây dựng cơ bản là ngoài trách nhiệm của UBND Thành phố và yêu cầu UBND Thành phố cần có biện pháp chỉ đạo quyết liệt để ngăn chặn. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Huy Tưởng tiếp thu ý kiến của đại biểu, hứa sẽ quyết liệt hơn trong chỉ đạo, xử lý rất nghiêm trong quá trình kiểm tra.
Làm rõ thêm nội dung này, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Văn Hải đã nhận trách nhiệm về các trường hợp bị chậm thu do không có quy hoạch. Ông cho rằng: “Việc chậm quy hoạch không ảnh hưởng đến việc chậm nộp tiền sử dụng đất. Khi doanh nghiệp đến xin quy hoạch, nếu doanh nghiệp sử dụng đúng hiện trạng thì Sở vẫn cho phép thực hiện đúng hiện trạng và đây là điều kiện đủ để thực hiện việc nộp thuế. Tuy nhiên, Sở sẽ cùng các ban, ngành liên quan xem xét lại hơn 1.000 doanh nghiệp chưa có giấy tờ”.
Kết thúc phần trả lời chất vấn của nhóm vấn đề thứ nhất, Chủ tịch HĐND Thành phố Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị, UBND Thành phố quan tâm hơn đến việc điều chỉnh, đề xuất cơ chế chính sách theo thẩm quyền và khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp, 6 tháng cuối năm sẽ sử dụng có hiệu quả phần ngân sách dành cho hỗ trợ doanh nghiệp và xúc tiến thương mại; công khai các thủ tục, tiêu chí, quy chế sử dụng nguồn hỗ trợ và xúc tiến thương mại. Cùng với đó, UBND Thành phố cần thực hiện nghiêm chỉ thị của Chính phủ, tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh các đơn vị không chấp hành nghiêm, kiên quyết không bố trí công trình mới khi chưa xử lý xong nợ xây dựng cơ bản và không để phát sinh nợ xây dựng cơ bản. Đồng thời, cần có cơ chế xử lý các đơn vị vi phạm, trong đó có xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh lưu ý, Thành phố tiếp tục thực hiện quyết liệt năm cải cách hành chính, xử lý nợ đọng kéo dài, xử lý chây ì…
Đình chỉ ngay những cây xăng nguy hiểm
Tại buổi chất vấn, các vấn đề liên quan đến công tác phòng chống cháy nổ, nhất là nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân cũng như những giải pháp khắc phục và lộ trình di dời các cây xăng cũng được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn.
Thay mặt UBND Thành phố, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy cho biết, hằng năm, vào đầu vụ nắng nóng hay xảy cháy, nguyên nhân do thời tiết thúc đẩy gia tăng cháy nổ; ý thức của một bộ phận lãnh đạo, quần chúng nhân dân chưa cao trong quá trình sử dụng điện, các nguồn nhiệt, vật liệu dễ cháy nổ; một số đơn vị coi nhẹ công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn Thành phố, sau khi thành lập Sở PCCC, đến nay, Sở đã tăng cường quân số lên 1.599 cán bộ chiến sĩ, trong đó có 837 chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ và thành lập 10 đội chữa cháy khu vực với hơn 100 xe phục vụ chữa cháy, cứu hộ… Sắp tới, Sở sẽ có thêm 8 đội chữa cháy khu vực, đồng thời tăng cường bố trí lực lượng tại chỗ hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát PCCC. Song song với đó, Sở đang thực hiện dự án mua trang thiết bị trị giá 600 tỷ đồng.
Về việc kiểm tra, rà soát việc cấp phép và hiện trạng đảm bảo an toàn PCCC của 489 cây xăng đang hoạt động trên địa bàn, đặc biệt là vùng nội đô; kế hoạch xử lý các trạm không đảm bảo an toàn sau vụ cháy cây xăng trên đường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm ngày 03/6 vừa qua, Phó Giám đốc Sở PCCC cho biết, Sở vẫn thường xuyên kiểm tra theo tiến độ quý, 6 tháng, 1 năm, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên ngành để kiểm tra theo đợt. Hiện Sở đang tiếp tục tiến hành kiểm tra đợt 2 (đợt 1 vào cuối năm 2012), đến hết tháng này mới kết thúc và sẽ có nhận xét, đánh giá với từng cửa hàng.
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam chất vấn tại nghị trường – Ảnh: TH |
Ngay sau phần trả lời của Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC, 7 đại biểu tái chất vấn về vấn đề đảm bảo an toàn chữa cháy cho khu nhà cao tầng, khu vực làng nghề, xử lý các cây xăng không đủ đảm bảo về an toàn cháy nổ….
Trả lời câu hỏi về vấn đề này Phó Giám đốc Nguyễn Văn Sơn cho biết, đối với nhà cao tầng, nguồn nước cung cấp bao giờ chúng tôi cũng phải duyệt khối lượng nước đảm bảo trong 3 giờ chữa cháy, hệ thống báo cháy tự động để phát hiện xử lý, có hệ thống chữa cháy tự động dọc hành lang, đối với nhà chung cư là ở phía cửa để khi đạt tới nhiệt độ 5 – 7 độ sẽ phun nước tự động để đảm bảo cho người thoát nạn ra cầu thang, hành lang thoát nạn, đảm bảo lăng chữa cháy.
Phó Giám đốc Sở cho biết, hiện Thành phố có 5 xe thang cao 52m, nếu tính theo độ cao thì chỉ lên được tới tầng 15. Tuy nhiên, về nguyên tắc, khi thiết kế xây dựng, các nhà cao tầng đều phải đảm bảo và được cơ quan chức năng thẩm định các yếu tố về kỹ thuật và trang thiết bị PCCC. Ở các nhà cao tầng, cửa thoát nạn bằng thang bộ là quan trọng nhất, ngoài ra còn phải đảm bảo cả khối lượng nước chữa cháy, có hệ thống báo cháy tự động để phát hiện cháy sớm… Hiện nay, Thành phố đang khẩn trương triển khai Dự án lắp đặt 500 trụ nước và bể chứa nước phục vụ cứu hỏa trên địa bàn. Trước mắt tập trung xây dựng, phát triển các nguồn nước tại các địa bàn tập trung đông dân cư, khu vực giao thông không thuận lợi, khu phố cổ…
Khép lại phần trả lời của Phó Giám đốc Sở PCCC, Chủ tịch HĐND Thành phố Ngô Thị Doãn Thanh nhấn mạnh, Thành phố cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân có chuyển biến trong việc phòng cháy, có kiến thức cần thiết để xử lý khi hỏa hoạn xảy ra. Đồng thời, cần làm rõ hơn trách nhiệm giữa các cấp và ngành trong công tác PCCC, vai trò điều hành của Ủy ban trong việc xử lý cây xăng không đủ điều kiện, cần di dời theo lộ trình, rõ trách nhiệm của cơ quan xử lý tình huống. Cùng với đó là phải quản lý chặt chẽ hơn việc cấp phép kinh doanh các cây xăng.
Ở hai nhóm vấn đề về văn hóa – xã hội và vấn đề về quản lý đất đai, các đại biểu tập trung chất vấn về các chương trình cải tạo xây dựng chợ kết hợp trung tâm thương mại. Theo các đại biểu nhiều công trình sau khi hoàn thành hiệu quả hoạt động thấp, trong khi đó, thực tế thiếu chợ dân sinh, tồn tại nhiều chợ cóc, chợ tạm. Cùng với đóviệc bố trí quỹ đất, thu hồi đất, công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng trường học còn thiếu hoặc quá tải tại các quận nội thành; vấn đề xây dựng nông thôn mới còn nhiều việc phải làm…
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()