Đài Tiếng nói nước Nga nhận định, khối ASEAN gồm mười quốc gia phát triển năng động, với tổng số dân gần 600 triệu người và GDP khoảng 1,5 nghìn tỷ USD, đang trở thành một đối thủ hùng mạnh trên vũ đài quốc tế và là đối tác quan trọng của Nga. Nhìn lại 15 năm qua, kể từ khi Nga trở thành Đối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN vào năm 2006, mối quan hệ giữa Nga và ASEAN phát triển ngày càng đi vào chiều sâu và mở rộng theo nhiều hướng. Giữa Nga và ASEAN chưa bao giờ xảy ra chiến tranh hay xung đột. Nga tôn trọng chủ quyền và không can thiệp công việc nội bộ các nước ASEAN, cũng như phản đối mọi hành động gây phức tạp tình hình tại khu vực Đông – Nam Á, trong đó có các vấn đề nhạy cảm, như tranh chấp lãnh thổ, nhân quyền, tôn giáo… Bộ trưởng Ngoại giao Nga X.La-vrốp từng khẳng định, Nga không đặt mình trước nhiệm vụ bảo vệ các biên giới phía nam, bằng cách làm suy yếu an ninh của các nước khác. Nga không có kế hoạch gây dựng lại những căn cứ quân sự hay cạnh tranh tầm ảnh hưởng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nỗ lực của Nga trong củng cố và phát triển hợp tác với ASEAN, kể cả trong lĩnh vực an ninh, không nhằm chống lại nước thứ ba.
Chương trình hành động tổng hợp nhằm phát triển hợp tác giữa Nga và ASEAN đã được thông qua tại Hội nghị cấp cao đầu tiên Nga – ASEAN ở Cu-a-la Lăm-pơ (Ma-lai-xi-a) năm 2005. Năm 2010, Nga và ASEAN xích lại gần nhau hơn, sau khi Hội nghị cấp cao ASEAN – Nga lần thứ hai được tổ chức thành công tại Hà Nội, tháng 10-2010. Ngoài lĩnh vực chính trị, hai bên cũng chú trọng mở rộng hợp tác và đạt những bước tiến đáng khích lệ trong nhiều lĩnh vực khác, trong đó nổi bật là công nghệ cao. Phải kể đến những thành tựu, như việc đưa nhà du hành đầu tiên của Ma-lai-xi-a lên vũ trụ, thỏa thuận về xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Đông – Nam Á tại Việt Nam, hợp tác chế tạo các thiết bị vũ trụ cho các nước ASEAN và phóng từ sân bay vũ trụ của Nga… Hai bên cũng gia tăng các hợp đồng mua bán kỹ thuật quân sự, tích cực phát triển trao đổi du lịch.
Tuy nhiên, Đài Tiếng nói nước Nga dẫn nhận định của giới chuyên gia Nga cho rằng, về mặt chính trị quan hệ Nga – ASEAN tiến triển thuận lợi, nhưng lĩnh vực kinh tế chưa theo kịp. Theo học giả V.Xum-xki, lãnh đạo Trung tâm ASEAN thuộc Đại học Quan hệ quốc tế Mát-xcơ-va (MGIMO), hợp tác giữa Nga với ASEAN về kinh tế có phần tụt hậu so các đối tác khác của Hiệp hội. Mặc dù từ năm 1996, tổng kim ngạch thương mại của Nga với các nước ASEAN tăng gần bốn lần và hiện đạt hơn 12 tỷ USD, nhưng con số này vẫn không đáng kể nếu so với các chỉ số thương mại giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ hay Liên hiệp châu Âu (EU). Kim ngạch thương mại giữa ASEAN với Nga chỉ chiếm 0,5% tổng kim ngạch ngoại thương của Hiệp hội. Trong khi đó, kim ngạch thương mại song phương giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2010, sau khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2010, đã lên tới 300 tỷ USD.
Triển vọng hợp tác giữa Nga và ASEAN là rất lớn. Học giả V.Xum-xki cho rằng, hai bên cần tiếp tục bổ sung cho sự hiểu biết lẫn nhau về chính trị bằng hợp tác mạnh mẽ hơn nữa về kinh tế. Theo nhà nghiên cứu này, Nga đang có không ít các cơ sở công nghệ cao đủ khả năng đề xuất các dự án hợp tác mà các nước ASEAN quan tâm. Yếu tố cản trở hợp tác ở đây là thông tin hạn chế về thị trường của nhau, thiếu các hồ sơ nghiên cứu, khảo sát và nhất là sự nghèo nàn về dịch vụ tài chính qua lại giữa các ngân hàng của hai bên.
Đại sứ Nga tại In-đô-nê-xi-a A.I-va-nốp nhấn mạnh, ASEAN là một thị trường khổng lồ và phát triển năng động. Trong điều kiện khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nền kinh tế ASEAN vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Nga có lợi ích chiến lược ở khu vực này, trong bối cảnh đang diễn ra các quá trình liên kết mới trong không gian rộng lớn châu Á – Thái Bình Dương. Năng lượng và thương mại là những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng để hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác. Các kế hoạch phát triển vùng Viễn Đông của Nga đang góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Nga với các nước trong khu vực Đông – Nam Á.
Ý kiến ()