Chặng đường 70 năm vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển
Tọa đàm về thúc đẩy hợp tác giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Ấn Ðộ do Hội hữu nghị Việt Nam – Ấn Ðộ tổ chức.
Ngày 3-12-2008, Ban Bí thư T.Ư Ðảng khóa X đã quyết định lấy ngày 17-11-1950 là Ngày Truyền thống của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Liên hiệp Hữu nghị). Trong 70 năm qua, Liên hiệp Hữu nghị và các tổ chức thành viên cùng các lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân của cả nước đã có những đóng góp to lớn trong việc huy động nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và trong công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, góp phần củng cố hòa bình, tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo cách mạng tiền bối đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại nhân dân, để củng cố, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ quốc tế đối với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta. Trong những năm tháng khó khăn gian khổ của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hoạt động ngoại giao của các đoàn thể nhân dân là vũ khí sắc bén và hiệu quả, vừa huy động đoàn kết quốc tế ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, vừa thể hiện tình đoàn kết của nhân dân Việt Nam với nhân dân bị áp bức trên thế giới. Ngày 19-11-1950, Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam tổ chức đối ngoại nhân dân đa phương đầu tiên của Việt Nam, tiền thân của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã được thành lập tại chiến khu Việt Bắc, với Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chủ tịch danh dự. Ðây là dấu mốc quan trọng gắn kết cách mạng Việt Nam với phong trào tiến bộ của nhân dân thế giới.
Trong những năm sau đó, các hội hữu nghị giữa Việt Nam với nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, các tổ chức hữu nghị với Lào, Cam-pu-chia, Cu-ba, Pháp và hàng trăm tổ chức đoàn kết với Việt Nam tại I-ta-li-a, Thụy Ðiển, Ðan Mạch… lần lượt ra đời. Ðối ngoại nhân dân đã làm rõ bản chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân, đế quốc và cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân ta vì hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất đất nước, góp phần hình thành mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết, ủng hộ Việt Nam vô cùng mạnh mẽ.
Sau khi đất nước thống nhất, các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị tích cực “đi trước mở đường”, phá thế bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ, tăng cường tình hữu nghị với nhân dân các nước, huy động sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với nhân dân Việt Nam. Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, đối ngoại nhân dân góp phần quan trọng thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế. Ðặc biệt, Liên hiệp Hữu nghị đã phối hợp các tổ chức nhân dân các nước triển khai nhiều hoạt động hòa bình, thiện nguyện, hỗ trợ Việt Nam.
Kể từ khi tách ra từ Ban Ðối ngoại T.Ư Ðảng thành một tổ chức chính trị – xã hội chuyên trách về đối ngoại nhân dân vào tháng 1-1992, Liên hiệp Hữu nghị từng bước trưởng thành và phát triển, trở thành một hệ thống vững mạnh với 116 tổ chức thành viên, gồm 64 tổ chức hữu nghị ở Trung ương và 52 Liên hiệp hữu nghị địa phương. Liên hiệp Hữu nghị đã thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 1.000 tổ chức quốc gia, khu vực, quốc tế; hằng năm tổ chức hàng nghìn hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị.
Hoạt động của Liên hiệp Hữu nghị tại các diễn đàn nhân dân đa phương khu vực và quốc tế, nhất là Diễn đàn nhân dân ASEAN (APF), Diễn đàn nhân dân Á – Âu (AEPF), tại các cơ chế của Liên hợp quốc và ASEAN… đã khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với những nỗ lực của Việt Nam trong xây dựng đất nước và củng cố hòa bình, thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương, hội nhập, hợp tác và phát triển. Trước những diễn biến phức tạp và tình hình căng thẳng ở Biển Ðông, nhiều bạn bè, đối tác quốc tế đã lên tiếng ủng hộ lập trường của Việt Nam giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Liên hiệp Hữu nghị đã triển khai hiệu quả công tác vận động viện trợ và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế đã đưa đất nước ta bước sang giai đoạn phát triển mới, với thế và lực mới, vai trò, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Hệ thống tổ chức, đội ngũ cán bộ đối ngoại nhân dân ngày càng lớn mạnh và trưởng thành. Liên hiệp Hữu nghị có mạng lưới bạn bè quốc tế gắn bó với Việt Nam, được bạn bè quốc tế tin tưởng và đánh giá cao.
Liên hiệp Hữu nghị đang tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 19-9-2019 của Ban Bí thư T.Ư Ðảng về tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong tình hình mới, bám sát phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, tập trung vào các trọng tâm sau:
Một là, nỗ lực củng cố và mở rộng mạng lưới bạn bè quốc tế, thúc đẩy quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước, nhất là các nước láng giềng, các nước ASEAN, các nước đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đi vào chiều sâu, thực chất, đáp ứng đúng các yêu cầu, mục tiêu phát triển của đất nước. Phát huy thế mạnh đặc thù của đối ngoại nhân dân, hỗ trợ hiệu quả cho đối ngoại Ðảng và ngoại giao Nhà nước, nhất là trong việc xử lý những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, bảo vệ lợi ích an ninh và phát triển của đất nước.
Hai là, phát huy vai trò của các tổ chức nhân dân Việt Nam tại các diễn đàn nhân dân đa phương khu vực và quốc tế, thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế và tăng cường hợp tác nhân dân trong các lĩnh vực hòa bình, an ninh, nhất là bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, sức khỏe và an ninh con người, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh mạng…, góp phần vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm giữ vững hòa bình và phát triển bền vững.
Ba là, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức nhân dân, thu hút sự tham gia của các lực lượng trong xã hội và kiều bào ta ở nước ngoài vào các hoạt động đối ngoại nhân dân. Xây dựng hệ thống Liên hiệp Hữu nghị vững mạnh với đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân có bản lĩnh vững vàng, tâm huyết, gắn bó, có chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.
Trên nền tảng những thành tựu trong 70 năm qua, Liên hiệp Hữu nghị sẽ phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, xứng đáng với vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác đối ngoại nhân dân, tiếp tục vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân thế giới, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên thế giới và góp phần vào nỗ lực chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.
Ý kiến ()