Chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Nông dan Việt Nam
Tại Ðại hội Ðại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI vừa khai mạc ngày 1-7, nhiều tham luận của Hội Nông dân các cấp gửi tới Ðại hội, nêu những kinh nghiệm hay, những mô hình tốt trong công tác xây dựng hội, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, tham gia xây dựng Ðảng, chính quyền cơ sở trên các vùng, miền cả nước. Báo Nhân Dân trân trọng trích đăng một số tham luận.
Tại Ðại hội Ðại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI vừa khai mạc ngày 1-7, nhiều tham luận của Hội Nông dân các cấp gửi tới Ðại hội, nêu những kinh nghiệm hay, những mô hình tốt trong công tác xây dựng hội, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, tham gia xây dựng Ðảng, chính quyền cơ sở trên các vùng, miền cả nước. Báo Nhân Dân trân trọng trích đăng một số tham luận.
Ðào tạo, bồi dưỡng cán bộ “đúng” và “trúng”
Nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã tập trung đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về mọi mặt cho đội ngũ cán bộ hội các cấp. Trong đó, chú trọng đào tạo cán bộ trẻ, người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ mới tham gia công tác hội, với nhiều hình thức như liên kết mở các lớp đào tạo chuyên môn; cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do T.Ư hội tổ chức; mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội cho cán bộ cơ sở và cán bộ chuyên trách…
Trước khi mở lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, Hội Nông dân tỉnh tổ chức khảo sát nắm rõ thực trạng đội ngũ cán bộ toàn tỉnh, nhất là cán bộ chủ chốt, xác định rõ những vấn đề mà cán bộ đang cần, đang thiếu, đang yếu. Từ đó đề ra nội dung để tổ chức các lớp tập huấn bảo đảm trúng, đúng và đạt hiệu quả cao. Với phương châm cán bộ cần nội dung kiến thức gì, yếu kỹ năng nào thì bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng đó. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng được đổi mới, phù hợp từng năm. Trong đó, tập trung bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ và kinh nghiệm giải quyết những tình huống cụ thể, thực tế tại cơ sở. Trong nhiệm kỳ đã có 2.768 cán bộ chuyên trách cấp huyện, thành phố, thị xã và Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nông dân cơ sở được tập huấn nghiệp vụ tại tỉnh; 9.380 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành cơ sở và chi hội trưởng được tập huấn nghiệp vụ tại huyện, thành phố, thị xã. Nội dung, kiến thức thu được qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ được áp dụng vào thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hội của đội ngũ cán bộ, góp phần khẳng định vị thế của tổ chức Hội Nông dân.
Với phương châm tập trung vào các nội dung thiết thực, đáp ứng quyền lợi hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân, Hội Nông dân các cấp đã tổ chức 7.961 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật dưới hình thức hội nghị đầu bờ, “cầm tay chỉ việc”, 203 hội thi dưới hình thức sân khấu hóa, 507 mô hình trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh do Hội Nông dân các cấp trong tỉnh trực tiếp tổ chức trong nhiệm kỳ là môi trường thuận lợi, để đội ngũ cán bộ hội có điều kiện rèn luyện qua thực tiễn, góp phần thúc đẩy, xây dựng phong trào. Ðặc biệt, cơ quan Hội Nông dân tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã đã xây dựng quy chế, yêu cầu cán bộ mỗi tháng có ít nhất bảy ngày đi cơ sở, tạo cho cán bộ hội có tác phong gần gũi với nhân dân và không xa rời thực tiễn…
(Tham luận của Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình)
Thi đua sản xuất và làm giàu chính đáng
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng là một trong những phong trào trọng tâm, xuyên suốt trong hoạt động của Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi.
Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã phát huy lợi thế, thực hiện chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức trong đời sống, đoàn kết đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Tiêu biểu nhất là phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh tăng bình quân 5,8%/năm. Ðồng thời gắn với xây dựng tổ chức hội vững mạnh, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động hội, vận động nông dân tổ chức thực hiện các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, từ đó làm thay đổi đáng kể kinh tế nông nghiệp, bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân trong tỉnh.
Năm qua, các cấp hội chủ động phối hợp các sở, ngành, cơ quan khoa học và các doanh nghiệp tổ chức 2.426 lớp tập huấn kỹ thuật cho 150 nghìn lượt hội viên nông dân. Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức hàng trăm hội nghị, hội thảo đầu bờ về giống cây, con mới; xây dựng 10 câu lạc bộ nông dân SXKD giỏi. Hội Nông dân cũng đã vận động và phối hợp thành lập 77 tổ ngư dân đoàn kết đánh bắt thủy sản xa bờ, tổ tự quản tàu thuyền, tạo điều kiện ngư dân tham gia vào nghiệp đoàn nghề cá, góp phần phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Các cấp hội chủ động khai thác các nguồn vốn từ Trung ương và của tỉnh xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân, giúp 2.000 lượt hộ vay vốn với số tiền gần 20 tỷ đồng; tín chấp từ nguồn vốn các ngân hàng giúp hơn 200 nghìn lượt hộ vay với dư nợ 1.312 tỷ đồng… Các cấp hội đã vận động tương trợ trong nội bộ nông dân về vốn; giống cây, con; vật tư; kinh nghiệm để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, với số tiền hơn 12 tỷ đồng, hàng chục nghìn ngày công lao động, hàng trăm tấn lương thực giúp đỡ cho hơn 15.600 hộ nghèo có điều kiện sản xuất, ổn định cuộc sống, thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên trở thành hộ SXKD giỏi.
Ðến nay, toàn tỉnh có 78.308 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp (theo tiêu chí mới). Trong đó, có 150 hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi cấp trung ương, 1.580 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh, 22.789 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi cấp huyện; 53.789 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi cấp cơ sở. Hiện nay, toàn tỉnh có 383 trang trại đã và đang phát triển theo hướng hàng hóa với quy mô lớn.
Thời gian tới, cán bộ, hội viên đề đạt Ðảng và Nhà nước sớm có chính sách thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất, gắn với chuyển dịch lao động nông nghiệp sang các ngành nghề khác, khuyến khích các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân có vốn, có kinh nghiệm quản lý và nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Chính phủ và các cấp chính quyền ở địa phương nên coi phong trào nông dân SXKD giỏi, đoàn kết, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng nông thôn mới.
(Tham luận của Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi)
Phát triển kinh tế tập thể và xây dựng cánh đồng mẫu lớn
An Giang là tỉnh nông nghiệp nằm ở vùng tây nam của Tổ quốc, với diện tích gieo trồng cả năm là 682,871 ha và đạt tổng sản lượng lúa năm 2012 hơn 3,95 triệu tấn, đứng đầu cả nước.
Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn, có thể nói nông dân giữ vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, để vận động nông dân tham gia phong trào thi đua, sản xuất hiệu quả đòi hỏi các cấp hội phải đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động theo hướng “cầm tay chỉ việc”, tạo được lòng tin và thỏa mãn được tâm lý của nông dân là không chỉ nghe, mà phải nhìn thấy, cầm nắm được. Nghĩa là, muốn vận động nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, tham gia hoạt động xây dựng nông thôn mới thì không chỉ tập huấn bồi dưỡng kiến thức, mà phải tổ chức lại sản xuất và có mô hình để hướng dẫn nông dân cách thức làm ăn, hỗ trợ và đầu tư vật chất (vốn, vật tư), tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt và hỗ trợ liên kết tiêu thụ ổn định.
Ngoài việc tạo vốn, Hội Nông dân tỉnh chú trọng công tác tập huấn nghề và dạy nghề cho hội viên, nông dân. Phối hợp các ngành, các huyện, thị xã, thành phố, hằng năm tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hàng trăm nghìn lượt hội viên nông dân, xây dựng hơn 150 mô hình điểm có hiệu quả kinh tế, để nông dân học tập và nhân rộng. Chỉ đạo các cơ sở hội duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động các Tổ hợp tác, Câu lạc bộ nông dân (CLBND) phát triển kinh tế. Trong năm năm qua, Hội Nông dân phối hợp các ngành mở 2.172 lớp dạy nghề cho 52.631 lượt hội viên, nông dân. Qua đó, đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho 26.315 hộ.
Trong nhiệm kỳ, Hội Nông dân đã chủ động triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống, đến nay có 11/11 huyện, thị xã, thành phố có trang bị máy vi tính, 100% số đơn vị có nối mạng in-tơ-nét, có 25 CLBND, tổ hợp tác của 25 xã thuộc 11 huyện, thị xã, thành phố thực hiện truy cập mạng in-tơ-nét giúp giới thiệu sản phẩm và tìm đối tác qua mạng.
Những năm qua, mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” bắt đầu thực hiện từ vụ đông xuân năm 2010-2011, tại xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành với diện tích ban đầu hơn 1.000 ha, bước đầu gặt hái thành công. Với cách làm trên, toàn bộ diện tích được doanh nghiệp ứng trước giống, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật canh tác thông qua lực lượng kỹ thuật viên. Mô hình cánh đồng mẫu lớn ở An Giang hiện nay đã mở rộng hơn 20.000 ha, cho năng suất đạt 7,5 – 8 tấn/ha, đặc biệt có hộ đạt tới 9 tấn/ha. Nông dân phấn khởi vì có lãi hơn 150% so với phương thức canh tác thông thường.
Từ những mô hình thành công vừa qua cho thấy, sự chuyển biến trong nhận thức của nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ, sang quy mô sản xuất lớn, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm. Các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân đã mang lại lợi ích nhiều mặt cho hội viên, nông dân, trở thành phương thức chủ yếu để tập hợp vận động nông dân tham gia tích cực xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
(Tham luận của Hội Nông dân tỉnh An Giang)
Công tác tuyên truyền phải bám sát đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước
Ðác Lắc là một tỉnh miền núi có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh (QP – AN) của vùng Tây Nguyên và cả nước. Là tỉnh có diện tích rộng, dân cư phân bố không đồng đều; một bộ phận dân cư vùng sâu, vùng xa, cùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế mới của tỉnh đời sống còn khó khăn, phong tục tập quán lạc hậu.
Tham gia bảo đảm QP- AN là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, các cấp hội đã phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nông dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thực hiện nhiệm vụ QP-AN trong tình hình mới. Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, tham gia đóng góp Quỹ đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc các đối tượng chính sách và người có công. Các cấp hội đã phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng triển khai 74 mô hình phát triển kinh tế – xã hội…
Bên cạnh đó, Tỉnh hội đã xây dựng các mô hình điểm về thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, gắn với giám sát Pháp lệnh dân chủ cơ sở; duy trì và xây dựng 11 Câu lạc bộ nông dân với pháp luật với 912 hội viên. Tổ chức ba cuộc thi “Nông dân tìm hiểu pháp luật”; chủ động phối hợp các ngành thanh tra, tư pháp, tài nguyên và môi trường tập huấn kiến thức pháp luật cho 5.208 cán bộ, hội viên; tuyên truyền pháp luật giúp hơn 1,1 triệu lượt hội viên, trợ giúp pháp lý cho hơn 45 nghìn lượt hội viên, cấp phát hơn 300 nghìn tờ rơi tuyên truyền về pháp luật; tham gia và trực tiếp hòa giải thành công 1.948 vụ việc khiếu kiện và mâu thuẫn trong nội bộ nông dân.
Từ thực tiễn cho thấy, công tác tuyên truyền phải được Hội Nông dân tiến hành thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi. Nội dung tuyên truyền phải xuất phát từ tình hình thực tiễn, bám sát các quan điểm, đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phải gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở mỗi địa phương. Hình thức, phương pháp tuyên truyền phải đa dạng, ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp trình độ, văn hóa, tập quán của từng vùng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()