Chặng cuối nhiều chông gai của dự án mở rộng quốc lộ 1
Hiện nay, nỗi lo về mặt bằng dự án mở rộng quốc lộ (QL) 1 đã cơ bản được giải tỏa. Công trình trọng điểm của ngành giao thông đang được triển khai đồng loạt trên toàn tuyến, từ Thanh Hóa đến Cần Thơ. Bước vào mùa cao điểm thi công, tiến độ và chất lượng công trình trở thành vấn đề "tiêu điểm", nhất là trong bối cảnh nhiều đoạn vừa làm xong đã xuất hiện vệt hằn lún. Theo kế hoạch, phần lớn các dự án hoàn thành cuối năm nay và trong năm 2015. Chặng về đích của con đường còn không ít thử thách, chông gai.
“Ðau đầu” với hằn lún
Hiện tượng hằn lún mặt đường theo vệt bánh xe xuất hiện với tần suất dày đặc tại nhiều đoạn, tuyến trên phạm vi cả nước khiến các chuyên gia ngành giao thông vận tải (GTVT) “đau đầu” vì chưa xác định được nguyên nhân cũng như giải pháp xử lý triệt để. Dự án nâng cấp, mở rộng QL 1 được ngành phấn đấu để trở thành dự án kiểu mẫu, không xảy ra khiếm khuyết về chất lượng. Tuy nhiên, đoạn tuyến tránh TP Vinh và đoạn nam cầu Bến Thủy – TP Hà Tĩnh do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông (Cienco) 4 làm chủ đầu tư được coi là mẫu mực của ngành cũng xuất hiện hằn lún mặt đường ngay sau khi khai thác một thời gian.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng GTVT, yêu cầu khắc phục, xử lý triệt để hiện tượng này, Cienco 4 đã khẩn trương điều động các đơn vị thi công có năng lực, tiến hành cào bóc và thảm lại bằng nhựa pô-li-me có bổ sung phụ gia. Tổng Giám đốc Cienco 4 Lê Ngọc Hoa cho biết: Ngày 31-7, Cienco 4 đã hoàn thành việc khắc phục các vị trí bị hằn lún thuộc dự án đoạn nam cầu Bến Thủy – TP Hà Tĩnh. Ðợt xử lý này, Cienco 4 đã thảm lại tổng cộng gần 34 nghìn m2 mặt đường; trong đó có hơn 31.300 m2 bằng nhựa pô-li-me, hơn 2.500 m2 bê-tông nhựa thí điểm bổ sung phụ gia. Ngay sau đó, Cienco 4 cào bóc và thảm lại các điểm bị hằn lún thuộc dự án tuyến tránh TP Vinh, dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 15-8.
Ði khảo sát thực tế dọc tuyến QL 1, chúng tôi nhận thấy các đơn vị thi công đang căng mình huy động cao độ thiết bị máy móc, nhân lực; kiểm tra ngặt nghèo về tiêu chuẩn vật liệu trước khi thi công. Ðoạn tuyến QL 1 từ TP Hà Tĩnh đến huyện Kỳ Anh, đã hoàn thành phần nền đường, đang bước vào giai đoạn thảm bê-tông nhựa. Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án An toàn giao thông (ATGT) Lê Văn Dương, đại diện chủ đầu tư dự án thành phần 2 cho biết, để kiểm soát hằn lún, Ban đã yêu cầu tư vấn giám sát, nhà thầu phải quản lý chặt các yếu tố đầu vào theo đúng quy trình, quy phạm, từ vật liệu, nhựa đường đến hoạt động của trạm trộn. Thiết kế thành phần bê-tông nhựa phải được thử nghiệm, đạt tiêu chuẩn mới thảm đại trà. Ðồng thời, yêu cầu tư vấn giám sát là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình giao thông 2 (Tecco 2) thay thế tư vấn trưởng của dự án bằng người có kinh nghiệm về bê-tông nhựa. Tuy nhiên, hiện tượng hằn lún mặt đường vẫn xảy ra cục bộ tại một số đoạn, tuyến.
Trước cửa hầm đường bộ qua đèo Ngang (thuộc địa phận tỉnh Hà Tĩnh), các vệt hằn lún tạo thành gồ “sống trâu”, gây nguy cơ mất ATGT cho phương tiện qua lại nhưng nhà đầu tư không chịu khắc phục. Bộ GTVT đã buộc nhà đầu tư BOT (Tổng công ty Sông Ðà) dừng thu phí để sửa chữa, khi hoàn thành mới được tiếp tục thu phí trở lại. Cách đó không xa, tại tuyến tránh TP Huế (Thừa Thiên – Huế), từ vài tháng nay bắt đầu xuất hiện hằn lún. Bộ GTVT đã nghiêm khắc phê bình chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu không hoàn thành nhiệm vụ, yêu cầu hoàn thành sửa chữa ngay trong tháng 7. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần 471 Vương Ðình Ngũ, đơn vị thi công dự án cho biết, đoạn tuyến này đã được sử dụng từ cuối năm 2012, vào mùa hè, khi nhiệt độ tăng cao, nhiều đoạn xuất hiện hằn lún. Ðơn vị đã cào bóc, thảm lại mặt đường và hoàn thành việc khắc phục theo chỉ đạo của Bộ GTVT.
Gỡ khó, đẩy tiến độ
Tiến độ của các dự án mở rộng QL 1 đang được kiểm soát gắt gao, nhất là với mặt bằng và năng lực thi công của nhà thầu. Dự án thành phần 2 đoạn Hà Tĩnh – Kỳ Anh đặt mục tiêu thông xe kỹ thuật vào tháng 10 tới đây. Do thời gian còn lại không nhiều, nhà thầu phải thi công ba ca liên tục, lắp đặt thêm một trạm trộn bê-tông nhựa để đáp ứng đủ việc thảm mặt đường. Tại dự án BOT qua tỉnh Quảng Bình do Công ty TNHH một thành viên Tasco Quảng Bình là nhà đầu tư, vị trí “xương” nhất là đoạn qua đèo Lý Hòa, có địa hình khá hiểm trở, bán kính đường cong lớn. Giám đốc dự án Hoàng Hà Phương cho biết: Tasco đã đề xuất mở hướng tuyến đèo Lý Hòa mới, giảm chiều dài 300 m, tuyến rất thẳng và đẹp, xóa được điểm đen về tai nạn giao thông. Ðồng thời, giảm được chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB), và chi phí xây dựng vì không phải làm cầu Nam Ðèo. Tiến độ dự án theo hợp đồng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015, Tasco phấn đấu rút ngắn thời gian thi công, hoàn thành cuối tháng 4-2015.
Thi công mở rộng quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Quảng Trị.
Tại một số đoạn, tuyến, vẫn còn vướng mắc về khâu GPMB, một số nhà thầu năng lực yếu. Bộ GTVT đã yêu cầu các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương, gấp rút bàn giao mặt bằng sạch, chủ động thay thế những nhà thầu yếu, không để dự án “lụt” tiến độ. Dự án BOT xây dựng hầm đường bộ Phú Gia – Phước Tượng (Thừa Thiên – Huế), mặc dù đã khởi công hơn một năm, nhưng tiến độ rất ì ạch. Công ty TNHH Hưng Phát, nhà đầu tư BOT, tỏ ra yếu kém về năng lực tài chính, thiếu vốn, chậm tạm ứng cho nhà thầu. Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô (Bộ Quốc phòng), nhà thầu thi công hầm, hiện mới được tạm ứng 8% giá trị hợp đồng. Ðến cuối tháng 7, công trường thi công hầm vẫn chỉ lèo tèo vài thiết bị máy móc, nhà đầu tư không đủ tiền để GPMB. Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc Nguyễn Thanh Hà cho biết, kinh phí 17 tỷ đồng GPMB chưa được nhà đầu tư chuyển cho địa phương nên chưa phê duyệt được phương án đền bù. Bộ GTVT đã ra “tối hậu thư” cho nhà đầu tư, nếu không thể hiện được năng lực tài chính, Bộ sẽ thay thế, không chấp nhận các nhà đầu tư thiếu năng lực vẫn tham gia, làm chậm tiến độ công trình.
Từ thực tế thi công và kiểm nghiệm qua một số đoạn trên tuyến đã hoàn thành thảm nhựa, một số nhà thầu đề xuất với lãnh đạo Bộ GTVT cho áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật riêng để chống hằn lún. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải Nguyễn Viết Hải, nhà thầu thi công dự án mở rộng QL 1 qua tỉnh Quảng Bình (do Sở GTVT Quảng Bình làm chủ đầu tư) cam kết, các gói thầu do Sơn Hải thi công sẽ bảo hành trong 5 năm không bị hằn lún. Ðơn vị đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng cho dây chuyền thi công từ lu đặc chủng, trạm trộn bê-tông đến máy thảm hiện đại, công suất lớn. Lãnh đạo Bộ GTVT đồng ý cho phép nhà thầu, nhà đầu tư tự điều chỉnh vật liệu mới, kết cấu mới, cam kết bảo hành công trình trong thời gian 5 năm và không làm tăng chi phí dự án. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng sẽ thẩm tra khả năng chịu lực của kết cấu và giám sát theo phương án được đề xuất. Ngoài ra, đối với tất cả các dự án trên tuyến, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu nâng thời gian bảo hành công trình từ một năm lên hai năm để nhà thầu, chủ đầu tư có trách nhiệm hơn.
Dự án mở rộng QL 1, với đặc thù vừa thi công vừa khai thác, lượng phương tiện vận tải và thi công tăng cao trong khi mặt đường bị thu hẹp, đã khiến cuộc sống, sinh hoạt của người dân sống hai bên đường bị đảo lộn, đồng thời gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Dọc tuyến, nhiều hộ dân buộc phải bắc cầu tạm để lấy lối đi vào nhà. Chính vì vậy, chủ đầu tư, nhà thầu cần nâng cao trách nhiệm của mình trong việc thi công bảo đảm chất lượng, tiến độ, cũng như thực hiện tốt các phương án bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh mặt đường, tránh để đá sỏi rơi vãi. Ngành giao thông kiên quyết không chấp nhận những chủ đầu tư, nhà thầu yếu kém nhưng vẫn xin tham gia rồi triển khai ì ạch. Con đường huyết mạch dọc chiều dài đất nước với bốn làn xe rộng rãi, êm thuận đang từng ngày thành hình, ngoài sự cố gắng của ngành giao thông, còn có sự chia sẻ, góp sức thầm lặng của hàng vạn người dân sống chung quanh con đường.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()