Chặng đường mới không trải hoa hồng của tân Tổng thống Philippines
Mặc dù kết quả chính thức chỉ được công bố sau vài tuần nữa, song với số phiếu cách biệt không thể san lấp trên, ông Marcos Jr. gần như chắc chắn sẽ trở thành chủ nhân Điện Malacanang trong 6 năm tới.
Không nằm ngoài dự đoán, ứng cử viên Ferdinand Marcos Jr. đã vượt qua 9 đối thủ còn lại trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines diễn ra ngày 9/5 vừa qua với số phiếu áp đảo.
Kết quả kiểm khoảng 98% số phiếu cho thấy cựu Thượng nghị sỹ Ferdinand Marcos Jr giành hơn 30,75 triệu phiếu ủng hộ, gấp 2 lần số phiếu của ứng cử viên đứng thứ hai là Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo.
Mặc dù kết quả chính thức chỉ được công bố sau vài tuần nữa, song với số phiếu cách biệt không thể san lấp trên, ông Marcos Jr., con trai cố Tổng thống Ferdinand Marcos Sr, gần như chắc chắn sẽ trở thành chủ nhân Điện Malacanang trong 6 năm tới, bắt đầu một chặng đường mới được dự báo “không trải sẵn hoa hồng.”
Lý giải nguyên nhân chiến thắng của ứng cử viên Marcos Jr., giới quan sát cho rằng ông đã có chiến lược tranh cử khôn ngoan.
Rút kinh nghiệm từ thất bại trong cuộc đua phó tổng thống vào năm 2016, ông đã tìm cách củng cố và thu hút thêm sự ủng hộ bằng cách liên danh tranh cử với bà Sara Duterte-Carpio, Thị trưởng thành phố Davao, con gái Tổng thống sắp mãn nhiệm Rodrigo Duterte.
Trong cuộc đua chức danh phó tổng thống năm nay, bà Sara Duterte-Carpio cũng đã giành chiến thắng cách biệt với 31,4 triệu phiếu, bỏ xa hai ứng cử viên xếp sau là Thượng nghị sỹ Kiko Pangilinan và Chủ tịch Thượng viện Vicente “Tito” Sotto nhận được lần lượt 9,2 triệu và 8,1 triệu phiếu.
Ngoài ra, dù không tham gia các cuộc tranh luận hay trả lời phỏng vấn báo chí, chiến dịch tranh cử của ông đã kiên định hướng tới một thông điệp duy nhất, rõ ràng và đơn giản, đó là sự đoàn kết.
Nhà phân tích chính trị người Philippines Julio Teehankee khẳng định, sau những trải nghiệm mệt mỏi trong 2 năm đại dịch COVID-19, thông điệp hãy đoàn kết lại của ông đã “đánh trúng” tâm lý của người dân vốn mong mỏi sự thay đổi.
Ông Ronnie Holmes, Chủ tịch hãng thăm dò Pulse Asia cho rằng, thông điệp về sự đoàn kết đã giúp ông Marcos thể hiện mình là một ứng cử viên của sự thống nhất và không phân cực, từ đó thu hút thêm sự ủng hộ của đông đảo người dân.
Theo kế hoạch, tổng thống mới sẽ nhậm chức vào ngày 30/6 tới, với nhiệm vụ khó khăn là khôi phục nền kinh tế vốn suy giảm tới 9,6% năm 2020, mức tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai do chính sách đóng cửa và phong tỏa phòng chống COVID-19 khiến hàng triệu người mất việc làm.
Dù được dự báo là một trong những nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất khu vực Đông Nam Á trong năm nay, song Philippines cũng đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao, có nguy cơ tác động tới các hộ gia đình có thu nhập giảm do đại dịch.
Ngoài ra, giới phân tích nhận định, chính quyền mới của ông Marcos Jr sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức liên quan tình trạng nghèo đói kéo dài, tỷ lệ thất nghiệp cao, gia tăng bất bình đẳng và sự chia rẽ chính trị sâu sắc.
Chuyên gia Anna Malindog-uy của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Philippine-BRICS cho rằng việc ứng phó với đại dịch COVID-19 vẫn một trong những thách thức lớn nhất với chính quyền mới. Dù số ca mắc mới không còn cao như trước, song đại dịch vẫn chưa chấm dứt.
Điều quan trọng hơn cả là làm sao phục hồi sau sự tàn phá kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19. Bên cạnh việc phục hồi kinh tế, một thách thức nữa là nạn đói nghèo.
Chính quyền mới cần tìm ra cách thức để xóa đói giảm nghèo, cũng như tìm cách giúp đỡ những người đang ở trong và dưới mức nghèo và hỗ trợ họ vượt qua khó khăn.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), 1/4 dân số Philippines sống trong cảnh nghèo đói, và con số này có thể tăng vọt khi giá lương thực tăng.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Marcos đã cam kết ưu tiên phục hồi kinh tế sau đại dịch. Dù không nêu nhiều chi tiết về các chính sách của mình, song ông Marcos được cho là sẽ tiếp nối các chính sách của Tổng thống Rodrigo Duterte, bao gồm đẩy mạnh các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng.
Trong 6 năm cầm quyền của ông Duterte, đường sắt và tàu điện ngầm đã được xây dựng theo chương trình phát triển cơ sở hạ tầng có tên là “Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng,” vốn tăng gấp đôi chi tiêu cho cơ sở hạ tầng lên tới 20 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, một số dự án đang bị chậm tiến độ.
Theo các chuyên gia của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s, chính quyền mới sẽ phải tăng doanh thu để tiếp tục phát triển chương trình này mà không làm cạn kiệt ngân sách, cũng như phải thu hẹp thâm hụt tài chính và ổn định nợ.
Bên cạnh đó, ông Marcos cũng cam kết tạo ra nhiều việc làm, giải quyết tình trạng phí sinh hoạt tăng cao và giảm giá điện, đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực nông nghiệp và cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo và giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông tại thủ đô Manila.
Về chính sách đối ngoại, ông Marcos Jr. đã tuyên bố sẽ không thay đổi lộ trình chính sách đối ngoại đáng kể nếu chiến thắng, về cơ bản sẽ tiếp tục các chính sách của Tổng thống Duterte.
Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực ngày càng quyết liệt, nhiều nhà phân tích cho rằng cuộc bầu cử lần này có thể là cơ hội để Philippines thiết lập lại cũng như cân bằng mối quan hệ với cả hai cường quốc.
Quan hệ giữa Philippines với Mỹ đã trở nên căng thẳng dưới thời Tổng thống Duterte, khi ông hủy bỏ rồi lại khôi phục thỏa thuận quân sự Các lực lượng thăm viếng (VFA) quy định sự hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc gia Đông Nam Á.
Về phần mình, ông Marcos Jr đã cam kết duy trì liên minh với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến hồi đầu năm 2022, ông Marcos đã khẳng định liên minh Philippines-Mỹ là “một mối quan hệ đặc biệt,” và Mỹ “có thể làm nhiều điều” để hỗ trợ Philippines.
Nhà nghiên cứu tại Viện Brookings, ông Andrew Yeo, nhận định mối quan hệ với Mỹ khó có khả năng xấu đi dưới thời ông Marcos Jr và quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines sẽ được làm sâu sắc hơn.
Ngoài ra, ông Marcos Jr. cam kết sẽ tiếp tục các chính sách của Tổng thống đương nhiệm Rodrigo Duterte với Trung Quốc.
Đồng thời, ông Marcos cũng cho biết có kế hoạch đàm phán một thỏa thuận với Trung Quốc để giải quyếtcnhững tranh chấp kéo dài ở Biển Đông.
Chuyên gia Anna Malindog-uy đánh giá về chính sách đối ngoại, chính quyền mới sẽ phải đưa đất nước Philippines vào vị thế độc lập hơn, có thể tự đưa ra quyết định mà không cần phải cân nhắc sẽ nghiêng về cường quốc này hay cường quốc khác.
Tuy nhiên, bà cũng cho rằng chính quyền mới nên làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, bởi điều quan trọng nhất hiện nay đối với quốc gia Đông Nam Á là phát triển kinh tế. Trung Quốc hiện đối tác thương mại lớn nhất của Philippines, do đó mối quan hệ tốt với Trung Quốc là rất quan trọng.
Nhiều người dân đã bỏ phiếu ủng hộ ông Marcos Jr với hy vọng tân tổng thống sẽ có một hướng đi mới để Philippines hồi phục và vươn lên trở lại, như khẩu hiệu vận động tranh cử của ông: “Cùng nhau chúng ta sẽ vươn lên lần nữa.”
Chiến thắng của ứng cử viên Ferdinand Marcos Jr, mà người phát ngôn của ông tuyên bố là “chiến thắng cho tất cả người dân Philippines,” đánh dấu một khởi đầu mới, trong đó nhà lãnh đạo cam kết sẽ trở thành tổng thống của tất cả người dân, tìm kiếm điểm chung giữa những chia rẽ chính trị và cùng nhau đoàn kết đất nước để vượt qua những thách thức phía trước./.
Ý kiến ()