Chàng trai đam mê sáng tạo khoa học
– Em Vũ Quang Tùng, học sinh lớp 12 C1 (năm học 2021 – 2022), Trường THPT chuyên Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn không chỉ là học sinh giỏi nhiều năm liền mà còn đạt được nhiều giải thưởng về khoa học kỹ thuật.
Ngay từ khi còn nhỏ, Tùng đã thể hiện rõ niềm yêu thích của mình với việc nghiên cứu và sáng chế khoa học. Thấy được niềm đam mê của Tùng, các thầy cô giáo trong trường đã chọn em vào nhóm nghiên cứu đề tài khoa học của trường.
Em Vũ Quang Tùng (bên phải) đang nghiên cứu dự án thuốc BVTV nano sinh học (Ảnh chụp trước tháng 8/2021)
Năm học 2020 – 2021, Vũ Quang Tùng cùng bạn Phạm Hồng Hạnh, lớp 11 C1 (năm học 2021 – 2022), Trường THPT chuyên Chu Văn An thử sức với đề tài nghiên cứu thuốc Bảo vệ thực vật (BVTV) nano sinh học dành cho cây na và các loại cây ăn quả. Ý tưởng đề tài được bắt nguồn từ thực trạng cây na Chi Lăng (đặc sản Lạng Sơn) những năm gần đây xuất hiện một số sâu bệnh hại, đặc biệt là ruồi vàng đục quả… khiến quả bị thối, gây thiệt hại cho người dân. Người dân đã có những biện pháp khắc phục như: bẫy bả sinh học, diệt các loại côn trùng…. Những cách làm này có hiệu có, chi phí thấp nhưng lại khá sơ sài, tốn thời gian và chúng chỉ có hiệu quả trên từng đối tượng gây hại riêng lẻ.
Với niềm đam mê và sự cố gắng của mình, đề tài nghiên cứu đã đạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lạng Sơn lần thứ 13 (năm 2021) và đạt giải ba cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm 2021…
Chia sẻ với chúng tôi về quá trình nghiên cứu đề tài, Tùng cho biết: Em và bạn bắt đầu nghiên cứu từ năm lớp 10 và đến năm lớp 11 thì bước vào thực hiện. Trong quá trình nghiên cứu, chúng em gặp nhiều vấn đề như: chưa biết cách tách chiết lá na, lá trầu không…, nhiều lần thất bại đôi khi cũng khiến chúng em nản lòng. Nhưng được sự động viên từ phía gia đình và thầy cô khiến chúng em càng quyết tâm nghiên cứu thành công thuốc BVTV với mong muốn đem lại hiệu quả cao trên diện rộng, thân thiện với môi trường.
Sản phẩm thuốc BVTV nano sinh học của Tùng và bạn trong nhóm nghiên cứu cho thấy hiệu quả khi có khả năng bảo vệ cây khỏi sâu bệnh và côn trùng gây hại đến 95%, trong khi đó, với biện pháp thông thường đang được áp dụng chỉ đạt khoảng 85%. Ngoài ra, người dân khi sử dụng thuốc BVTV nano sinh học có thể sử dụng bằng tay không vì thuốc đạt ngưỡng an toàn khi phun là 14 mg/30 mg, các loại quả sau khi phun thuốc 1 tuần có thể sử dụng ngay thay vì các loại thuốc trước đây phải 3 tuần mới có thể sử dụng sản phẩm. Sau khi thử nghiệm thuốc BVTV nano sinh học trên cây na, nhóm nghiên cứu đã phân tích hàm lượng tồn dư các chất: bạc, đồng, kẽm trên các mẫu quả sau khi thu hoạch là 0,5 đến 0,7 mg/30 mg – dưới ngưỡng gây hại cho người.
Cô Nghiêm Minh Châu, giáo viên môn Hóa học và trực tiếp hướng dẫn em Vũ Quang Tùng thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học chia sẻ: Tùng là lớp trưởng gương mẫu, đa tài, luôn tràn đầy năng lượng. Trong quá trình nghiên cứu, Tùng đã phải di chuyển nhiều lần từ trường đến Viện Nano của Đại học Phenikaa tại Hà Nội và vườn na tại huyện Chi Lăng để thử nghiệm… Tuy vậy, với mong muốn giải quyết nỗi lo phòng trừ sâu bệnh, giúp cải thiện đời sống người dân đã thôi thúc Tùng và Hạnh nỗ lực, cố gắng hoàn thiện đề tài một cách sớm nhất và hiệu quả. Bằng sự cố gắng, nỗ lực và sự say mê của mình, nhóm nghiên cứu của Tùng đã hoàn thiện quy trình sản xuất chế phẩm thuốc BVTV nano sinh học và tiến tới thương mại hóa sản phẩm, giá bán ra thị trường là 30.000 đồng/ lọ 100ml…
Được biết, trong tháng 1/2022, em Vũ Quang Tùng vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh với thành tích đạt giải ba tại Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 17 năm 2021.
Trong kỳ thì tốt nghiệp THPT năm nay, em Vũ Quang Tùng đăng kí vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và dự kiến xét tuyển thẳng vào Trường Đại học Y Hà Nội. Tin rằng, với sự cần mẫn, tỉ mỉ và niềm đam mê sáng tạo khoa học của em sẽ giúp em đạt được nhiều thành tích hơn nữa trên con đường sắp tới.
Ý kiến ()