"Chảo lửa" Xy-ri lan ra ngoài biên giới
Cuộc khủng hoảng ở Xy-ri đang lan rộng sang khu vực biên giới nước này, có nguy cơ thổi bùng "chảo lửa" ở Trung Ðông.
Cuộc khủng hoảng ở Xy-ri đang lan rộng sang khu vực biên giới nước này, có nguy cơ thổi bùng “chảo lửa” ở Trung Ðông.
Xuất phát từ những xung đột lợi ích và tôn giáo, cuộc nội chiến Xy-ri đang tác động mạnh cộng đồng cư dân cùng tôn giáo ở các nước láng giềng, dẫn tới những ảnh hưởng về chính trị, kinh tế, xã hội.
Một trong những hậu quả của cuộc khủng hoảng ở Xy-ri là kích động xu hướng ly khai của cộng đồng người Cuốc, vốn sống rải rác ở Xy-ri, I-ran,I-rắc, Thổ Nhĩ Kỳ, biến vấn đề này trở thành “thùng thuốc súng” có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Người Cuốc sống tại Xy-ri chia thành hai nhóm ủng hộ phe đối lập và ủng hộ chính quyền của Tổng thống Át-xát. Ðảng Liên minh Dân chủ (PYD) vốn tách từ Ðảng Công nhân người Cuốc (PKK) vẫn trung thành với Tổng thống Át-xát, nhưng các đảng phái khác yếu thế hơn lại đứng về phía lực lượng nổi dậy. Sự phân chia này tác động tới cộng đồng người Cuốc đang sinh sống tại các quốc gia láng giềng. Do vậy, khi quân đội chính phủ Xy-ri rút khỏi khu vực đông bắc nước này, các phần tử ly khai người Cuốc thuộc PKK ở Thổ Nhĩ Kỳ coi đây là thời điểm tốt để thúc đẩy các hoạt động ly khai. Chính quyền An-ca-ra lo ngại cuộc chiến ở Xy-ri sẽ kéo theo người Cuốc Thổ Nhĩ Kỳ vào cơn lốc chiến tranh và An-ca-ra phải đối mặt khả năng hợp nhất giữa người Cuốc ở Xy-ri và người Cuốc ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, người Hồi giáo dòng Si-ít, A-la-uýt sống tại Li-băng không thể thờ ơ với cuộc xung đột đẫm máu đang đe dọa những người cùng tôn giáo ở Xy-ri. Phe đối lập tại Li-băng ủng hộ lực lượng chống đối ở Xy-ri, trong khi phong trào Héc-bô-la của người Hồi giáo dòng Si-ít và các đồng minh lại ủng hộ chế độ của Tổng thống Xy-ri B.Át-xát. Xung đột ở Xy-ri được cả hai phe cầm quyền và đối lập ở Li-băng sử dụng cho các mục đích chính trị. Vì vậy, cuộc chiến ở Xy-ri làm gia tăng nguy cơ đối đầu vũ trang giữa các phần tử tôn giáo cực đoan ở Li-băng. Các nhóm thánh chiến ở Li-băng bị cáo buộc tham gia cùng phe nổi dậy Xy-ri hoặc gửi chiến binh sang nước láng giềng. Thêm vào đó, hiện hơn 300 nghìn người Xy-ri tị nạn ở Li-băng, gây ra nhiều vấn đề ở đất nước chỉ có bốn triệu dân này. Quản lý người tị nạn trở thành gánh nặng cho cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội ở Li-băng, ảnh hưởng tăng trưởng của nước này. Các loại hàng hóa xuất khẩu quan trọng của Li-băng đều không thể vượt qua Xy-ri, cửa ngõ duy nhất để tiếp cận thị trường A-rập.
Khu vực cao nguyên Gô-lan giữa Xy-ri và I-xra-en cũng là một điểm nóng căng thẳng. Trong thời gian xảy ra nội chiến ở Xy-ri, đã có một số lần đạn pháo bắn vào lãnh thổ I-xra-en từ những địa điểm không xác định. Trong khi đó, các máy bay chiến đấu I-xra-en cũng đã bắn phá một địa điểm quân sự của Xy-ri. Một đại diện của Mỹ đã nói với tờ Thời báo Niu Oóc rằng, mục tiêu cuộc không kích của I-xra-en là nhằm vào một đoàn xe quân sự được cho là chở vũ khí cho Phong trào Héc-bô-la ở Li-băng. I-xra-en vẫn thường khẳng định cuộc nội chiến kéo dài ở Xy-ri làm cho vũ khí rơi vào tay phong trào Héc-bô-la. Cả Mỹ và I-xra-en đều lo ngại cuộc khủng hoảng Xy-ri ảnh hưởng xấu tới an ninh của I-xra-en, nhất là khi Ten A-víp từng đe dọa sẽ tiến công Xy-ri nếu tình hình vượt tầm kiểm soát. Và Ten A-víp cũng đã lợi dụng cuộc khủng hoảng ở Xy-ri để tiến công quân sự nhằm làm suy yếu các đối thủ. Căng thẳng ở biên giới Xy-ri và I-xra-en đẩy khu vực trước nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến.
Tờ Bưu điện Oa-sinh-tơn mới đây đưa tin, Mỹ đang đào tạo khoảng 3.000 tay súng ở Gioóc-đa-ni để đưa sang Xy-ri nhằm làm gia tăng cuộc khủng hoảng. Nhật báo Al-Thawra của Chính phủ Xy-ri cảnh báo, Li-băng và Gioóc-đa-ni đang “đùa với lửa” khi cho phép các tay súng thánh chiến và vũ khí qua biên giới hai nước này vào Xy-ri. Trước sự can thiệp của bên ngoài, nhất là việc phương Tây và các đồng minh hỗ trợ vũ khí, hậu cần cho phe đối lập Xy-ri, cuộc khủng hoảng kéo dài hai năm qua ở Xy-ri đã được “tiếp thêm dầu”, có nguy cơ lan ra ngoài biên giới và biến toàn bộ khu vực thành “chảo lửa”.
Nhandan
Ý kiến ()