Chất lượng sinh phẩm góp phần kiểm soát dịch
Thời gian qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đã tài trợ hàng triệu hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm RT-PCR và hàng chục triệu kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Những sinh phẩm này đã được chuyển thẳng cho nhiều địa phương hoặc tặng Bộ Y tế để phân phối cho các địa phương.
Tuy nhiên, dù đáp ứng được một phần nhu cầu trước mắt nhưng số lượng đó là chưa đủ so với đòi hỏi của thực tiễn, cần thiết phải có một lượng lớn sinh phẩm để không những sử dụng trong đợt cao điểm tầm soát hiện nay mà còn phục vụ cho mục đích dự phòng phát sinh trong các tình huống bất ngờ.
Để thực sự làm chủ được tình hình, rõ ràng các địa phương không thể thụ động, chỉ trông chờ vào nguồn tài trợ của doanh nghiệp. Thay vì thế, mỗi địa phương cần tính toán nhu cầu, số lượng sinh phẩm xét nghiệm từ nay đến hết năm 2021 và chủ động xây dựng kế hoạch mua sắm, phục vụ nhu cầu trước mắt và dự trữ cho các tình huống phát sinh trong dài hạn.
Xét nghiệm Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai. |
Tín hiệu đáng mừng là sau những chỉ đạo rốt ráo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các công điện khẩn của Bộ Y tế, một số địa phương đã bắt đầu có động thái chủ động hơn trong việc lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực và tổ chức đấu thầu, mua sắm hóa chất, sinh phẩm, vật tư y tế phục vụ công tác xét nghiệm. Dù vậy, dư luận phản ánh vẫn còn tồn tại một số bất cập trong công tác mua sắm có ý nghĩa hết sức quan trọng này.
Đơn cử, giá thành mua sắm hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm RT-PCR và các kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên ở một số nơi vẫn còn cao, chưa thực hiện triệt để mục tiêu tiết kiệm nguồn lực chống dịch của Nhà nước và xã hội. Trong khi đó, nhờ sự tham gia theo mô hình xã hội hóa, phi lợi nhuận, thậm chí là trợ giá của một số doanh nghiệp lớn để hỗ trợ mục tiêu chống dịch của đất nước, hiện nay, mặt bằng giá cả các sinh phẩm này hoàn toàn có thể được bình ổn, đẩy xuống thấp hơn rất nhiều so với thời gian trước đây. Vấn đề là cần có sự giới thiệu, định hướng rõ ràng hơn từ những cơ quan có thẩm quyền để các địa phương tiếp cận được nguồn sinh phẩm chất lượng cao, giá thành hợp lý nhằm tiết kiệm tối đa cho nguồn lực chống dịch.
Bên cạnh đó, một số sinh phẩm xét nghiệm RT-PCR được sử dụng trong thời gian qua cho kết quả chưa ổn định, độ chính xác chưa cao, nhất là khi thực hiện xét nghiệm gộp mẫu, gây ra hiện tượng “dương tính giả” hoặc “âm tính giả”, rất rủi ro cho nỗ lực phòng, chống dịch. Để khắc phục vấn đề này, rất cần có vai trò định hướng của Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn trong việc xây dựng và quy định rõ ràng về tiêu chí, điều kiện để các địa phương căn cứ vào đó trong quá trình xây dựng hồ sơ mua sắm, mời thầu cung cấp sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm Covid-19.
Vì xét nghiệm là khâu then chốt, cần được thực hiện nhanh, bảo đảm kết quả chính xác nên các sinh phẩm xét nghiệm phải có chất lượng tốt nhất. Nên ưu tiên cho các loại hóa chất, sinh phẩm, vật tư có nguồn gốc từ những nước phát triển, các nước G7 nếu giá thành hợp lý, không cao hơn so với mặt bằng thị trường hiện nay. Cần tránh mua các sản phẩm giá rẻ nhưng độ nhạy, độ đặc hiệu không cao, dễ dẫn tới sai sót trong kết quả xét nghiệm.
Đối với xét nghiệm RT-PCR, cần ưu tiên các sinh phẩm có ngưỡng giới hạn phát hiện tốt, điều kiện bảo quản thuận lợi (không cần âm sâu), thời hạn sử dụng lâu (từ 12 tháng trở lên), thời gian cho kết quả nhanh (dưới 1 giờ), tương thích với nhiều loại máy móc, thiết bị sẵn có tại Việt Nam và đặc biệt cần phát hiện được 2 tới 3 gen mục tiêu để làm tăng độ tin cậy của kết quả chẩn đoán, nhất là đối với các biến thể như Delta, Mu.
Có thể tin tưởng rằng, với sự hướng dẫn về chuyên môn sát sao của Bộ Y tế và tinh thần chủ động, trách nhiệm của các địa phương, việc lập kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng cho các phương án xét nghiệm tầm soát, đặc biệt là việc mua sắm, đấu thầu, dự trữ sẵn cơ số hóa chất và sinh phẩm xét nghiệm sẽ được thực hiện bài bản hơn, đáp ứng tốt các đòi hỏi của thực tiễn phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh của cả nước.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()