Chàng thủ khoa nghèo băn khoăn trước cổng trường đại học
Tuổi thơ nghèo khó
Về thôn Trung Nam, xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) những ngày này đi đến đâu cũng nghe những lời ngợi khen và khâm phục dành cho cậu học trò nghèo Trần Văn Cường (SN 1996) khi em vừa đạt thủ khoa Đại học (ĐH) Bách khoa TP Hồ Chí Minh và á khoa ĐH Y Hà Nội. Cường là em út trong gia đình năm anh em. Bố Cường là Trần Văn Như (62 tuổi) bị bệnh tim và bệnh thần kinh hành hạ đã nhiều năm nay không đủ sức khỏe để đỡ đần vợ con những nhọc nhằn trong cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Trung (mẹ của Cường) cho biết, trước đây bố của Cường là một người khỏe mạnh bình thường, là trụ cột, chỗ dựa cho cả gia đình. Thế nhưng từ năm 2004, bố em bỗng nhiên mất trí nhớ, ngơ ngẩn như người mất hồn… Phải một mình gánh gồng nuôi đàn con khôn lớn đã khiến cho sức khỏe chị Trung yếu đi nhiều, đau ốm thường xuyên. Dẫu vậy chị vẫn bươn chải làm hơn tám sào ruộng để có tiền cho Cường ăn học .
Với gia cảnh khốn khó, không ai nghĩ rằng cậu học sinh có vóc người nhỏ nhắn Trần Văn Cường lại có thể vượt qua được những thiếu thốn để học và thi được vào ĐH. Thế nhưng dường như chính cái nghèo khó đó là động lực cho cậu học sinh trường THPT Trần Phú (Đức Thọ) vươn lên giành được những thành tích đáng nể. 12 năm liền em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường, ba năm cấp 3 là học sinh giỏi của tỉnh, đặc biệt trong năm lớp 12, Cường đã đạt giải 3 môn toán trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Và trong kỳ thi đại học vừa qua, với số điểm 28,5 và 29 Cường đã lần lượt trở thành thủ khoa khối A của Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh và á khoa của ĐH Y Hà Nội.
Chia sẻ về phương pháp học tập, Trần Văn Cường cho biết: “Cần phải chăm chú nghe giảng để cố gắng tiếp thu được kiến thức ngay tại lớp. Học ở nhà thì cần phải có kế hoạch cụ thể để tránh bị dàn trải, phân tâm. Đặc biệt phải nắm thật chắc kiến thức trong sách giáo khoa”. Cũng theo Cường nếu nhà có điều kiện thì đi học thêm cũng là một phương pháp tốt. Bởi khi học thêm ngoài kiến thức trong sách giáo khoa thì còn được tiếp cận với những kiến thức chuyên sâu và những phương pháp ôn luyện hiệu quả. Tuy nhiên, dường như học thêm là một điều quá đỗi xa xỉ đối với chặng đường học tập của Cường.
Điều khiến cho mọi người khâm phục ở Trần Văn Cường là sự vượt khó và lạc quan vào tương lai. Mặc dù khó khăn đủ bề như vậy nhưng em chưa bao giờ cho phép mình nản chí, buông xuôi mà luôn quyết tâm vươn lên để thay đổi cuộc đời. “Nó ham học lắm. Vào đầu mỗi năm học biết gia đình không có tiền nên nó chưa bao giờ đòi mẹ mua sách vở hay là đồ dùng học tập mới mà đều đi dùng lại đồ cũ của anh chị khóa trước. Ngay cả việc ăn sáng đối với cháu cũng là điều ít khi xảy ra”, chị Nguyễn Thị Trung xót xa.
“Mi đậu thì tau chết với mi”
Cũng như bạn bè cùng trang lứa, khi học xong cấp 3 Cường vẫn mạnh dạn làm hồ sơ thi vào đại học dù em không chắc rằng nếu đậu liệu mình sẽ được học hay không? Bởi gia cảnh quá khốn khó. Và rồi điều em lo nghĩ cũng đã đến khi kỳ thi ĐH vừa qua Cường đậu liền hai trường đại học danh tiếng. “Nhận được kết quả, tối về em báo tin cho mẹ. Lúc đó mẹ em vui lắm nhưng em biết trong niềm vui đó chứa nhiều nỗi lo âu. Nhà đã vay mượn của bà con làng xóm quá nhiều, lại vay ngân hàng nữa nên làm sao mẹ có tiền để cho em học được”, Cường nhớ lại.
“Để có tiền cho cháu ăn học những năm cấp 3 đối với tôi đã là quá sức rồi, giờ cháu nó đậu đại học thì tôi làm sao kham nổi. Nhưng nếu để cháu nó phải từ bỏ ước mơ thì tội cho nó lắm!”, chị Trung nghẹn ngào.
Sau bao đêm trằn trọc suy nghĩ, chị Trung vẫn quyết tâm để Cường theo học dù biết rằng điều đó sẽ khiến cho cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn rồi đây sẽ càng trở nên ngặt ngèo hơn nữa. Chị Trung bùi ngùi: “Mai mốt đây nó vào nhập trường chắc tôi chỉ còn cách bán nốt con bò là tài sản có giá cuối cùng của gia đình để cho cháu tiền nộp học phí”.
Ở xứ Nghệ (Nghệ An – Hà Tĩnh), mọi người vẫn hay có câu bông đùa liên quan liên quan đến các gia đình nghèo có con thi đậu ĐH: “Mi không đậu, mi chết với tau. Mi đậu thì tau chết với mi” (tạm dịch, nếu con không thi đậu ĐH thì con không được (xong) với bố mẹ. Còn nếu con đậu ĐH thì bố mẹ sẽ cực kỳ vất vả vì lấy gì mà nuôi con học ĐH). Vận điều này vào gia cảnh nhà Cường thì quá đúng. Khi nhìn căn nhà cấp bốn xập xệ, những bức tường cũ kỹ, rạn nứt và bong tróc trống huơ, không có thứ tài sản nào đáng giá, chúng tôi tự hỏi không biết rồi đây trên con đường đi của chàng thủ khoa Trần Văn Cường sẽ đối mặt và vượt qua những khó khăn, chông gai như thế nào?!.
Hy vọng sẽ có những quỹ tấm lòng vàng cùng các nhà hảo tâm, hay cơ quan, doanh nghiệp nào đó sẽ tài trợ cho Cường trong suốt quá trình học tập sau này.
Ý kiến ()