Chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường và Thống đốc NHNN
Ngày 29-9, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) Nguyễn Minh Quang; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội (QH) tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ QH.
Từ đất nông, lâm trường đến chuyện cấp sổ đỏ
Buổi sáng, Bộ trưởng TN và MT Nguyễn Minh Quang giải trình về các nội dung chất vấn của đại biểu QH về việc xử lý tồn đọng khiếu nại, tố cáo về đất đai của công dân; công tác quy hoạch sử dụng đất, tình hình sử dụng đất trồng lúa và chủ trương chuyển đổi cây trồng đối với đất trồng lúa; biện pháp khắc phục tình trạng sử dụng đất lãng phí; kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trách nhiệm quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường…
Chất vấn về sự quản lý lỏng lẻo, lãng phí đất đai tại các nông, lâm trường, đại biểu Danh Út, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH nêu lên thực trạng các nông, lâm trường đang quản lý rất nhiều đất đai nhưng nhiều diện tích để hoang phí, trong khi đó, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất. Cả nước cấp sổ đỏ đạt hơn 80%, nhưng tại các nông, lâm trường tỷ lệ này lại rất thấp. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thừa nhận việc sử dụng, quản lý đất đai tại các nông, lâm trường thời gian qua chưa hiệu quả. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và đến năm 2015 sẽ hoàn thành việc đo vẽ đất nông, lâm trường. Khi thu hồi đất vi phạm tại các nông, lâm trường sẽ ưu tiên cho các hộ đồng bào đang thiếu đất ở, đất sản xuất, giúp đồng bào ổn định đời sống.
Ðại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH và đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) phản ánh, trong thực tế, nhiều người dân TP Hà Nội mua nhà chung cư phải bỏ tiền “bôi trơn” cán bộ mới được cấp sổ đỏ. Nhiều dự án người mua nhà mặc dù đã thanh toán đầy đủ, chủ đầu tư đã bàn giao cho người sử dụng qua nhiều năm, nhưng việc hoàn thành thủ tục nhận sổ đỏ vẫn… xa vời. Trên địa bàn TP Hà Nội, chủ đầu tư yêu cầu phải nộp khoản tiền nhiều triệu đồng để làm nhanh sổ đỏ. Những người nộp phí bôi trơn thì được cấp, những người khác thì vẫn chờ, và phí bôi trơn này chỉ “nói miệng và thu tiền không có biên lai, biên nhận”…
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thừa nhận tình trạng nhũng nhiễu xảy ra ở nhiều địa phương trong việc cấp sổ đỏ, có trách nhiệm của các văn phòng đăng ký đất đai ở địa phương, nhất là tại đô thị.Việc cấp sổ đỏ chậm, theo Bộ trưởng “không loại trừ có tiêu cực”. Với Hà Nội, tình hình cấp sổ đỏ tại các chung cư khá phức tạp, Bộ đã cử nhiều đoàn công tác xuống để hướng dẫn pháp luật, phối hợp tìm giải pháp. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường, hướng dẫn để tìm thêm giải pháp, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
Dẫn thông tin nêu trong báo cáo do Bộ trưởng TN và MT trình bày, trong đó nhận định việc xử lý vi phạm về đất đai hiện nay không rõ, đại biểu Ngô Văn Minh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH chất vấn “còn 3.700 tổ chức để thất thoát lãng phí, và khoảng 23 nghìn ha đất có vi phạm đã được xử lý như thế nào?”. Trong phần trả lời, Bộ trưởng TN và MT thừa nhận trách nhiệm của Bộ trong tham mưu về ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, trách nhiệm ở khâu văn bản chỉ là một phần, phần trách nhiệm khác là địa phương các cấp trực tiếp xử lý. Bộ trưởng khẳng định: “Thời gian qua, Bộ đã xử lý quyết liệt vấn đề để thất thoát, lãng phí đất”.
“Ăn” tài nguyên quốc gia, phải xử hình sự
Ðại biểu Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng) và một số đại biểu khác phản ánh thực trạng khai thác trái phép cát trên sông, đặc biệt ở sông Hậu gây sạt lở, nguy hiểm cho người dân. Ðại biểu Ðỗ Văn Ðương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của QH, cung cấp thông tin: Một tàu khai thác cát mỗi ngày có thể thu 50 đến 60 triệu đồng, do đó việc có giấy phép khai thác dứt khoát không thể dễ dàng. Trong khi đặt câu hỏi: Liệu có “sự tiếp tay thông đồng” của cán bộ cấp phép? Ðại biểu này cho rằng các biện pháp chế tài áp dụng lâu nay quá nhẹ!
Theo lời ông Ðương, “ăn” tài nguyên, tài sản của quốc gia mà chỉ bị xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép là bất hợp lý, vì vậy, cần phải áp dụng mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội rút ruột tài nguyên quốc gia. Cần thiết xem xét áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình, chung thân cho tội cấp giấy phép trái phép, như thế mới xử lý triệt để vấn nạn “lâm tặc”, “cát tặc”, “vàng tặc”…
Nhấn mạnh trách nhiệm của địa phương trong cấp phép khai thác khoáng sản, Bộ trưởng TN và MT Nguyễn Minh Quang nói, việc xử lý vi phạm đòi hỏi trách nhiệm của liên ngành và các địa phương. Theo Bộ trưởng, các vụ việc sai phạm, như trong khai thác cát trái phép trên sông “rất khó bắt quả tang”, vì vậy cần tăng cường tổ chức, phối hợp liên ngành ở địa phương thì thực trạng sẽ cải thiện.
Bày tỏ đồng tình ý kiến của đại biểu nêu mức xử lý vi phạm hiện nay còn nhẹ, Bộ trưởng nói, cần phải có quy định nặng hơn nữa, thậm chí thu hồi tiền, truy cứu trách nhiệm hình sự trong xây dựng khung chế tài, các quy định của các luật liên quan. Bộ trưởng TN và MT cho biết, sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ: Xây dựng, Giao thông vận tải và UBND một số tỉnh, thành phố liên quan kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông. Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các dự án cố tình kéo dài thời gian, không thực hiện nghĩa vụ khi giấy phép hết hạn; khai thác không có thiết kế, gây mất an toàn lao động, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ðiều hành tiền tệ đang đi đúng hướng
Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ QH tiến hành chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình về việc thực hiện chính sách tiền tệ, tái cơ cấu Ngân hàng thương mại (NHTM), góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP Ðà Nẵng), Ðỗ Văn Ðương (TP Hồ Chí Minh) về tiến độ và hiệu quả tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, trong đó có các NHTM, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, việc tái cơ cấu sẽ được tiến hành đối với cả hệ thống tín dụng với mục tiêu ổn định và phát triển toàn hệ thống. Vừa qua, NHNN chọn một số NHTM yếu kém để tái cơ cấu trước và đã đạt được kết quả nhất định. Ðối với các NHTM lớn của Nhà nước, đến nay có bốn ngân hàng đã cổ phần hóa và “bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt”. Riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến nay chưa tiến hành cổ phần hóa, đây cũng là ngân hàng được đánh giá yếu kém nhất trong hệ thống NHTM nhà nước. NHNN đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng này và đang bước đầu triển khai, trong đó đã thay đổi toàn bộ HÐQT và bộ máy điều hành. Thống đốc khẳng định, “các NHTM nhà nước đủ khả năng dẫn dắt hệ thống ngân hàng hoạt động hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội”.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Ðà Nẵng) về trách nhiệm của Thống đốc đối với sai phạm của một số ngân hàng thời gian qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình thẳng thắn thừa nhận, những sai phạm đó “có phần trách nhiệm của NHNN và cá nhân Thống đốc”. Những sai phạm đó đã được kiểm tra, xử lý và NHNN sẽ có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, không để tái diễn trong thời gian tới.
Về kết quả công tác điều hành thị trường tiền tệ thời gian qua, Thống đốc cho biết, cùng với sự nỗ lực của Chính phủ và các ngành chức năng, thị trường tiền tệ đã dần đi vào ổn định, lãi suất tín dụng giảm dần theo đúng yêu cầu của QH và Chính phủ đề ra, thị trường tiền tệ có lúc biến động nhưng nằm trong tầm kiểm soát. Dự trữ ngoại hối trong ba năm qua tăng gấp năm lần so với năm 2011, đạt khoảng 35 tỷ USD. Ðây cũng là mức dự trữ kỷ lục từ trước đến nay. Mức tăng trưởng tín dụng trong ba năm qua luôn đạt hơn 10%/năm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, sáng 29-9, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ và nhận định, với những nỗ lực trong điều hành nền kinh tế, trong đó có thị trường tiền tệ, chỉ số lạm phát trong năm 2014 sẽ ở mức 5% và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế dự kiến đạt 5,8%, hoàn thành mục tiêu đề ra theo Nghị quyết của QH.
Không quá lo lắng về nợ xấu
Ðề cập vấn đề xử lý nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trong ba năm qua hệ thống ngân hàng đã xử lý được 249 nghìn tỷ đồng nợ xấu, chiếm tỷ lệ 53% tổng số nợ xấu phát sinh trong năm 2012. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm giải quyết số nợ xấu còn tồn hiện nay, phấn đấu năm 2015 cơ bản giải quyết vấn đề nợ xấu. Trước lo lắng của các đại biểu Ðồng Hữu Mạo (Thừa Thiên – Huế), Nguyễn Trung Thu (Long An) về tỷ lệ nợ xấu đang có xu hướng tăng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, các ngân hàng thường tập trung xử lý nợ xấu vào thời điểm cuối năm, nên trong những tháng giữa năm, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng lên không phải là điều bất bình thường. Do vậy, “không nên hốt hoảng và cần hết sức bình tĩnh để giải quyết từng bước vấn đề nợ xấu”. Theo thống kê, hiện nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng hiện chiếm khoảng 8% tổng dư nợ tín dụng, phấn đấu đến cuối năm 2014, tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm xuống còn khoảng 6%.
Một số đại biểu nêu thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn khiến sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, năm 2014, dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt mức từ 12% đến 14%. Ðiều này cho thấy, nguồn tiền phục vụ phát triển nền kinh tế vẫn đang tăng cao. NHNN đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc doanh nghiệp nhằm nắm bắt và đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong vấn đề vay vốn. Riêng chín tháng đầu năm các ngân hàng cho các doanh nghiệp vay mới hơn 105 nghìn tỷ đồng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đáp ứng nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là khu vực nông nghiệp, nuôi trồng và chế biến thủy sản.
Phát biểu ý kiến kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, qua phiên chất vấn cho thấy, công tác quản lý tài nguyên môi trường, công tác điều hành thị trường tiền tệ đã có chuyển biến rõ, góp phần tạo điều kiện cho phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, qua chất vấn cũng cho thấy, còn những hạn chế trong công tác điều hành và thực hiện. Chủ tịch QH đề nghị, ngành tài nguyên và môi trường cần tiếp tục thực hiện hiệu quả những giải pháp đã đề ra, tạo chuyển biến tích cực trong việc sử dụng hiệu quả tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế- xã hội. Có biện pháp tạo điều kiện phát triển thị trường bất động sản đồng thời hoàn thiện chính sách trong cấp sổ đỏ, nhằm hoàn thành mục tiêu QH đã đề ra.
Ðối với ngành ngân hàng, Chủ tịch QH đề nghị, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, điều hành hiệu quả thị trường ngoại hối, giải quyết hiệu quả sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng, tái cơ cấu các ngân hành bảo đảm hiệu quả, an toàn của toàn hệ thống, rà soát đánh giá lại nợ xấu để có các giải pháp xử lý phù hợp với từng loại hình nợ xấu. Tập trung hỗ trợ lãi suất cho vay khu vực nông thôn và tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận vốn phục vụ đầu tư, sản xuất.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()