Chàng trai khuyết tật “giữ hồn” trang phục thầy cúng Tày, Nùng
– Đó là anh Lý Văn Quang (sinh năm 1991), thôn Yên Bình, thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia. Mặc dù mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh nhưng hơn 6 năm qua, anh vẫn miệt mài, đam mê với việc cắt may trang phục tín ngưỡng, góp phần lưu giữ giá trị truyền thống dân tộc Tày, Nùng.
Anh Quang miệt mài thêu các họa tiết trên bộ trang phục thầy cúng
Vượt qua con đường gần 3 km, chúng tôi đến với thôn Yên Bình, thị trấn Bình Gia. Nơi đây có cánh đồng lúa xanh ngát và những nếp nhà sàn đặc trưng. Chúng tôi tìm gặp anh Quang vừa lúc anh đang miệt mài với từng đường kim, mũi chỉ, tỉ mỉ để thêu nên chiếc áo dài thầy cúng dân tộc. Chàng trai với dáng người nhỏ nhắn, yếu ớt nhưng đôi mắt rất nhanh nhẹn, thông minh. Anh Quang cho biết: Từ nhỏ, tôi đã bị mắc bệnh xương thủy tinh nhưng vẫn có thể đi lại và học tập như các bạn đồng trang lứa. Đến năm lớp 9, bệnh tình trở nặng hơn, tôi ngày một yếu đi, đôi chân không thể đi lại được nữa. Tôi nghĩ, còn đôi tay lành lặn là còn khả năng lao động thì mình phải tìm một cái nghề để có thể tự nuôi bản thân và phụ giúp gia đình. Năm 2016, tôi bắt đầu “bén duyên” với nghề cắt may trang phục hành lễ thầy cúng.
Theo đó, hằng ngày, anh Quang tự lên mạng mày mò học cách vẽ, cắt, thêu các mẫu trang phục. Ngoài ra, anh cũng được sự giúp đỡ của các thầy Tào, thầy Then trong vùng hướng dẫn thêm về ý nghĩa, cách bài trí hoa văn… trên trang phục. Sau một thời gian kiên trì, từ những nét vẽ, mũi kim đầu tiên, dần dần những bộ trang phục đẹp mắt ra đời.
Anh Quang cho biết thêm: Để tiến hành một nghi lễ, ngoài các đạo cụ cần thiết thì một bộ lễ phục thầy cúng sẽ gồm áo, mũ hoặc khăn đội đầu. Trang phục thầy cúng của người Tày, Nùng nhìn chung có sự đơn giản về kiểu dáng nhưng lại khá cầu kỳ về cách trang trí. Mỗi dải hoa văn có một ý nghĩa khác nhau, chủ yếu được bố trí ở phía sau áo. Trên bộ trang phục có trang trí nhiều họa tiết thuộc các nhóm “Tứ linh” hình rồng, phượng, kỳ lân, rùa, hình các con vật hổ, ngựa, cá… hay hình người, thiên nhiên, hình học, hình chữ hán cổ… Màu sắc của họa tiết trên trang phục khá đa dạng gồm: đỏ, vàng, trắng, lục, lam, tím… tượng trưng cho ngũ hành mang ý nghĩa linh thiêng, áp chế hung khí, tạo sự uy nghiêm, mang lại vượng khí tài lộc. Chỉ thêu được anh Quang dùng là chỉ tơ tằm với sợi nhỏ và óng. Thêu sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng sản phẩm làm ra có sự bền, đẹp và màu sắc tốt hơn.
Khi mới vào nghề, khách hàng của anh chủ yếu là do bạn bè, người quen giới thiệu. Sau này anh đăng các mẫu sản phẩm của mình lên mạng xã hội facebook và zalo để quảng cáo và chia sẻ kinh nghiệm may vá với những người ở xa, không có điều kiện đến trực tiếp… Mỗi bộ trang phục, anh Quang làm 2 – 3 tháng liên tục nhưng hễ làm ra được bộ nào là có người mua bộ đó. Tiếng lành đồn xa, không chỉ khách trong tỉnh mà có khách ở tận Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Giang, Lâm Đồng, Đắk Lắk… cũng đặt hàng. Ngoài nhận may mới, anh còn nhận sửa lại các bộ trang phục cũ theo yêu cầu của khách hàng. Từ ngày gắn bó với nghề, anh cũng có thêm khoản thu nhập để trang trải việc thuốc men và phụ giúp gia đình.
Anh Dương Quốc Trung (huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang) là một khách hàng cho biết: Tôi biết đến anh Quang do bạn bè giới thiệu. Trang phục thầy cúng là bộ trang phục đặc biệt, chỉ mặc khi thực hành các nghi lễ tâm linh. Hiện nay còn rất ít người biết và thêu được nhiều loại họa tiết cổ trên trang phục thầy cúng Tày Nùng như anh Quang. Dù phải đặt trước khá lâu mới nhận được nhưng nhìn các hoa văn sắc sảo, mũi thêu tỉ mỉ phối thêm kim tuyến trông mới lạ mà vẫn giữ được nét truyền thống cổ xưa của bộ trang phục tổ tiên, tôi thấy rất ưng ý.
Bà Đỗ Thanh Mùi, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bình Gia chia sẻ: Sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn lại không may bị tật ở chân, tuy vậy, anh Quang không hề ỷ lại mà luôn nỗ lực rất nhiều trong cuộc sống. Anh cũng là một trong số ít những người trẻ tuổi còn giữ được nghề làm trang phục thầy cúng dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn huyện Bình Gia. Tấm gương của anh về ý chí, nghị lực sống phi thường đáng để chúng ta học tập và noi theo”.
Hiện nay anh Quang luôn mong muốn có thể truyền dạy cách cắt, thêu trang phục thầy cúng dân tộc Tày, Nùng cho những người có cùng đam mê để qua đó có thêm nhiều người biết và lưu giữ được nghề này.
Ý kiến ()