Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp
– Để lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp phát triển nhanh, bền vững, từ năm 2019, UBND tỉnh đã tổ chức Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) tỉnh Lạng Sơn. Từ cuộc thi này đã có nhiều ý tưởng được hiện thực hóa và mang lại những lợi ích thiết thực về kinh tế, xã hội.
Ngay trong năm 2019, năm đầu tiên tổ chức cuộc thi KNĐMST đã có 50 dự án tham gia. Sau 3 năm tổ chức, cuộc thi đã nhận được 150 ý tưởng, dự án về phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, Sở Khoa học và Công nghệ, Câu lạc bộ Đầu tư khởi nghiệp đã lựa chọn 59 dự án có tính khả thi cao khi áp dụng vào thực tiễn để hỗ trợ, hiện thực hóa và phát triển sản phẩm.
Qua cuộc thi KNĐMST, chị Bế Lan Anh, xã Đình Lập, huyện Đình Lập đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm bún ngô Thuận Anh
Bà Bế Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ KNĐMST, là đơn vị chủ công hỗ trợ KNĐMST chúng tôi đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với Hội đồng cố vấn KNĐMST tạo quốc gia, Trung tâm Hỗ trợ KNĐMST quốc gia, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Câu lạc bộ đầu tư và khởi nghiệp. Từ năm 2019 đến nay, công tác hỗ các tác giả, nhóm tác giả được triển khai đa dạng như: tổ chức các khóa đào tạo về khởi nghiệp tại tỉnh và cử một số tác giả tham gia các khóa đào tạo do Trung tâm hỗ trợ KNĐMST quốc gia tổ chức; hỗ trợ thủ tục chứng nhận quyền tác giả, cấp chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ để được hưởng ưu đãi về thuế; kết nối thị trường tiêu thụ với đối tác nước ngoài; kết nối tiêu thụ sản phẩm trong nước; quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, không gian số…
Sự hỗ trợ từ các thành phần trong hệ sinh thái KNĐMST đã giúp tác giả, nhóm tác giả tiếp cận những kiến thức chuyên môn về quản lý tài chính doanh nghiệp, chiến lược quảng bá cho sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu bao bì, ứng dụng công nghệ số trong quảng bán, tiêu thụ sản phẩm… Nhờ tiếp cận với các chuyên gia mà tác giả, nhóm tác giả có thêm thông tin, kiến thức về thị trường, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp trong sản xuất cũng như chiến lược phát triển sản phẩm…
Anh Dương Hữu Điện, xã Chiêu Vũ, huyện Bắc Sơn cho biết: Lúc đầu, ý tưởng khởi nghiệp của tôi chỉ là làm ra sản phẩm đơn thuần (heo khô mác mật và nước sốt mác mật). Sau khi tham gia cuộc thi KNĐMST năm 2020 và 2021, được tư vấn từ các chuyên gia, doanh nghiệp của tỉnh, tôi đã xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm của mình để không chỉ bán hàng ở quy mô hẹp mà hướng đến những thị trường khó tính. Đến nay, sản phẩm heo khô mác mật và nước sốt mác mật của tôi đã có mặt tại 19 cửa hàng thuộc hệ thống siêu thị Thành Đô tại Hà Nội, 9 siêu thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cửa hàng giới thiệu sản phẩm, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Hiện mỗi tháng tôi cung cấp ra thị trường khoảng 700 kg heo khô thành phẩm và hơn 2.000 sản phẩm nước sốt mác mật với doanh thu đạt từ 550 đến 730 triệu đồng/tháng.
Theo ông Trần Thế Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thiên Phú, Chủ tịch Câu lạc bộ đầu tư khởi nghiệp tỉnh, nếu như trước khi tham gia cuộc thi KNĐMST các tác giả, nhóm tác giả chỉ chú trọng đến việc tạo ra một sản phẩm và mang nó đi bán thì sau cuộc thi họ đã mạn dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị, thuê nhân công để mở rộng quy mô sản xuất. Đặc biệt là đưa sản phẩm của mình tham gia các hội chợ, triển lãm để tìm cơ hội mở rộng thị trường. Cùng đó, nhiều tác giả đã chủ động nghiên cứu các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, yêu cầu về bao bì, nhãn mác, quy trình sản xuất… của những thị trường khó tính để nâng cấp, hoàn thiện quy trình sản xuất, đưa ra thị trường sản phẩm có chất lượng cao.
Từ khi triển khai đến nay, cuộc thi KNĐMST đã giúp các tác giả, nhóm tác giả có kiến thức, kỹ năng để triển khai ý tưởng, qua đó đã có 30 ý tưởng, dự án thành công. Điển hình như sản phẩm Bún ngô Thuận Anh; heo khô mác mật; nước sốt mác mật; sản xuất rau hữu cơ; mô hình du lịch sinh thái tại rừng đặc dụng Hữu Liên… Nhiều sản phẩm đã hướng đến thị trường tiêu thụ là các chuỗi cửa hàng, siêu thị thay vì chỉ tiêu thụ nội tỉnh hoặc các chợ truyền thống.
Sau 3 năm tổ chức, cuộc thi KNĐMST đã trở thành môi trường cho những người có khát vọng khởi nghiệp nhanh, bền vững cọ xát với thực tế, chuẩn bị cho hành trình hiện thực hóa ý tưởng khởi sự lập nghiệp. Tin rằng với sự hỗ trợ tích cực từ hệ sinh thái KNĐMST, thời gian tới sẽ có thêm nhiều dự án được hỗ trợ và mang lại những hiệu quả thiết thực về kinh tế, xã hội.
Ý kiến ()