Chất vấn Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Ngày 21-8, tiếp tục Phiên họp thứ 10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) tiến hành chất vấn Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) Phạm Thị Hải Chuyền và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Bình. Phiên họp được thực hiện theo hình thức trực tuyến tới tất cả các Đoàn Đại biểu QH và HĐND của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.Tiếp tục tăng cường công tác dạy nghề, tạo việc làmTrong phần chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB và XH, các đại biểu tập trung vào vấn đề đào tạo nghề, nhất là việc thực hiện chính sách đào tạo nghề, việc làm đối với đồng bào dân tộc và vấn đề quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.Trả lời câu hỏi của các đại biểu Bùi Sĩ Lợi, Danh Út và nhiều đại biểu đề nghị cho biết, nguyên nhân khiến chất lượng đào tạo nghề, việc làm cho lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao,...
Tiếp tục tăng cường công tác dạy nghề, tạo việc làm
Trong phần chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB và XH, các đại biểu tập trung vào vấn đề đào tạo nghề, nhất là việc thực hiện chính sách đào tạo nghề, việc làm đối với đồng bào dân tộc và vấn đề quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Bùi Sĩ Lợi, Danh Út và nhiều đại biểu đề nghị cho biết, nguyên nhân khiến chất lượng đào tạo nghề, việc làm cho lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, thời gian qua công tác dạy nghề, tạo việc làm được quan tâm, nhiều trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm được đầu tư xây dựng, nâng cấp, góp phần nâng cao đời sống người lao động, phát triển kinh tế – xã hội chung của đất nước. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trong hai năm qua chủ yếu tập trung vào các mô hình thí điểm, việc đào tạo mở rộng ở các địa phương vẫn còn có hạn chế, yếu kém; còn tình trạng nghề đào tạo chưa phù hợp nhu cầu sử dụng lao động cũng như điều kiện của người học, chưa gắn với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Trong thời gian tới, cùng với việc cải tiến chương trình dạy và học nghề, tạo việc làm theo hướng xây dựng thị trường lao động gắn với nhu cầu của xã hội, Bộ LĐ-TB và XH sẽ phối hợp Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên trong dạy nghề và tạo việc làm khu vực nông thôn.
Liên quan dạy nghề, tạo việc làm đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, tỷ lệ đào tạo nghề đối với lao động là đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay còn thấp. Nguyên nhân chủ yếu do kinh phí đào tạo nghề của các địa phương còn hạn chế; các doanh nghiệp không mặn mà trong đào tạo và đầu tư vào các khu vực vùng sâu, vùng xa, nên không khuyến khích được đồng bào dân tộc tham gia các lớp học nghề. Bên cạnh đó, cách thức đào tạo nghề đối với đồng bào dân tộc chưa phù hợp, khiến công tác dạy nghề và tạo việc làm khu vực này hạn chế. Thời gian tới, Bộ LĐ-TB và XH sẽ nghiên cứu điều chỉnh cách thức đào tạo cho phù hợp từng vùng, miền, đặc biệt chú trọng dạy nghề, tạo việc làm mới cho đồng bào phải di dời nơi ở phục vụ các dự án phát triển kinh tế – xã hội. Bên cạnh đó, Nhà nước sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp các trung tâm dạy nghề tại 62 huyện nghèo trong cả nước. Trong năm 2012, Bộ LĐ-TB và XH sẽ tổng kiểm tra Chương trình dạy nghề trên cả nước.
Trước ý kiến của các đại biểu Nguyễn Thị Khá và Ngô Thị Minh về bất cập trong công tác dạy nghề do thuộc quyền quản lý nhà nước của hai cơ quan là Bộ LĐ-TB và XH và Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, sắp tới nên sáp nhập và thống nhất một bộ quản lý công tác dạy nghề, nhằm nâng cao hiệu quả công tác này.
Trả lời câu hỏi về các biện pháp quản lý lao động là người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, thời gian qua Bộ LĐ-TB và XH đã thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong việc thẩm định và cấp phép đối với lao động nước ngoài có thời hạn hơn ba tháng, tuy nhiên, việc cấp phép đối với lao động từ ba tháng trở xuống tại một số sở LĐ-TB và XH địa phương chưa nghiêm túc. Bên cạnh đó, quy định về quản lý lao động nước ngoài, nhất là lao động phổ thông còn một số bất cập. Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB và XH sẽ nghiên cứu bổ sung văn bản pháp luật theo hướng hạn chế lao động phổ thông đến Việt Nam làm việc.
Liên quan công tác quản lý lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tham gia trả lời chất vấn cho biết, hiện có 78 nghìn người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, trong đó có 44 nghìn người được cấp phép và có hợp đồng lao động. Hiện nay, chúng ta có đủ quy định pháp luật, hành lang pháp lý để giải quyết tình trạng lao động nước ngoài không phép, nhưng việc xử lý rất khó khăn vì thiếu cơ sở lưu trú, không có kinh phí đưa những lao động này về nước.
Liên quan công tác đào tạo nghề và tài chính cho hoạt động này, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã tham gia trả lời một số vấn đề thuộc phạm vi quản lý của mình.
Nỗ lực đưa tỷ lệ nợ xấu xuống mức an toàn
Trong phần chất vấn Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình, các đại biểu tập trung chủ yếu vào việc xử lý nợ xấu và các giải pháp cần thiết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn; việc thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng trong mối tương quan với an toàn hệ thống và với Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Phùng Quốc Hiển, Ngô Văn Minh đề nghị cho biết, tại sao có nhiều con số về tỷ lệ nợ xấu. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng tỷ lệ nợ xấu là 3,9%, trong khi đó qua giám sát của NHNN cho thấy nợ xấu đang ở mức hơn 8,6%, tuy nhiên theo các tổ chức đánh giá tài chính quốc tế, nợ xấu của Việt Nam hiện lên tới 13%. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, nợ xấu là vấn đề phát sinh từ lâu. Từ trước đến nay luôn có hai con số về nợ xấu, một là do các tổ chức tín dụng báo cáo, hai là từ kết quả thanh tra, kiểm tra của NHNN, thời gian gần đây có nhiều tổ chức đánh giá tín dụng quốc tế hoạt động tại Việt Nam nên có thêm con số thứ ba. Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, con số tỷ lệ nợ xấu do NHNN đưa ra là sát thực nhất, đáng tin cậy nhất và NHNN vẫn dùng con số đó để điều hành thị trường tiền tệ.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, tiêu chí đánh giá nợ xấu do NHNN đưa ra là về cơ bản các khoản nợ quá hạn từ 90 ngày trở lên gọi là nợ xấu. Vừa qua, NHNN thanh tra chín tổ chức tín dụng, kết quả cho thấy nhiều tổ chức tín dụng đã vi phạm quy định trong báo cáo tài chính, báo cáo sai tỷ lệ nợ xấu. NHNN đã xử lý những tổ chức tín dụng này với mức độ khác nhau.
Trả lời câu hỏi của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và nhiều đại biểu về giải pháp xử lý nợ xấu và lộ trình đưa nợ xấu xuống mức an toàn, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, với tỷ lệ nợ xấu như hiện nay tuy không đến mức độ nguy kịch, nhưng đang ở mức đáng báo động, đòi hỏi phải có biện pháp giải quyết ngay. Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận, việc để tỷ lệ nợ xấu tăng cao qua các năm trong thời gian qua có phần trách nhiệm của NHNN Việt Nam, cụ thể là thanh tra của NHNN thời gian qua có lúc bị tê liệt. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, hiện nay, cùng với tái cơ cấu nền kinh tế, chúng ta đang thực hiện nhiều giải pháp tổng thể với mục đích đưa nợ xấu ngân hàng giảm xuống ngưỡng an toàn. Theo thông lệ quốc tế, ngưỡng an toàn là dưới 3%. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong thời gian tới. Với những giải pháp đang và sẽ thực hiện, tình hình nợ xấu sẽ được cải thiện trong thời gian tới và trong nhiệm kỳ Chính phủ (2011-2016), sẽ đưa nợ xấu xuống mức an toàn.
Đề cập ý kiến của một số đại biểu về việc sáp nhập một số ngân hàng nhỏ thời gian qua mang tính hình thức và có dấu hiệu ngân hàng lớn thâu tóm ngân hàng nhỏ, Thống đốc cho rằng, các ngân hàng sáp nhập thời gian qua đều thực hiện đúng chỉ đạo, theo lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và các ngân hàng sau sáp nhập có chuyển biến tích cực trong hoạt động kinh doanh. Trước câu hỏi của nhiều đại biểu đề nghị cho biết, việc hỗ trợ thanh khoản của NHNN đối với các tổ chức tín dụng thời gian qua có mang lại hiệu quả không, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, vừa qua có sáu ngân hàng, tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng thanh khoản, NHNN đã hỗ trợ giúp cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng này bảo đảm thanh khoản và không bị đổ vỡ, việc hỗ trợ thanh khoản của NHNN đã được giám sát chặt chẽ.
Trả lời câu hỏi về việc hiện nay đang thừa ngân hàng và các giải pháp xử lý, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, đúng là hiện nay chúng ta thừa ngân hàng yếu kém, làm ăn không hiệu quả, cạnh tranh không lành mạnh, nhưng lại thiếu các dịch vụ ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Đây cũng là trọng tâm phải giải quyết trong quá trình tái cấu trúc ngân hàng thời gian tới.
Liên quan ý kiến của một số đại biểu đề nghị tiếp tục hạ mức lãi suất ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, mức lãi suất huy động và lãi suất cho vay đang thực hiện là hợp lý trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các giải pháp để tiếp tục hạ lãi suất ở mức hợp lý trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh, Huỳnh Thành về các giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, doanh nghiệp vùng khó khăn vay vốn lãi suất thấp, phục vụ sản xuất, kinh doanh, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN sẽ thực hiện đề án mở rộng tổ chức tín dụng ra vùng nông thôn để nông dân và doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận vốn và tăng cường tính bền vững của hệ thống tín dụng. Về việc cho vay vốn ưu đãi đối với hộ nghèo, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, công tác này đã được thực hiện tốt. Tuy nhiên, hiện nay chưa quy định cho vay ưu đãi đối với hộ cận nghèo, bên cạnh đó, tiêu chí xác định hộ cận nghèo cũng chưa có, nên khó có thể cho những hộ cận nghèo vay vốn ưu đãi. Liên quan việc hỗ trợ các hộ nuôi trồng thủy sản đang gặp khó khăn, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng sẽ có biện pháp khoanh nợ đối với các hộ này.
Tại phiên chất vấn, trả lời câu hỏi của một số đại biểu liên quan việc Cơ quan Công an vừa khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) để điều tra, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, ông Nguyễn Đức Kiên nguyên là Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập của Ngân hàng Thương mại cổ phần ACB, nhưng đây là do ACB tự thành lập ra, chứ quy định hiện hành không thừa nhận sự tồn tại của Hội đồng sáng lập. Ông Kiên cũng không còn nằm trong Hội đồng Quản trị cũng như không tham gia Ban điều hành ACB. Do vậy, có thể khẳng định, ông Nguyễn Đức Kiên không liên quan ACB tại thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, để bảo đảm an toàn hệ thống, NHNN đã dự phòng các phương án xử lý đột biến thanh khoản trong trường hợp cần thiết.
Phát biểu ý kiến kết luận phiên chất vấn, Bộ trưởng LĐ-TB và XH và Thống đốc NHNN Việt Nam, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, phiên chất vấn đã diễn ra trên tinh thần xây dựng, thẳng thắn, các câu hỏi và câu trả lời đúng trọng tâm, đồng thời đề nghị Bộ trưởng LĐ-TB và XH và Thống đốc NHNN Việt Nam nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu và khẩn trương chỉ đạo việc thực hiện các giải pháp đã nêu ra tại phiên chất vấn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()