Chất lượng phim truyện truyền hình ngày càng nâng cao
Là thể loại dự thi được tổ chức chấm từ sớm trước hơn một tháng so với các thể loại khác của Liên hoan Truyền hình toàn quốc, 466 tập của 15 bộ phim truyền hình dài tập và bốn tập của hai bộ phim ngắn tập đã để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với người xem và Ban giám khảo Liên hoan THTQ lần thứ 33.
Là thể loại dự thi được tổ chức chấm từ sớm trước hơn một tháng so với các thể loại khác của Liên hoan Truyền hình toàn quốc, 466 tập của 15 bộ phim truyền hình dài tập và bốn tập của hai bộ phim ngắn tập đã để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với người xem và Ban giám khảo Liên hoan THTQ lần thứ 33.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Đài THVN, Trưởng Ban Giám khảo chương trình phim truyện nhận xét: “Số lượng tác phẩm gửi dự thi Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 33 đã phản ánh sự phát triển của phim truyền hình hiện nay trên tất cả các kênh truyền hình, cho thấy sự đầu tư của các Đài truyền hình đã có sự thay đổi, đặc biệt chú trọng đến chất lượng nội dung và tính định hướng, giáo dục. Chất lượng phim cho thấy sự phát triển của phim truyện truyền hình so với năm trước. Đề tài được mở rộng, đa dạng. Điều đáng mừng là những đề tài trước đây ít được đầu tư sản xuất thì trong kỳ Liên hoan này đã được chú ý khai thác, đó là thể loại phim lịch sử”.
Sự xuất hiện của các bộ phim lịch sử, về các nhân vật anh hùng chính là điểm tích cực của LHTHTQ năm nay. Tuy còn những hạn chế về công tác dàn dựng, bối cảnh, phục trang nhưng những bộ phim dự thi Liên hoan năm nay đã cho thấy sự vào cuộc của các nhà làm phim với mảng phim lịch sử.
Cùng với đó, việc xuất hiện nhiều đơn vị, hãng phim tư nhân cùng tham gia sản xuất phim truyền hình đã góp phần tạo nên sự đa dạng về phong cách làm phim, sự mới mẻ trong những đề tài kịch bản, khẳng định việc các Đài Truyền hình đặt hàng mở rộng các nhà làm phim xã hội hóa là một xu hướng đúng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của phim truyền hình Việt Nam.
Mảng đề tài dự thi Liên hoan năm nay tập trung chủ yếu là phim Chính luận và phản ánh hiện thực xã hội, qua đó cho thấy phim truyền hình đã bám sát những vấn đề của đời sống xã hội. Đây là một hướng đi đúng và góp phần tạo nên sự khác biệt cho thể loại phim truyền hình Việt Nam với các nước trong khu vực.
Đồng thời, nhiều đề tài mới cũng đã được các nhà sản xuất phim khai thác như: Đời sống người Việt ở nước ngoài, cuộc sống của người lao động ở những vùng biên giới, vùng rừng núi phía Bắc, miền Tây sông nước. Do đó đã tạo nên sự phong phú cho mảng nội dung các tác phẩm dự thi năm nay. Hình thức thể hiện phim ngày càng đa dạng, có nhiều sự sáng tạo và ứng dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại, do đó đã tạo sự thay đổi đáng kể so với các liên hoan trước về nội dung và chất lượng hình ảnh trong các phim truyện truyền hình dài tập.
Trong số các tác phẩm dự thi Liên hoan năm nay, những phim truyền hình ở chất lượng trung bình là rất ít, hầu hết đều phản ánh những vấn đề của hiện thực xã hội, qua đó đã vẽ nên một bức tranh xã hội và cuộc sống của những người lao động, với nhiều câu chuyện cảm động về tình người, đề cao cái tốt và tính nhân văn.
Ngoài phim của các đơn vị sản xuất có kinh nghiệm và chuyên môn đã được khẳng định như: VFC, TFS, nhiều hãng phim công ty truyền thông cũng đã tham gia sản xuất phim truyền hình Việt Nam với sự chú trọng về chất lượng thể hiện.
Hầu hết các phim đều được tổ chức hình ảnh tốt, diễn viên diễn xuất tạo được những hình ảnh nhân vật điển hình, công tác thiết kế mỹ thuật, bối cảnh, phục trang có nhiều sự đầu tư và đạt chất lượng cao. Chất lượng diễn viên đã được chú trọng, xuất hiện nhiều gương mặt diễn viên diễn xuất tốt. Nội dung các phim không còn chỉ tập trung vào những bối cảnh đô thị mà đã mở rộng ra nhiều vùng miền trong cả nước, thậm chí ra cả nước ngoài. Nổi bật là chất lượng hình ảnh của các phim truyền hình dài tập đã được nâng lên một bước đáng kể, sử dụng nhiều phương tiện, máy móc hiện đại, chuyên nghiệp và gây được ấn tượng mạnh về hình ảnh, mầu sắc phim.
Theo Nhandan
Ý kiến ()