Chất lượng sinh hoạt chi bộ ở Trà Vinh
Tám năm thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư "Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ", các cấp ủy và đảng viên ở tỉnh Trà Vinh đã nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ. Từ các buổi sinh hoạt chuyên đề, nhiều việc làm, công trình thiết thực đã góp phần thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Bí thư chi bộ cần gần dân, hiểu dân
Chúng tôi tới xã Lương Hòa A (huyện Châu Thành) tìm gặp Bí thư Chi bộ ấp Hòa Lạc C. Nghe nói anh đang xuống cơ sở hẹn sẽ về ngay, nhưng phải hơn một tiếng mới về đến xã do địa bàn khá xa. Ðội cái nắng tháng năm như đổ lửa, vừa về tới nơi, anh Thạch Li Kô mồ hôi đẫm áo, cho biết đang tranh thủ cùng các đồng chí trong ấp xuống dân để hoàn thành một số khoản thu theo quy định. Chia sẻ kinh nghiệm làm bí thư chi bộ, anh Thạch Li Kô nói: “Hồi mới làm bí thư, mỗi lần tổ chức họp chi bộ tôi không khỏi lo lắng và lúng túng, khó nhất là chuẩn bị nội dung. Khi cấp trên giao nhiệm vụ xuống thì cố gắng mà làm. Vừa làm vừa học, rút kinh nghiệm. Ðược anh em tín nhiệm bầu làm bí thư, làm riết rồi quen. Làm bí thư nhiều năm, đi xuống dân nhiều, cho nên tôi hiểu rõ hoàn cảnh từng gia đình. Hộ nào nghèo khó thì bình xét trợ cấp, hỗ trợ giúp đỡ đúng đối tượng nên được bà con tin”.
Bí thư ấp Thạch Li Kô kể: Năm 1985 anh được nhận về làm cán bộ nông nghiệp xã, rồi được đứng trong hàng ngũ của Ðảng. Ðến năm 1990 về làm Bí thư chi bộ ấp Hòa Lạc B. Lúc đó ấp mới có ba đảng viên (chưa tách ra ấp Hòa Lạc C) và sinh hoạt ghép với ấp Hòa Lạc A (chỉ có một đảng viên). Ðến nay, Chi bộ ấp Hòa Lạc C đã có 14 đảng viên. “Về sinh hoạt chi bộ, từ khi thực hiện theo mẫu Hướng dẫn 48 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, chúng tôi thấy dễ hiểu, dễ thực hiện. Chi bộ chúng tôi cũng làm đúng theo trình tự và nội dung sinh hoạt mẫu. Ngoài các nội dung sinh hoạt theo quy định, chúng tôi dành thời gian thảo luận chương trình tháng tới, thống nhất cao rồi mới phân công cho từng đảng viên phụ trách. Kinh nghiệm là, nếu thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt chi bộ, lắng nghe ý kiến đảng viên, bí thư làm nhiệm vụ tập hợp, phân tích, kết luận để chi bộ quyết thì mọi việc khó coi như đã đạt thành công bước đầu. Sau khi chi bộ thống nhất, thì đưa ra dân bàn, nhất là việc huy động sức dân, đả thông để họ hiểu, trường hợp nào được miễn giảm, trường hợp nào phải góp, góp bao nhiêu để làm con đường, cây cầu, nạo vét kênh thủy lợi… và lợi ích người dân được hưởng ra sao. Nói rõ, bình xét đúng thì dân tin, dân sẵn sàng ủng hộ”, Bí thư ấp Thạch Li Kô nói.
Còn ở ấp 3 (xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè), Bí thư chi bộ ấp Nguyễn Văn Lây cho biết, để tạo được niềm tin trong lòng dân không phải một sớm một chiều là có được, mà phải qua quá trình lâu dài, bằng việc làm cụ thể, có lợi ích thiết thực. Ðịa bàn ấp rộng, cách trở giao thông, nhưng ấp chỉ được cấp kinh phí làm 3,8 km đường rộng 1,5 m, không thấm vào đâu. Trong khi sức dân có hạn, phải “liệu cơm gắp mắm”, chi bộ thống nhất, đảng viên gương mẫu vận động nhân dân góp công, của làm con đường rộng 0,8 m. Không dễ dàng gì, người thì sẵn sàng hiến đất, hiến cây, góp tiền, góp sức; nhưng cũng có người không chịu hiến đất, hiến cây. Kiên trì vận động, riết rồi nhân dân cũng hiểu được cái lợi chung mà đồng tình. Ðồng chí Nguyễn Văn Lây kể, có trường hợp ban đầu dứt khoát không hợp tác, nhưng khi thấy phong trào rầm rộ thì không chỉ hiến đất mà còn hăng hái tham gia nấu cháo, nấu khoai, chặt dừa phục vụ dân công làm đường… Những việc làm thiết thực như vậy đã nhân lên niềm tin và sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo bà con. Ðến nay, với hơn chục km đường nhỏ len lỏi khắp xóm ấp, người dân trong ấp ra đường không còn lấm đất khi mưa xuống.
Tập hợp trí tuệ quần chúng, đảng viên
Ðồng chí Nguyễn Văn Thương, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Cầu Kè chia sẻ cách làm: Huyện ủy đã chỉ đạo thống nhất họp chi bộ vào ngày 24 hằng tháng cho loại hình ấp khóm và ngày 25 cho các loại hình còn lại, đồng thời phân công các đồng chí cấp ủy xã, huyện cùng tham gia sinh hoạt chi bộ cơ sở. Từ đó đã giúp cấp ủy, chi bộ nắm chắc hơn yêu cầu, nội dung, quy trình và cách thức tổ chức, điều hành một buổi sinh hoạt chi bộ. Ban Tổ chức đã lập danh sách 70 đồng chí trong cấp ủy các ngành của huyện có kinh nghiệm về công tác Ðảng để Huyện ủy phân công tham gia sinh hoạt chi bộ với 70 ấp, khóm trong toàn huyện. Ban Tổ chức soạn mẫu báo cáo cho người dự họp chi bộ; trong đó có nhận xét cuộc họp chi bộ: phần nào đúng hướng dẫn, phần nào chưa đạt yêu cầu, và đã góp ý kiến gì cho cuộc họp. Sau một thời gian áp dụng giải pháp này cho thấy việc thực hiện chưa đúng hướng dẫn ngày càng ít đi. Nghĩa là các cuộc sinh hoạt chi bộ ở Cầu Kè ngày càng nền nếp hơn, đúng quy trình hơn. Nội dung góp ý cho chi bộ thường sát nghiệp vụ chuyên môn của cả chi bộ và cấp ủy viên dự họp. Ðể khắc phục nhược điểm, đồng thời phát huy việc góp ý sâu sát theo ngành, Huyện ủy Cầu Kè không phân công các đồng chí cấp ủy các ngành của huyện trực tiếp tham dự sinh hoạt cố định tại một chi bộ khóm, ấp, mà có sự luân chuyển linh hoạt. Qua mỗi lần sinh hoạt, chi bộ đều lần lượt nhận được các ý kiến đóng góp sâu sát về một lĩnh vực khác nhau. Qua nhiều tháng, nhiều năm mỗi chi bộ đều nhận được các gợi mở, góp ý sâu sắc của những người có trình độ chuyên sâu. Ðây là nguồn vốn quý để các chi bộ khai thác, vận dụng vào thực tiễn lãnh đạo, điều hành tại địa phương mình.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()