Chất thải rắn nông thôn - vấn đề cần quan tâm
LSO-Vấn đề ô nhiễm môi trường đang là mối quan tâm của toàn xã hội, trong đó tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn từ chất thải rắn đã và đang trở thành vấn đề nổi cộm.
LSO-Vấn đề ô nhiễm môi trường đang là mối quan tâm của toàn xã hội, trong đó tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn từ chất thải rắn đã và đang trở thành vấn đề nổi cộm. Lượng chất thải rắn ở vùng nông thôn phát sinh ngày càng nhiều, đa dạng về thành phần và tính chất độc hại. Tuy nhiên, công tác thu gom và xử lý còn manh mún, lạc hậu, thô sơ, không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh an toàn môi trường.
Nhân dân tham gia dọn vệ sinh suối Đồng Đăng |
Theo ông Nguyễn Đình Duyệt, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: chất thải rắn ở khu vực nông thôn phát sinh chủ yếu từ rác thải sinh hoạt các hộ gia đình, nhà kho, chợ, trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính… Phần lớn chất thải rắn sinh hoạt là chất hữu cơ dễ phân hủy (có tỷ lệ chiếm tới 60- 65% chất thải sinh hoạt gia đình ở nông thôn), còn lại là các loại chất thải khó phân hủy như túi nilon, thủy tinh… Ngoài ra, chất thải rắn còn phát sinh từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp như phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; từ nguồn thải chăn nuôi và các làng nghề. Ước tính, lượng chất thải rắn ở vùng nông thôn chiếm khoảng 55-60% trong tổng số lượng rác thải của toàn tỉnh.
Thực tế cho thấy, hiện nay phần lớn khối lượng các chất thải ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh chưa được thu gom, xử lý hợp vệ sinh, đã và đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất và sức khỏe của người dân. Theo thống kê sơ bộ, mỗi năm tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh ta phát sinh hàng nghìn tấn rác thải sinh hoạt, hàng chục tấn vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật, hàng nghìn trang trại chăn nuôi thải chất thải các loại… hầu hết đều xả thải trực tiếp vào môi trường đất, nước và không khí. Điều đó một lần nữa nói lên việc thu gom chất thải rắn tại nông thôn chưa được coi trọng. Cụ thể, đối với chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, người dân xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp, không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh môi trường. Một số địa phương (thường ở chợ xã, cụm xã gần thị trấn, thị tứ) đã áp dụng các biện pháp thu gom rác thải sinh hoạt nhưng với quy mô nhỏ, phần lớn do hợp tác xã tự tổ chức thu gom, phương tiện thu gom còn rất thô sơ với các xe cải tiến chuyên chở về nơi tập trung rác. Mặt khác, hoạt động thu gom này không được diễn ra thường xuyên mà kết hợp với các đợt nạo vét kênh mương do xã phát động. Theo thống kê có khoảng 50% số thôn hoặc xã tổ chức thu dọn định kỳ và bắt đầu hình thành các tổ thu gom rác thải. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt khoảng 40 – 50%. Do tỷ lệ thu gom chưa đáp ứng nhu cầu, nên lượng rác tồn đọng tại các kênh, mương, ao, hồ…còn tương đối phổ biến, dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Đối với chất thải rắn từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp như bao bì, chai lọ hóa chất bảo vệ thực vật thì việc thu gom cũng còn rất hạn chế. Tuy đây là nguồn chất thải rắn thuộc danh mục độc hại cần thu gom, xử lý đúng quy định, nhưng thực tế, sau khi được sử dụng người nông dân “tiện tay” quẳng ngay tại bờ ruộng, góc vườn hoặc nguy hiểm hơn, có trường họp còn vứt xuống ao, hồ, suối đầu nguồn nước sinh hoạt. Mặc dù đã có một số địa phương đang tiến hành xây dựng mô hình thực hiện công tác tổ chức thu gom và xử lý các loại hóa chất, vỏ bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn và hầu như chưa có mô hình thu gom bao bì hóa chất bảo vệ thực vật phù hợp với đặc thù của nền sản xuất nhỏ, phân tán tại địa phương. Việc xử lý các phụ phẩm nông nghiệp hầu như chưa có hướng xử lý thích hợp. Hiện nay, các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, trấu… chủ yếu được xử lý bằng cách đốt rồi dùng tro bón ruộng. Tuy nhiên, cách làm này vừa gây lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường do khói bụi và các nguy cơ cháy nổ. Phương pháp xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi còn đơn giản. Chủ yếu được xử lý bằng ủ nóng và hầm biogas. Sau khi xử lý, phân được sử dụng bón cho cây trồng, dùng làm thức ăn cho cá… Ở tỉnh ta chưa có làng nghề tập trung, nhưng cũng đã hình thành nhóm nghề trong làng về làm cao khô, dệt thổ cẩm, nấu rượu, làm ngói âm dương, làm hương… ở những nơi này chất thải cũng thải trực tiếp ra môi trường, ảnh hưởng đến môi trường không khí, đất, nước.
Cùng với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế chung của tỉnh, kinh tế nông thôn cũng đang trong giai đoạn chuyển mình để phát triển. Sự phát triển đó đã tạo sức ép không nhỏ đối với môi trường. Do vậy, vấn đề chất thải rắn nông thôn đang rất cần đến sự quan tâm đúng mức của các cấp quản lý trong việc chỉ đạo thu gom, quy hoạch tập kết. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành trong quy hoạch chiến lược và ban hành các văn bản pháp luật về quản lý chất thải rắn nông thôn; cần đầu tư kinh phí cho công nghệ xử lý chất thải rắn nông thôn đảm bảo vệ sinh an toàn cho môi trường và con người. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân nông thôn trong việc thu gom, phân loại, tham gia xử lý hiệu quả chất thải rắn.
HỒ XUÂN HƯƠNG
Ý kiến ()