Chất lượng một số cây cầu có... vấn đề
Vụ đứt cáp cầu treo Chu Va 6 ở Tam Đường (Lai Châu) làm tám người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương xảy ra vừa qua khiến dư luận bàng hoàng. Nhiều chuyên gia cầu đường nhận định, có khả năng tải trọng không phải là nguyên nhân dẫn đến vụ lật cầu mà do chất lượng công trình không bảo đảm. Cũng mới đây, một số công trình cầu lớn cũng xảy ra hiện tượng nứt trụ, cho thấy chất lượng xây dựng một số công trình cầu đang có... vấn đề.
Nứt trụ cầu bất thường
Bằng mắt thường, không khó khăn gì để nhận ra vết nứt dài khoảng 10 m kéo dài dọc tim cầu từ sát mặt đất đến giữa thân trụ T22 của cầu Vĩnh Tuy. Phía chân trụ, điểm tiếp giáp nền đất bắt đầu có hiện tượng rỉ nước, xuất hiện mảng rêu bám. Theo báo cáo của Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), đơn vị khảo sát, thiết kế công trình, vết nứt trụ H22 ở cả hai phía. Phía Vĩnh Tuy vết nứt xuất phát từ phần rỗng của thân trụ kéo lên trên khoảng 10 m, rộng từ 0,5 đến 2 mm; mặt đối diện thân trụ phía Long Biên có vết nứt tương tự, dài khoảng 8 m, nhưng chiều rộng nhỏ hơn. Tại vị trí trụ T23 và T24 cũng xuất hiện vết nứt, nhưng nhỏ hơn.
Tổng Giám đốc TEDI Phạm Hữu Sơn đánh giá: Qua kiểm tra thực tế, TEDI nhận thấy kết cấu dầm bê-tông không bị nứt, các trụ làm việc ổn định, không có hiện tượng lún, nghiêng. Vết nứt thân trụ T22 mang tính cá biệt, xuất hiện nứt từ tháng 3-2010, nhưng từ năm 2012 đến nay không phát triển nữa. Như vậy, vết nứt không phải do điều kiện chịu lực mà khả năng trong quá trình thi công thân trụ, do ảnh hưởng của một hay tổ hợp những yếu tố bất lợi như độ ẩm, độ sụt lựa chọn của bê-tông,… đã tác động tới quá trình thủy hóa bê-tông làm hình thành vết nứt ngay trong khi bê-tông đang ninh kết. Để bảo đảm tính khách quan, TEDI đề nghị Sở GTVT thuê kiểm định độc lập đánh giá mức độ của vết nứt và đề xuất phương án xử lý. Sở GTVT Hà Nội đã thuê một đơn vị của Trường đại học GTVT kiểm định độc lập để khảo sát, kiểm định và đánh giá ảnh hưởng của vết nứt, đồng thời mở rộng kiểm tra, rà soát toàn bộ các trụ cầu Vĩnh Tuy. Theo dự kiến, công tác kiểm định sẽ hoàn thành trước ngày 10-3.
Tuy nhiên, vết nứt “mang tính cá biệt” ở trụ cầu Vĩnh Tuy được rất nhiều chuyên gia giao thông quan tâm, phân tích và đưa ra các quan điểm đánh giá. Trước đánh giá sơ bộ của các cơ quan chức năng, các chuyên gia cho rằng, sẽ là vội vàng nếu kết luận vết nứt này là do co ngót bê-tông và ở mức an toàn. Thông thường, hiện tượng co ngót bê-tông chỉ xảy ra trong thời gian đầu, tại sao trụ cầu không bị nứt từ lúc đầu mới đưa vào khai thác mà phải đến vài năm sau mới bị nứt? Để xác định chính xác, cần phải trải qua quy trình kiểm định, chưa thể khẳng định ngay là do co ngót. Theo PGS, TS Phạm Huy Khang (Trường đại học GTVT), vết nứt trụ T22 có nhiều điểm bất thường. Thông thường, nếu xuất hiện những vết nứt ngang thì còn có thể do thi công, nhưng vết nứt dọc trụ cầu là dấu hiệu đáng ngại.
Theo phân tích của TS Nguyễn Văn Nhân (Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam), thực tế cầu Vĩnh Tuy đã đưa vào sử dụng từ năm 2009 nên không thể loại trừ việc nứt do nguyên nhân từ chịu lực, hoặc chất lượng vật liệu tại vị trí này không bảo đảm cường độ. Quá trình thi công chỉ cần một chút sơ sảy là cường độ không bảo đảm và sau một thời gian khai thác, vị trí đó sẽ phá ra, gây nứt. Tuy vậy, đây vẫn chỉ là giả định, để xác định chính xác cần phải kiểm định kỹ lưỡng.
Cây cầu Rồng, “biểu tượng mới” của TP Đà Nẵng chỉ sau gần một năm đi vào khai thác cũng đã xuất hiện một số vết rạn nứt bê-tông kỹ thuật tại vị trí chân vòm và mố phía đông. Hiện tại, đơn vị thi công đang phải tiến hành bảo hành công trình theo quy định. Các vết nứt được trám bề mặt bằng vữa cường độ cao và bơm keo cường độ cao, độ nhớt thấp.
Hiểm họa cầu treo
Ngay sau khi cầu treo Chu Va 6 bị đứt cáp, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã lập tức đến hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục sự cố, thành lập khẩn tổ điều tra nguyên nhân sập cầu và hoạt động độc lập với tổ điều tra của tỉnh Lai Châu. Tổ điều tra đã tập trung nghi vấn về chất lượng, khả năng chịu tải của thiết bị ắc tăng-đơ của cầu treo không tương thích với cáp nên bị đứt bu-lông neo. Tổ điều tra sẽ mang mẫu tăng-đơ về Hà Nội giám định, phân tích vật liệu để đánh giá khả năng chịu lực; đồng thời rà soát lại toàn bộ quy trình xây dựng cây cầu để có đánh giá chính thức. Công an tỉnh Lai Châu đã vào cuộc tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn, bước đầu xem xét hồ sơ thiết kế, sau đó tiếp tục làm rõ các vấn đề liên quan khác như chất lượng sắt thép, vật tư thi công,…
Cầu treo dân sinh là công trình phổ biến ở miền núi, có quy mô nhỏ, độ an toàn thấp. Nhiều công trình qua hàng chục năm đã xuống cấp, hư hỏng nặng nhưng không được duy tu, bảo dưỡng định kỳ. Nhiều vụ sập cầu treo gần đây gây thương vong, thiệt hại cho người dân đã gióng hồi chuông cảnh báo song chưa được quan tâm kịp thời. Trường hợp lật cầu treo Chu Va 6, nhiều chuyên gia tỏ ý nghi ngờ do chất lượng cầu kém chứ không phải do cộng hưởng lực và quá tải. Bởi nguyên tắc thiết kế, để bảo đảm an toàn, bao giờ cầu cũng được tính khả năng chịu tải gấp ba lần tải trọng cho phép. Cầu Chu Va 6 trọng tải cho phép 1,5 tấn, có nghĩa khả năng chịu tải phải đạt 4,5 – 5 tấn. Toàn bộ vật liệu từ tăng-đơ đến bu-lông theo quy định đều phải được làm bằng thép cường độ cao, thép dự ứng lực. Vì thế, cầu không dễ có thể bị đứt khi đoàn người qua cầu, cho nên chất lượng linh kiện vật liệu công trình có thể có vấn đề.
Bộ Xây dựng cũng đã có công văn gửi Bộ GTVT và các địa phương yêu cầu phối hợp kiểm tra, rà soát hệ thống cầu treo trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, qua sự cố này cho thấy, công tác quản lý đầu tư xây dựng; quản lý chất lượng trong khâu khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng; quản lý, bảo trì trong quá trình khai thác ở nhiều công trình tương tự còn nhiều bất cập, tiềm ẩn rủi ro về chất lượng gây mất an toàn của công trình và ảnh hưởng đến bảo đảm an toàn giao thông.
Bộ Xây dựng đề nghị Bộ GTVT và các địa phương trên cả nước tổng kiểm tra các công trình cầu treo. Nếu phát hiện sai sót, phải tổ chức kiểm định, đánh giá về an toàn chịu lực và có giải pháp sửa chữa, gia cường thích hợp; đồng thời, lập quy trình và tổ chức bảo trì công trình. Các công trình đang chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư, phải yêu cầu chủ đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện nghiêm túc việc thẩm tra thiết kế, kiểm tra quá trình thi công xây dựng và nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng.
Bài, ảnh: HƯNG THỦY và HỒNG SƠN
Thiết bị ắc neo tăng-đơ cầu treo Chu Va 6 không tuân theo thiết kế
Ngày 4-3, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, theo báo cáo ban đầu của Tổ công tác kỹ thuật Bộ GTVT, nguyên nhân trực tiếp gây sự cố sập cầu treo Chu Va 6 (Lai Châu) là do đứt ắc neo tăng-đơ tại đầu neo cáp hướng bản Chu Va 8, phía thượng lưu cầu, dẫn đến mất khả năng chịu lực của cáp chủ thượng lưu. Qua kiểm tra hiện trường, tổ công tác kỹ thuật nhận thấy ắc neo nói trên có hiện tượng phá hoại giòn, đứt vỡ đột ngột. Bề mặt lỗ chốt ắc neo phía trong lồi lõm, biểu hiện được gia công tạo lỗ bằng cách gia nhiệt thổi xuyên chiều dày, làm thay đổi tính chất cơ lý của vật liệu, giảm khả năng chịu lực. Hiện bộ phận ắc neo tăng-đơ bị đứt đã được cơ quan chức năng thu giữ làm tang vật để giám định, phục vụ điều tra nguyên nhân sự cố. Nguyên nhân chính thức gây đứt ắc neo đang chờ kết luận giám định của cơ quan chức năng. Theo thiết kế, bộ phận ắc neo tăng-đơ làm bằng vật liệu thép đúc có khả năng chịu lực 100 tấn/bên, tổng khả năng chịu lực 200 tấn, lớn hơn khả năng chịu lực yêu cầu 6,1 lần.
PV
Cần thuê tư vấn độc lập, đánh giá toàn diện vết nứt
Vết nứt trụ cầu Vĩnh Tuy là khá nghiêm trọng, mặc dù tạm thời chưa ảnh hưởng đến mức độ an toàn của cầu. Trước mắt, các đơn vị liên quan cần tập trung xử lý triệt để vết nứt tại các trụ T 22, T 23 và T 24. Để đánh giá toàn diện mức độ ảnh hưởng của vết nứt, cần thuê tư vấn độc lập, có năng lực, kinh nghiệm và trưng cầu ý kiến đánh giá của các chuyên gia, các nhà khoa học. Tiếp theo, cần kiểm tra toàn tuyến, tất cả các trụ của cầu Vĩnh Tuy để có đánh giá tổng quát, kịp thời phát hiện những yếu tố bất thường và đề ra phương án xử lý hiệu quả một cách sớm nhất. Trách nhiệm của Sở GTVT Hà Nội là rà soát tất cả các cầu trên địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất những yếu tố làm ảnh hưởng đến chất lượng, tuổi thọ công trình.
Bộ trưởng Xây dựng TRỊNH ĐÌNH DŨNG (Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Nhà nước)
Nhà thầu tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thi công
Tôi khẳng định, trong quá trình thi công, nhà thầu đã thực hiện nghiêm ngặt các quy trình, quy phạm. Khi hoàn thành, công trình được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu đầy đủ, bàn giao khai thác từ năm 2009 và hiện tại đã hết thời gian bảo hành. Mặc dù vậy, khi phát hiện nứt trụ cầu Vĩnh Tuy, Tổng công ty vẫn phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng kiểm tra hiện trường và thống nhất phương án mời Cục Giám định (Bộ Xây dựng), tư vấn độc lập, các chuyên gia đầu ngành kiểm định, làm rõ nguyên nhân. Kết quả siêu âm của Viện Khoa học công nghệ GTVT cho thấy trụ đồng nhất toàn bộ, những vết nứt có thể do co ngót bê-tông từ biến và không ảnh hưởng khả năng chịu lực của bê-tông. Làm cầu hơn 30 năm, đây là lần đầu tôi gặp vết nứt thế này, thật sự cũng không hiểu tại sao. Nhiều người có thể nghĩ rằng do “rút ruột” công trình nhưng tôi có thể khẳng định lương tâm, danh dự nghề nghiệp của thợ làm cầu không cho phép làm việc đó.
PHAN QUỐC HIẾU (Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Thăng Long)
Lào Cai rà soát 95 cầu treo dân sinh
Trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 95 cầu treo dân sinh, qua đánh giá trong đợt kiểm tra định kỳ năm 2013, toàn bộ cầu treo đều bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, hầu hết các công trình này đều nằm ở vùng sâu, công tác thiết kế, thi công, quản lý, khai thác chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro tai nạn cao; hệ thống biển báo chưa đầy đủ, không có hướng dẫn khai thác chi tiết. Thậm chí, có thể có tình trạng kẻ gian tháo trộm thiết bị, gây nguy hiểm đối với công trình. Trong thời gian tới, Sở GTVT Lào Cai sẽ tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống cầu treo dân sinh; kiểm tra hiện trạng công trình, kiểm định chất lượng các cầu để có phương án khai thác phù hợp, đồng thời lắp ngay biển báo, hướng dẫn chi tiết. Việc kiểm tra sẽ tập trung vào đoạn cáp chủ ở hố neo thường bị chìm trong đất, phát hiện những bộ phận thường bị hư hỏng như ván mặt cầu, quang đeo, dầm, các ốc vít,.. để có phương án bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời.
NGUYỄN TRỌNG HÀI (Giám đốc Sở GTVT Lào Cai)
Yên Bái Tiếp tục thẩm tra toàn bộ chất lượng cầu treo
Toàn tỉnh Yên Bái có tới 122 cầu treo, nhiều nhất là huyện Văn Chấn 51 chiếc, Mù Cang Chải 23 chiếc. Các cầu treo đều do cấp huyện quản lý, khai thác, sử dụng. Hằng năm, Sở GTVT đều tổ chức kiểm tra định kỳ, nhất là các cầu yếu, các cầu có nguy cơ cao; nhắc nhở các huyện duy tu, sửa chữa theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Một số huyện hằng năm đều trích ngân sách cho việc bảo dưỡng tra dầu mỡ các cáp treo, hố neo, tăng-đơ và ván lát cầu. Sở GTVT Yên Bái tiếp tục thẩm tra các cầu treo đã và sẽ xây dựng trên địa bàn do cấp huyện quản lý, bảo đảm 100% các cầu được tư vấn, thiết kế, xây dựng, đưa vào sử dụng đúng theo quy phạm. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ra văn bản quy định chi tiết về hướng dẫn, cấm tải trọng, số lượng người khi qua các cầu treo, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện trên địa bàn.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()