Chất vấn Bộ trưởng Y tế và Nội vụ
Ngày 26-3, tiếp tục Phiên họp thứ sáu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH), dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban TVQH tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình. Phiên chất vấn có sự tham gia của các Đại biểu QH tại Đoàn đại biểu QH 63 tỉnh, thành phố trong cả nước thông qua hình thức trực tuyến và được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam.Tập trung giải quyết tình trạng quá tải bệnh việnTrong phiên làm việc buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, Ủy ban TVQH chất vấn Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong đó tập trung vào các nội dung chính là: Các giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, nhằm đáp ứng yêu cầu phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân; đạo đức của cán bộ ngành y và vấn đề điều chỉnh khung giá dịch vụ y tế.Trả lời câu hỏi của các đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau), Tô Văn...
Tập trung giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện
Trong phiên làm việc buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, Ủy ban TVQH chất vấn Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong đó tập trung vào các nội dung chính là: Các giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, nhằm đáp ứng yêu cầu phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân; đạo đức của cán bộ ngành y và vấn đề điều chỉnh khung giá dịch vụ y tế.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau), Tô Văn Tám (Kon Tum), Cù Thị Hậu (Hưng Yên) về các giải pháp giải quyết tình trạng quá tải tại các bệnh viện, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, quá tải bệnh viện là vấn đề lớn và được ngành y tế xác định là nhiệm vụ trọng tâm phải giải quyết trong thời gian tới. Nguyên nhân chính dẫn đến quá tải là do tâm lý của người bệnh muốn khám, chữa bệnh ở tuyến cao nhất. Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện tuyến dưới còn hạn chế về năng lực, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh chất lượng cao. Bộ Y tế đã trình Chính phủ các giải pháp tổng thể về đầu tư cơ sở vật chất cả ở bệnh viện tuyến T.Ư và tuyến tỉnh, huyện, cũng như đầu tư xây dựng các bệnh viện vệ tinh nhằm giảm tải cho bệnh viện tuyến T.Ư. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ thực hiện các giải pháp nhằm tăng nguồn bác sĩ tại các trung tâm y tế dự phòng và trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã, thông qua ưu đãi trong xét tuyển đầu vào, tăng cường đào tạo liên thông, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh tại địa phương. Đề cập tình trạng quá tải bệnh viện, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ trưởng Y tế cho biết lộ trình giải quyết tình trạng này. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế đang thực hiện đồng bộ các giải pháp, cố gắng trong năm 2013 giảm tải tại một số bệnh viện lớn tuyến T.Ư; phấn đấu đến 2015 việc giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện sẽ có bước tiến rõ nét.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) và một số đại biểu đề cập đến vấn đề y đức, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, những cán bộ, viên chức vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong ngành y chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Tuy nhiên, những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực y tế không chỉ đơn thuần xuất phát từ phía cán bộ y tế, mà trong nhiều trường hợp còn được khởi xướng và tiếp tay bởi chính bệnh nhân và gia đình bệnh nhân. Bộ Y tế đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa đạo đức trong ngành y, giảm tiêu cực. Bộ trưởng cũng đề nghị người bệnh, gia đình người bệnh tôn trọng cán bộ y tế, không đưa tiền, quà cho cán bộ y tế khi đến khám, chữa bệnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Liên (Sóc Trăng) đề nghị cho biết những tác động của Quy định điều chỉnh giá dịch vụ y tế ban hành ngày 29-2-2012. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, đợt thay đổi giá dịch vụ y tế lần này không ảnh hưởng đến những nhóm người nghèo và gia đình chính sách, trẻ em, người hưởng chế độ hưu trí, đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi, những đối tượng nói trên đã được Nhà nước mua thẻ BHYT và thanh toán từ 80% đến 100% chi phí khi khám, chữa bệnh. Đối với những đối tượng không có thẻ BHYT, Chính phủ đã quy định việc hỗ trợ một số đối tượng có khó khăn trong chi trả viện phí, các đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo, có chi phí điều trị lớn như ung thư, chạy thận nhân tạo, phẫu thuật tim.
Cùng với những nội dung nói trên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã trả lời các câu hỏi của đại biểu QH liên quan công tác đào tạo cán bộ y tế dự phòng, công tác quản lý giá thuốc, quản lý quỹ BHYT, quy định kéo dài tuổi nghỉ hưu của cán bộ y tế.
Tại phiên chất vấn, lãnh đạo các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính đã tham gia trả lời chất vấn đối với những vấn đề liên quan như công tác tuyển sinh của các trường y, cơ chế tài chính, cơ chế tuyển dụng, chỉ tiêu biên chế đối với các cơ sở y tế và cán bộ ngành y.
Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức
Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Ủy ban TVQH chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình. Nhiều đại biểu QH tại các địa phương quan tâm chất vấn về giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền cơ sở. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, Bộ Nội vụ đang tiếp tục tham mưu giúp Đảng, Chính phủ, Quốc hội thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương nói chung và chính quyền cấp cơ sở nói riêng. Về xây dựng thể chế, chính sách, Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ Dự án Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi); nghiên cứu đề xuất đổi mới đồng bộ tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động và nhiệm vụ, thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp. Bộ đang xây dựng Đề án về chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn và cán bộ về công tác ở địa bàn khó khăn trình Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó, kiến nghị Ban Cán sự đảng Chính phủ, Ban Bí thư T.Ư Đảng các biện pháp, giải pháp tổng thể về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cơ sở.
Về giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ quy định việc bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng và chế độ, chính sách hợp lý đối với từng loại cán bộ, công chức cơ sở. Nghiên cứu, xây dựng chế độ phụ cấp phù hợp đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố (theo hướng có tính đến trình độ đào tạo của các đối tượng này và khả năng ngân sách của từng địa phương)…
Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 92/2009/NĐ-CP được các đại biểu: Trương Thanh Hoàng (Cà Mau); Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh)… quan tâm. Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết: Việc quy định những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố đã được nêu tại các Nghị quyết T.Ư V (khóa IX), T.Ư VI (khóa X) của Đảng và đã được quy định tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008. Vì vậy để có đủ căn cứ hoàn thiện toàn diện chế độ, chính sách đối với các đối tượng này cần phải tiến hành tổng kết các nghị quyết của Đảng. Trước mắt, Bộ Nội vụ đang xin ý kiến Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định này cho phù hợp.
Bộ trưởng Nội vụ đã trả lời, giải đáp nhiều câu hỏi của các đại biểu liên quan công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước…
Kết thúc phiên chất vấn của hai bộ trưởng tại phiên họp thứ sáu UBTV QH khóa XIII chiều qua, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao chất lượng các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, thể hiện tính công khai, minh bạch. Qua chất vấn, những vấn đề đặt ra của các vị đại biểu QH và trả lời của các bộ trưởng đã cho thấy những thành tựu và các kết quả trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và tổ chức cán bộ và quản lý hành chính nhà nước ở nước ta. Tuy nhiên, trong công tác quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, nhiều vấn đề bức xúc và những vấn đề đặt ra cần tiếp tục giải quyết.
Qua các nội dung chất vấn đã nhấn mạnh trách nhiệm của Bộ trưởng Y tế đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân; Bộ trưởng Nội vụ đối với lĩnh vực tổ chức cán bộ và lĩnh vực cải cách hành chính, từ đó bảo đảm thực hiện có kết quả tốt công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe của nhân dân, công tác cán bộ trong hệ thống, công tác tổ chức nhà nước, tạo sự chuyển biến thật sự, căn bản trong thời gian tới, trong đó có cả vấn đề đấu tranh chống tiêu cực, thực hành chống lãng phí.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, phiên chất vấn trong kỳ họp lần này thể hiện sự đổi mới trong hoạt động của QH. Đồng thời mong rằng các cơ quan, tổ chức liên quan của QH sẽ tổ chức tốt hơn, để phiên họp sau thực hiện chất vấn của Ủy ban Thường vụ QH sẽ có sự tham gia và giám sát của nhân dân được tiến hành một cách có chất lượng hơn, đạt hiệu quả cao hơn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()