Chất lượng giáo dục vùng dân tộc ngày càng được cải thiện
Thời gian qua, ngành giáo dục triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) vùng dân tộc thiểu số, miền núi, trong đó quan tâm phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT). Vì vậy, chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi ngày càng được cải thiện, tiệm cận chất lượng giáo dục chung của cả nước.
Theo Bộ GD và ÐT, quy mô, mạng lưới trường, lớp học ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi ngày càng đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc. Cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã quan tâm, chỉ đạo, các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp chủ động phối hợp và hỗ trợ ngành giáo dục thực hiện quy hoạch mạng lưới, quy mô trường, lớp học. Ðặc biệt, việc chuyển học sinh từ điểm trường lẻ về học tại trường chính để nâng cao chất lượng giáo dục đã nhận được sự đồng thuận của cha, mẹ học sinh. Năm học 2020-2021, vùng dân tộc thiểu số, miền núi có 3.489 trường mầm non, 3.195 trường tiểu học, 2.604 trường THCS, 967 trường tiểu học và THCS, 488 trường THPT, 93 trường THCS và THPT. Hệ thống các trường chuyên biệt dành cho con em người dân tộc thiểu số và con em các gia đình ở vùng đặc biệt khó khăn được củng cố và phát triển. Toàn quốc hiện có 320 trường PTDTNT ở 49 tỉnh, thành phố với 105.818 học sinh; 1.134 trường PTDTBT ở 29 tỉnh, thành phố với 250.795 học sinh. Ngoài ra, còn có 2.273 trường phổ thông ở 29 tỉnh, thành phố có học sinh bán trú.
Thầy giáo Lê Nguyên Ái, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT tiểu học và THCS Nhạn Môn, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn cho biết, năm học 2020-2021 nhà trường có 163 học sinh từ lớp 3 đến lớp 9 ở bán trú. 100% số học sinh nhà trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình khó khăn; nhiều em nhà xa trường. Trường đã huy động học sinh khi lên lớp 3 về học tập tại trường chính để bảo đảm các điều kiện dạy và học, chăm sóc bán trú. Thầy giáo Hà Nhân Hưởng, Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Bắc Kạn cho biết, được sự quan tâm, đầu tư của Ðảng, Nhà nước, sự nỗ lực của tập thể thầy và trò, năm 2013, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Những năm học vừa qua, trường đã thực hiện tốt các cuộc vận động và phong trào thi đua, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục – thể thao cho học sinh nội trú; thực hiện đúng chế độ, chính sách đối với giáo viên, học sinh. Kết quả 5 năm vừa qua, tỷ lệ tốt nghiệp của trường đạt hơn 99,25%. Từ năm học 2015-2016 đến nay, Trường PTDTNT tỉnh Bắc Kạn có ba học sinh giỏi cấp quốc gia, 153 học sinh giỏi cấp tỉnh…
Trong khi đó, Trường PTDTNT tỉnh Sơn La thực hiện hiệu quả công tác xây dựng văn hóa học đường, quy tắc ứng xử trong trường học. Nhiều năm qua, trường luôn chú trọng giáo dục văn hóa dân tộc, giáo dục kỹ năng sống, giao tiếp ứng xử cho học sinh. Trong giờ học chính khóa (các môn xã hội), giáo viên dành thời lượng nhất định để giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc, lòng tự hào tự tôn dân tộc và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc, xây dựng mối đoàn kết giữa các dân tộc trong nhà trường.
Vụ trưởng Giáo dục Dân tộc (Bộ GD và ÐT) Lê Thị Thanh Nhàn cho biết, một trong những yếu tố góp phần duy trì chất lượng và tỷ lệ học sinh vùng dân tộc miền núi ra lớp tăng cao thời gian qua là nhờ chế độ, chính sách đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi được bảo đảm. Chế độ, chính sách được thực hiện đúng, đủ, kịp thời, đóng vai trò quan trọng trong việc huy động trẻ em, học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số đi học, không bỏ học giữa chừng. Nhiều địa phương đã ban hành những chính sách riêng để hỗ trợ học phí và chi phí học tập cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số của địa phương mình. Tỷ lệ học sinh các trường PTDTNT xếp loại hạnh kiểm tốt, khá đạt hơn 95%; tỷ lệ học sinh khá, giỏi hơn 60%; học sinh tốt nghiệp THCS hơn 98% và tốt nghiệp THPT hơn 90%. Chất lượng giáo dục của trường PTDTBT, trường phổ thông có học sinh bán trú chuyển biến tích cực, tỷ lệ huy động học sinh dân tộc thiểu số trong độ tuổi ra lớp tăng; tỷ lệ học sinh bán trú cấp tiểu học hoàn thành cấp học đạt 98,9%; học sinh bán trú cấp THCS hoàn thành cấp học đạt 92%. Môi trường học tập ở trường PTDTBT đã giúp học sinh dân tộc thiểu số tiếp cận nhanh hơn với tiếng Việt; chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên; học sinh bỏ học giảm.
Ý kiến ()