Chàng trai người Tày khởi nghiệp thành công nhờ mô hình kinh doanh dịch vụ du lịch homestay
- Với sự năng động, ham học hỏi và quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Dương Công Cồ, dân tộc Tày, sinh năm 1994, tại thôn Thâm Pát, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn đã xây dựng thành công mô hình kinh doanh dịch vụ homestay, đem lại thu nhập cao và góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương.
Anh Dương Công Cồ sinh ra trong một ra gia đình thuần nông, thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp nên không ổn định. Do đó, anh luôn trăn trở tìm hướng khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình. Sau nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu, anh Cồ nhận thấy huyện Bắc Sơn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, trong đó, quê hương Bắc Quỳnh – nơi anh sinh ra và lớn lên có nhiều cảnh đẹp và nét văn hóa dân tộc độc đáo, thích hợp để phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Chính vì vậy, năm 2020, anh mạnh dạn vay 400 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Bắc Sơn để đầu tư, xây dựng mô hình kinh doanh dịch vụ homestay với tổng diện tích 1.200 m2.
Ban đầu, khi mới bắt tay vào thực hiện mô hình, anh gặp không ít khó khăn do chưa có kinh nghiệm. Với tinh thần ham học hỏi, anh đã chủ động tìm hiểu kiến thức liên quan đến kinh doanh dịch vụ homestay trên sách, báo, internet và đi tham quan, tìm hiểu thực tế các mô hình kinh doanh tương tự ở một số tỉnh. Đồng thời, anh đăng ký tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ về du lịch do huyện, tỉnh tổ chức.
Anh Cồ chia sẻ: Bên cạnh trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết về kinh doanh dịch vụ du lịch, tôi còn tận dụng các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo… để quảng bá, giới thiệu những cảnh đẹp và bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo của xã Bắc Quỳnh. Thông qua các nền tảng này, nhiều du khách đã biết đến và lựa chọn Bắc Quỳnh là điểm đến trong các chuyến du lịch, nghỉ dưỡng, qua đó không chỉ góp phần quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch địa phương mà còn giúp hoạt động kinh doanh của gia đình tôi phát triển.
Không dừng lại ở việc quảng bá, anh Cồ còn rất chú trọng đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ như: thường xuyên chỉnh trang phòng nghỉ, nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng các tiểu cảnh làm địa điểm “check in” cho khách du lịch; xây dựng các hoạt động trải nghiệm gắn với nghỉ dưỡng...
Đặc biệt, để tạo ấn tượng tốt đẹp cho khách hàng, anh còn chú trọng đến việc lựa chọn những món ăn truyền thống độc đáo của địa phương để đưa vào thực đơn như bánh chưng đen, thịt nướng ống tre, lạp xưởng, khau nhục...
Hiện, trung bình mỗi năm, homestay của anh đón hơn 2.000 khách đến lưu trú, đem lại lợi nhuận trên 250 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Ngoài kinh doanh dịch vụ du lịch homestay, anh Cồ còn phát triển thêm mô hình nấu rượu men lá. Theo đó, trung bình mỗi năm, gia đình anh cung cấp khoảng 5.000 lít rượu cho các cửa hàng, nhà hàng trong và ngoài huyện, đem lại thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Từ các mô hình kinh doanh của gia đình, mỗi năm, gia đình anh có tổng thu nhập trên 350 triệu đồng/năm; tạo việc làm cho 2 lao động thời vụ với thu nhập từ 200.000 đến 350.000 đồng/người/ngày.
Ông Dương Đình Đường, Chủ tịch UBND xã Bắc Quỳnh cho biết: Anh Dương Công Cồ là một trong những người tiên phong đầu tư cơ sở vật chất để phát triển dịch vụ du lịch homestay trên địa bàn xã. Không chỉ năng động, dám nghĩ dám làm trong phát triển kinh tế gia đình, anh còn luôn gương mẫu, nhiệt tình tham gia các hoạt động ở địa phương và luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ dân xung quanh đến tham quan, học hỏi mô hình. Thành công của anh Cồ đã tạo ra sức lan tỏa, truyền cảm hứng khởi nghiệp đến nhiều hộ dân trên địa bàn xã. Đến nay, toàn xã có 9 hộ kinh doanh dịch vụ homestay, qua đó, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của xã.
Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình và những đóng góp trong phát triển du lịch của địa phương, tháng 8/2024, trong Chương trình Tôn vinh các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Tỉnh ủy Lạng Sơn tổ chức, anh Cồ vinh dự là 1 trong 37 tập thể, cá nhân được tôn vinh, khen thưởng.
Ý kiến ()