Chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động
Báo cáo năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 vừa công bố mới đây cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực nước ta đã có nhiều cải thiện cả về giá trị và tốc độ. Lao động qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật có bằng cấp, chứng chỉ của Việt Nam tăng mạnh trong 10 năm qua.
Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo tăng từ 15,6% vào năm 2011 lên 20,9% vào năm 2016 và đạt 24,1% vào năm 2020, vẫn chưa đạt mục tiêu 25% do Quốc hội đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020.
Bên cạnh đó, mức năng suất lao động của Việt Nam hiện rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là mức chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Khu vực FDI có năng suất lao động cao thứ hai trong ba khu vực kinh tế nhưng tốc độ tăng năng suất lao động khu vực này luôn thấp nhất trong các loại hình kinh tế.
Cũng theo báo cáo, khoảng 46% số lao động trong các doanh nghiệp FDI đang làm các công việc kỹ năng giản đơn; tỷ lệ này đặc biệt cao trong các ngành lắp ráp ô-tô, xe máy, may mặc và điện tử. Khoảng 1/3 lao động đang làm các công việc có kỹ năng trung bình và thấp. Chỉ 5% số người lao động có đủ trình độ tiếng Anh phục vụ công việc và chỉ có 11,67% số người lao động có tay nghề kỹ năng, chuyên môn cao.
Điều này đặt ra thách thức lớn cho những cố gắng nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực, tăng năng suất lao động và tạo động lực phát triển kinh tế.
Các chuyên gia về lao động, công đoàn nhận định, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp thâm dụng lao động cắt giảm lao động không phải liên quan vấn đề tay nghề của người lao động mà do thiếu đơn hàng. Tuy nhiên, khi buộc phải cắt giảm lao động, doanh nghiệp sẽ thay thế lao động chân tay, trình độ thấp. Lao động có trình độ cao được ưu tiên giữ lại, bởi họ có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc hơn.
Trong hơn 8.000 công nhân Công ty PouYuen (Thành phố Hồ Chí Minh) bị chấm dứt hợp đồng lao động trong ba đợt cắt giảm tính từ đầu năm 2023, hơn 80% số người bị cắt giảm lao động là nữ, hơn 50% số công nhân này hơn 40 tuổi, chủ yếu là lao động phổ thông.
Thực tế đó cho thấy, không chỉ bản thân người lao động cần nâng cao tay nghề, đáp ứng yêu cầu công việc mà cả cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị đào tạo, người sử dụng lao động cần có trách nhiệm trong đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, nguồn lực mới cho tăng trưởng là năng suất và chất lượng lao động, năng lực sáng tạo và tiềm lực khoa học-công nghệ.
Giải bài toán về tăng năng suất lao động cần có chiến lược, giải pháp tổng thể để tạo chuyển biến đột phá.
Vì vậy, giải bài toán về tăng năng suất lao động cần có chiến lược, giải pháp tổng thể để tạo chuyển biến đột phá. Trong đó, cần có giải pháp về cơ chế, chính sách của Nhà nước hướng đến tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp; chính sách phát triển khoa học-công nghệ, tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; tháo gỡ rào cản tài chính đối với doanh nghiệp; xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo.
Để quan tâm hơn nữa người lao động trong các doanh nghiệp, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng theo tháng, theo giờ nhằm nâng cao độ bao phủ của tiền lương tối thiểu, đáp ứng tính linh hoạt của thị trường lao động; bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Nâng cao chất lượng đào tạo, tránh tình trạng đào tạo chạy theo số lượng, ít quan tâm đến chất lượng cũng cần được chú ý hơn. Kế hoạch đào tạo cũng cần gắn với yêu cầu sử dụng người lao động của doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp cần xác định rõ mô hình sản xuất phù hợp, hoàn thiện quản trị sản xuất; đổi mới máy móc thiết bị và quy trình công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng cách tổ chức đào tạo ngắn hạn cho người lao động. Mặt khác, việc tăng cường liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là cách thức nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào của đơn vị về lâu dài …
Ý kiến ()