Chặng đường nhiều thách thức
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang có xu hướng giảm, bức tranh kinh tế châu Âu đã xuất hiện những gam màu sáng. Tuy nhiên, chặng đường đưa con tàu kinh tế khu vực trở lại quỹ đạo tăng trưởng bình thường vẫn còn nhiều thách thức.
Với những tiến triển trong quá trình triển khai chương trình tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, các quốc gia châu Âu đang từng bước dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa và mở cửa trở lại nền kinh tế. Tại cuộc họp diễn ra mới đây, các Bộ trưởng Tài chính Liên hiệp châu Âu (EU) đã bày tỏ lạc quan về khả năng phục hồi sau đại dịch của khu vực.
Chủ tịch Nhóm các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng ơ-rô (Eurogroup) P.Ðô-nô-hâu nhận định, quá trình phục hồi kinh tế đang diễn ra. Ủy ban châu Âu (EC) dự báo, khoảng giữa năm 2022, nền kinh tế 27 quốc gia thành viên EU sẽ đạt mức tăng trưởng như thời điểm trước đại dịch. Các nước Ðức và Pháp ghi nhận triển vọng lạc quan hơn, khi có thể lấy lại đà tăng trưởng vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, ông P.Ðô-nô-hâu cũng khẳng định, những thách thức châu Âu phải đối mặt trong thời gian tới vẫn còn rất lớn. Châu Âu là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch. Do lệnh phong tỏa kéo dài, các nền kinh tế trong khu vực rơi vào tình trạng khó khăn khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ, ngành du lịch bị tê liệt, nhiều doanh nghiệp rơi vào làn sóng phá sản… Mặc dù chính phủ các nước đã mạnh tay đưa ra nhiều gói cứu trợ khổng lồ, song các nền kinh tế khó tránh khỏi bị tác động nặng nề. Mặt khác, những “liều thuốc bổ” này cũng dẫn đến tác dụng phụ là khiến nợ công của các nước tăng cao chóng mặt. Vì vậy, những tổn thương lớn do đại dịch gây ra dự kiến sẽ khiến nền kinh tế khu vực khó có thể phục hồi trong ngắn hạn và tốc độ phục hồi của các nước sẽ không đồng đều.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, do tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng khả quan, nhiều nền kinh tế trong khu vực đang từng bước mở cửa trở lại. Theo EC, giấy chứng nhận kỹ thuật số về Covid-19 của EU sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7 tới, với hy vọng sẽ giúp ngành du lịch, vốn là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng của nhiều nước thành viên, phục hồi trong mùa hè năm nay. Bước đi này cho thấy nỗ lực của khối trong việc thúc đẩy du lịch nhằm cứu vãn ngành công nghiệp không khói đang lao đao vì đại dịch. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc khởi động lại ngành du lịch cần được triển khai thận trọng, nhằm tránh nguy cơ dịch bệnh lan rộng trở lại và kéo theo những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế.
Trước những thách thức đang phải đối mặt trong lộ trình phục hồi nền kinh tế một cách bền vững, nhiều nước châu Âu tiếp tục triển khai các biện pháp tiếp sức cho nền kinh tế. Mới đây, Chính phủ I-ta-li-a thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 40 tỷ ơ-rô, nhằm vực dậy nền kinh tế vốn đang lâm vào khó khăn của nước này. Trong gói tài chính này, khoảng 26 tỷ ơ-rô được dành để hỗ trợ về thuế và trợ cấp cho các doanh nghiệp cũng như những lao động bị ảnh hưởng nặng nề trước tình trạng suy thoái kinh tế ở “đất nước hình chiếc ủng”. Ngành du lịch của I-ta-li-a, vốn trải qua giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng do dịch bệnh, được hỗ trợ hơn ba tỷ ơ-rô. Tại Ðức, Hiệp hội Công nghiệp nước này cũng vừa đệ trình một kế hoạch 10 điểm lên chính phủ liên bang, trong đó đề xuất lộ trình đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường.
Đây lùi đại dịch song song với từng bước khôi phục nền kinh tế được đánh giá sẽ tiếp tục là thách thức lớn đối với EU trong thời gian tới. Giới phân tích hy vọng, với việc triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đạt kết quả khả quan và các biện pháp phong tỏa dần được nới lỏng, nền kinh tế khu vực sẽ sớm vượt qua những sóng gió do đại dịch gây ra.
Theo Nhandan
Ý kiến ()