Chặng đường tự hào của Hội Cấp thoát nước Việt Nam
Nước và tài nguyên nước được thế giới đặc biệt quan tâm và đánh giá là "quý hơn vàng". Do chịu sức ép ngày càng lớn bởi tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng dân số, tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu.Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu toàn cầu gây nên những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống và sức khỏe con người. Hạn hán làm suy kiệt nguồn nước, ô nhiễm các tầng nước ngầm, giảm khả năng tự làm sạch. Gia tăng nguy cơ mắc các bệnh do ô nhiễm nguồn nước... Nước ngọt ngày càng trở nên khan hiếm, và đang là vấn đề nóng bỏng của các quốc gia trên thế giới.Dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, ngành nước và vệ sinh môi trường đang gặp nhiều nguy cơ và khó khăn hơn. Mực nước biển dâng cao làm cho các vùng châu thổ của nhiều quốc gia bị ngập mặn và Việt Nam chúng ta là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.Với dân số...
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu toàn cầu gây nên những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội, đời sống và sức khỏe con người. Hạn hán làm suy kiệt nguồn nước, ô nhiễm các tầng nước ngầm, giảm khả năng tự làm sạch. Gia tăng nguy cơ mắc các bệnh do ô nhiễm nguồn nước… Nước ngọt ngày càng trở nên khan hiếm, và đang là vấn đề nóng bỏng của các quốc gia trên thế giới.
Dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, ngành nước và vệ sinh môi trường đang gặp nhiều nguy cơ và khó khăn hơn. Mực nước biển dâng cao làm cho các vùng châu thổ của nhiều quốc gia bị ngập mặn và Việt Nam chúng ta là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Với dân số gần 86 triệu người, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất. Chúng ta đang tiến hành công cuộc CNH, HĐH đất nước, tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa tăng nhanh, dân số đô thị trong năm năm qua tăng khoảng 7,8 triệu người, đòi hỏi quy mô dịch vụ cấp thoát nước phải tăng theo. Trong những năm gần đây, Chính phủ rất quan tâm việc bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp quy, chiến lược, định hướng phát triển, cơ chế, chính sách ngành nước và vệ sinh môi trường. Luật Tài nguyên nước thông qua năm 1998 là cơ sở pháp lý cao nhất của ngành nước. Chính phủ cũng đã ban hành một loạt văn bản pháp quy dưới luật để thực hiện việc quản lý, phát triển ngành như: QĐ 63/1998 Phê duyệt Định hướng Phát triển cấp nước đô thị đến năm 2020 được bổ sung sửa đổi tại QĐ/1929 tháng 11-2009 Phê duyệt Định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050; QĐ 35/1999 Phê duyệt Định hướng Phát triển thoát nước ở Việt Nam đến năm 2020 đã được bổ sung sửa đổi tại QĐ/1930 tháng 11-2009 Phê duyệt Định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 04 tháng 1-2004 của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường quản lý cấp nước đô thị là một luồng sinh khí mới để ngành nước phát triển mạnh mẽ, bền vững; đồng thời, khẳng định vai trò quan trọng của nước sạch trong đời sống xã hội.
Để lĩnh vực cấp nước phát triển bền vững thì nội dung quan trọng nhất là phải chuyển đổi mô hình quản lý các doanh nghiệp cấp nước sang hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp cấp nước tự chủ và tự chịu trách nhiệm tài chính doanh nghiệp; giá nước sạch phải bảo đảm thu hồi đầy đủ mọi chi phí sản xuất, chi phí đầu tư và chi phí phân phối dịch vụ. Kinh doanh có lãi để tích tụ tái đầu tư và đầu tư mở rộng.
Căn cứ các quy định trong nghị định của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn phương pháp tính giá tiêu thụ nước sạch theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ mọi chi phí. Bộ trưởng Tài chính được ủy quyền của Chính phủ ban hành Quyết định khung giá nước sạch cho đối tượng sinh hoạt; giá trần để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, giá sàn bảo đảm để các doanh nghiệp cấp nước không bị lỗ. Các văn bản pháp quy nêu trên đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cấp nước, thoát nước hoạt động không bị thua lỗ, bắt đầu có tích lũy, phát triển bền vững.
Thành quả đạt được
Nhìn lại 10 năm qua, nhất là năm năm gần đây, các công ty cấp nước và thoát nước đã có bước trưởng thành nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Tất cả các đô thị từ thị xã trở lên đều có dự án cấp nước từ nguồn vốn ODA, cơ bản đã thực hiện xong hoặc chuẩn bị mở rộng sang những giai đoạn tiếp theo. Các nhà máy nước và hệ thống mạng đường ống cấp nước được xây dựng với công nghệ tiên tiến, trang bị hiện đại (thiết bị đo đếm, điều khiển tự động, sử dụng biến tần…). Toàn ngành đã cung cấp cho xã hội xấp xỉ 1,3 tỷ m3 nước sạch mỗi năm, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, sản xuất công nghiệp và nhiều đối tượng khác góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ qua.
Hiện nay toàn quốc đã có 68 công ty cấp nước đô thị đang vận hành 420 hệ thống cấp nước lớn nhỏ, với tổng công suất 5,8 triệu m3/ngày, tăng gấp 2,8 lần so với năm 1998; tỷ lệ bao phủ cấp nước đô thị đã đạt 73%. Tất cả các khu công nghiệp đều được cung cấp nước sạch theo đúng số lượng yêu cầu. Năm 1998, tỷ lệ thất thoát thất thu 42%, sau 10 năm toàn ngành kiên trì thực hiện Chương trình chống thất thoát, đến nay đã hạ mức thất thoát còn khoảng 30%. Đã có hơn 20 công ty cấp nước đưa được mức thất thoát xuống dưới 20%. Chương trình Quốc gia nước sạch và VSMT nông thôn đã được triển khai, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2010 đã có 85% số người dân nông thôn được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh, trong đó khoảng 37% được sử dụng nước máy; 60% số hộ gia đình nông thôn sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Các Tổng công ty, công ty tư vấn xây lắp chuyên ngành, các doanh nghiệp sản xuất cung ứng thiết bị chuyên ngành nước cũng có bước trưởng thành vượt bậc, đảm nhiệm được nhiều công việc, dần dần thay thế được nhà thầu quốc tế trong vai trò nhà thầu chính đối với các dự án cấp và thoát nước. Các đơn vị cấp và thoát nước đã chuyển đổi thành Công ty TNHH nhà nước một thành viên, tự chủ và tự chịu trách nhiệm về tài chính. Lĩnh vực thoát nước là loại hình doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công ích, nhưng nhiều đơn vị đã tiến hành cổ phần hóa (CPH) như: Công ty thoát nước và VSMT thị xã Sơn Tây, Cam Ranh; Công ty cổ phần Cấp nước Sơn La, Cấp nước Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Thọ, các công ty con kinh doanh cấp nước của Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO), Công ty cấp nước Minh Đức TP Hải Phòng, Xí nghiệp cấp nước Bảo Lộc (Công ty cấp nước Lâm Đồng)… không những tự chủ và tự chịu trách nhiệm về tài chính còn tích lũy vốn để đầu tư mở rộng sản xuất.
Xác định là một ngành sản xuất công nghiệp, do vậy việc điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty đã áp dụng khoa học quản lý hiện đại, nhiều công đoạn sản xuất đã được tự động hóa (như điều tiết áp lực cấp nước, lập hóa đơn thu tiền nước…); công nghệ tin học được sử dụng ở hầu hết các nội dung quản lý của công ty từ điều hành của ban giám đốc, phòng, ban chuyên môn, đến các phân xưởng… Ngoài hệ thống các nhà máy nước, trạm xử lý, hệ thống truyền dẫn và mạng đường ống cấp nước được đầu tư theo công nghệ tiên tiến hiện đại; văn phòng làm việc của công ty, phân xưởng được quy hoạch và xây dựng theo mô hình 'nhà máy – công viên'.
Trải qua 10 năm thực hiện Định hướng phát triển cấp nước và thoát nước của Chính phủ, mạng lưới thoát nước đô thị Việt Nam không ngừng phát triển và mở rộng. Hệ thống thoát nước của một số đô thị được đầu tư cải tạo, mở rộng, giảm ngập úng cục bộ, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường. Trong tổng số hơn 100 thành phố, thị xã đã có 32 đô thị có dự án đầu tư thoát nước và xử lý nước thải đã và đang thi công ở mức độ khác nhau với tổng mức đầu tư khoảng 32.000 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp thoát nước và vệ sinh môi trường ở đô thị loại IV đến đô thị loại đặc biệt đã chuyển mình vươn lên tạo được bước trưởng thành đáng phấn khởi, điển hình là Công ty thoát nước tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BUSADCO). Tuy mới được thành lập bảy năm, nhưng công ty đã phát huy nhiều sáng kiến, phát minh, sáng chế nhiều công nghệ mới như: Hệ thống tời nạo vét bùn rác thông cống thay cho sức người lao động làm thủ công vất vả trong môi trường bẩn thỉu, hôi thối, nâng cao năng suất lao động; sáng chế công nghệ chế tạo các hố ga ngăn mùi bằng bê-tông cốt thép thành mỏng, giá rẻ dễ thi công, tiết kiệm diện tích mặt bằng… thay thế các hố ga cũ ở thành phố Vũng Tàu, góp phần tạo nên cảnh quan môi trường cho thành phố du lịch, đặc biệt ngăn mùi hôi thối cho các tuyến đường, tạo sự phấn khởi cho nhân dân, được lãnh đạo thành phố Vũng Tàu đánh giá cao. BUSADCO đã đầu tư thêm ba nhà máy chế tạo bê-tông cốt thép thành mỏng ở Hà Nội, Nghệ An, Khánh Hòa và lập Chương trình đầu tư 10 nhà máy đúc sẵn theo công nghệ bê-tông cốt thép thành vỏ mỏng ở các vùng trong cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Những công trình nghiên cứu khoa học, phát minh, sáng chế kể trên được nhận nhiều giải thưởng Khoa học ở trong nước và quốc tế, được Bộ Khoa học và Công nghệ kiểm định và phát bằng 'Sáng tạo khoa học', công nhận BUSADCO là doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Đó là vinh dự và là hiện tượng rất hiếm đối với loại hình công ty làm nhiệm vụ thoát nước và vệ sinh môi trường.
Trong 10 năm qua đã có hàng trăm đề tài nghiên cứu đã hoàn thành; đặc biệt là sự góp sức rất ấn tượng vào thành tích nghiên cứu ứng dụng KHCN của khối sản xuất, kinh doanh. Đã xuất hiện nhiều công ty thành công trong việc ứng dụng tiến bộ KHCN trong sản xuất, đồng thời còn phát minh nhiều công nghệ mới được cấp Bằng Sáng tạo. Nhiều tập thể được nhận Giải thưởng VCOTEC, nhiều cá nhân được tôn vinh Doanh nhân Văn hóa.
Để ghi nhận những thành tích mà Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã đạt được, Nhà nước đã trao tặng: Huân chương Lao động hạng ba năm 2005; Huân chương Lao động hạng nhì năm 2010.
Những thách thức và con đường phía trước
Sau 10 năm thực hiện Định hướng phát triển Cấp nước và thoát nước, ngành nước và vệ sinh đã có nhiều tiến bộ vượt bậc. Bên cạnh đó, còn tồn tại một số hạn chế, chưa đáp ứng kịp với đòi hỏi của giai đoạn mới. Tỷ lệ bao phủ dịch vụ còn thấp: Cấp nước đô thị mới đạt được 73%, thoát nước mới đạt khoảng 60%. Còn khoảng gần 400 đô thị loại IV và V chưa có hệ thống cấp nước và thoát nước tập trung. Phần lớn nước thải chưa được xử lý trước khi xả ra môi trường, gây ô nhiễm. Toàn ngành cấp nước đô thị còn thất thoát tới 30% so với tổng lượng nước sạch được sản xuất. Chất lượng nước sạch còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt (chủ yếu là độ đục, clo dư, phèn, bùn cặn…). Hiện nay, mới có một đô thị (thành phố Huế) công bố các chỉ tiêu chất lượng nước an toàn (uống nước tại vòi) và năm đô thị khác đang hoàn tất chương trình sản xuất nước an toàn. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước của một bộ phận nhân dân, doanh nghiệp thậm chí cả một số cấp chính quyền còn hạn chế. Năng lực hoạt động, kinh nghiệm quản lý cấp thoát nước còn yếu kém, nhất là trong lĩnh vực thu gom xử lý nước thải. Khả năng đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư, đặc biệt đầu tư nâng cấp cải tạo và đầu tư mở rộng mạng đường ống không bảo đảm. Cơ chế, chính sách về giá nước sạch, phí thoát nước chưa được thực hiện nghiêm chỉnh ở nhiều địa phương.
Trong thời kỳ tới, lĩnh vực cấp thoát nước còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn. Cấp nước và thoát nước đang chịu nhiều áp lực ngày càng lớn do tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, phát triển đô thị và gia tăng dân số. Cung cấp nước sạch cho dân đô thị (chưa tính đến nông thôn), cho sản xuất công nghiệp và các đối tượng khác đang là một yêu cầu to lớn, là thách thức không nhỏ đối với ngành cấp thoát nước.
Để đáp ứng được yêu cầu, từ nay đến năm 2025, ngành nước phải phấn đấu, đáp ứng đầy đủ nước sạch cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, dịch vụ, cấp nước ổn định, bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng; bảo đảm 100% số dân đô thị được cấp nước máy, với tiêu chuẩn 120 lít/người/ngày; áp dụng các tiến bộ KHCN từng bước hiện đại hóa ngành nước tiến đến trình độ quản lý và vận hành theo kịp với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới; đẩy mạnh sản xuất thiết bị, phụ tùng, vật tư kỹ thuật trong nước thay thế nhập khẩu; tỷ lệ thất thoát thất thu dưới 15%… về thoát nước, hệ thống thoát nước phải được xây dựng đồng bộ, xóa bỏ tình trạng úng ngập tại các đô thị. Mở rộng tỷ lệ bao phủ thoát nước lên 80% diện tích đô thị. Hệ thống nước thải từ các nhà máy công nghiệp, các cơ sở dịch vụ phải được xử lý độc hại trước khi xả vào hệ thống chung. Hệ thống thoát nước phải được đầu tư đồng bộ, xây dựng mới và cải tạo nâng cấp phải phù hợp với khả năng chuyển tải nước mưa và nước thải theo dự báo của quy hoạch dài hạn. Công nghệ xử lý nước thải được lựa chọn phù hợp điều kiện tự nhiên, đặc điểm từng đô thị và điều kiện kinh tế. Thực hiện xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực để đầu tư. Thực hiện chính sách người gây ô nhiễm phải trả tiền. Xây dựng định mức thu phí thoát nước bảo đảm bù đắp chi phí quản lý, vận hành hệ thống thoát nước và một phần chi phí đầu tư. Toàn bộ nước thải bệnh viện, nước thải công nghiệp, làng nghề phải thu gom và xử lý, 80% nước thải đô thị được xử lý đạt tiêu chuẩn quy định trước khi xả ra môi trường. Tái sử dụng được 20 đến 30% nước thải cho nhu cầu tưới cây, rửa đường… Ưu tiên khai thác nguồn nước mặt, hạn chế khai thác nước ngầm một cách hợp lý. Xây dựng quy hoạch khai thác sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước. Chú trọng công tác bảo vệ đầu nguồn các dòng sông, giám sát chặt chẽ việc xả nước thải vào nguồn nước. Xã hội hóa ngành nước, cổ phần hóa các công ty cấp, thoát nước là những vấn đề trọng tâm cần được đề cao trong những năm tới. Đầu tư đồng bộ nhà máy nước với hệ thống mạng đường ống nhằm khai thác hết công suất thiết kế. Ưu tiên các dự án đầu tư chống thất thoát nước, đặc biệt các đô thị lớn đang còn tỷ lệ thất thoát hơn 35%. Giá tiêu thụ nước sạch và phí thoát nước phải tiếp tục được xử lý theo hướng bảo đảm cho các doanh nghiệp cấp và thoát nước hoạt động kinh doanh có hiệu quả và phát triển bền vững.
Theo Nhandan

Ý kiến ()