Vai trò, tầm quan trọng của nước sạch nông thôn được nêu rõ trong Chiến lược quốc gia về cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trong giai đoạn năm 2000 - 2020. Hiện nay, được sự quan tâm của Nhà nước và sự nỗ lực của các địa phương, việc cung cấp nước sạch cho các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có những kết quả nhất định.Phần lớn người dân vùng nông thôn có nước sạch để sử dụng phù hợp với các tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, ở một số nơi, nước sinh hoạt bị đe dọa bởi sự xâm nhiễm của nước mặn, phân gia súc, chất thải làng nghề, hóa chất sử dụng trong nông nghiệp, sự dư thừa của các chất hữu cơ, sự nhiễm vi sinh vật... đe dọa sức khỏe và các hoạt động hằng ngày của người dân. Bên cạnh đó, chất lượng nước 'đầu vào' và 'đầu ra' của các cơ sở cung cấp nước ở một số địa phương chưa được giám sát chặt chẽ, việc kiểm tra chất lượng nước chỉ được thực hiện tại thời điểm trước và ngay...
Vai trò, tầm quan trọng của nước sạch nông thôn được nêu rõ trong Chiến lược quốc gia về cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trong giai đoạn năm 2000 – 2020. Hiện nay, được sự quan tâm của Nhà nước và sự nỗ lực của các địa phương, việc cung cấp nước sạch cho các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có những kết quả nhất định.
Phần lớn người dân vùng nông thôn có nước sạch để sử dụng phù hợp với các tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, ở một số nơi, nước sinh hoạt bị đe dọa bởi sự xâm nhiễm của nước mặn, phân gia súc, chất thải làng nghề, hóa chất sử dụng trong nông nghiệp, sự dư thừa của các chất hữu cơ, sự nhiễm vi sinh vật… đe dọa sức khỏe và các hoạt động hằng ngày của người dân. Bên cạnh đó, chất lượng nước 'đầu vào' và 'đầu ra' của các cơ sở cung cấp nước ở một số địa phương chưa được giám sát chặt chẽ, việc kiểm tra chất lượng nước chỉ được thực hiện tại thời điểm trước và ngay sau khi xây dựng cơ sở cung cấp nước, sau đó bị buông lỏng. Nhiều dự án cấp nước sạch được xây dựng trị giá hàng tỷ đồng, nhưng sau khi hoàn tất, nhiều trạm hoạt động cầm chừng, nhiều hạng mục xuống cấp, thiết bị hư hỏng, thậm chí có nhiều trạm trở thành phế liệu. Về phía người dân, do cuộc sống còn khó khăn, nhiều người nhận thức chưa thấu đáo về nước sạch, do vậy không sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền để làm đường ống dẫn nước vào nhà và mua nước sạch mà tiếp tục sử dụng nước giếng khoan và hệ thống lọc thủ công, không bảo đảm các tiêu chuẩn nước sạch, phổ biến là nước bị nhiễm kim loại quá mức cho phép…
Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan có thẩm quyền cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, tiếp tục thực hiện Chiến lược quốc gia về cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn vì sức khỏe cộng đồng, vì sự khỏe mạnh của giống nòi. Cần tiếp tục tuyên truyền cụ thể, sâu rộng hơn nữa về nước sạch và ý nghĩa của nước sạch với sức khỏe cộng đồng. Tiến hành thăm dò nguồn nước ngầm trên các địa bàn cấp xã, từ kết quả đó đưa ra khuyến cáo với nhân dân về chất lượng nguồn nước, trên cơ sở đó đề ra biện pháp khắc phục khó khăn trước mắt, trong lúc chờ đợi đầu tư chương trình cung cấp nước sạch đến từng nhà với tư cách là biện pháp có tính chiến lược, lâu dài. Tập trung công tác tuyên truyền, vận động, tìm kiếm giải pháp xử lý nguồn nước đối với những vùng có nếp sống lạc hậu, vùng có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước… Nâng cao ý thức của quần chúng, từ đó lên án, phê phán, đồng thời xử lý nghiêm khắc các gia đình, tổ chức kinh doanh, sản xuất có hành vi làm ô nhiễm nguồn nước. Việc tổ chức tạo nguồn nước và cung cấp nước phải có sự tính toán đến hoàn cảnh kinh tế và phải phù hợp điều kiện và tập quán của nhân dân. Để công tác vận động đi vào chiều sâu, có hiệu quả cao, nên thông qua tổ chức đoàn thể ở địa phương.
Theo Nhandan
Ý kiến ()