Chăn nuôi vịt thương phẩm: Mô hình kinh tế hiệu quả ở Tràng Định
– Những năm qua, người dân trên địa bàn huyện Tràng Định đã mạnh dạn đầu tư, phát triển chăn nuôi vịt thương phẩm. Mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân nâng cao thu nhập và góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi của huyện phát triển.
Người dân xã Đại Đồng, huyện Tràng Định chăm sóc đàn vịt
Là một trong những người tiên phong phát triển mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm trên địa bàn huyện Tràng Định, ông Nguyễn Văn Hội, thôn Phiêng Luông, xã Đại Đồng cho biết: Trước đây, tôi chủ yếu chăn nuôi vịt để làm nguồn thực phẩm cho gia đình với số lượng nhỏ lẻ. Đến năm 2008, nhận thấy nhu cầu của thị trường, gia đình tôi đã chủ động đầu tư hơn 100 con vịt giống để chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Trong quá trình phát triển mô hình, tôi chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật, lựa chọn giống vịt phù hợp và tăng đàn theo từng năm. Hiện nay, gia đình nuôi duy trì đàn vịt trên 500 con (chủ yếu là vịt bầu biển). Trung bình mỗi tháng, từ bán vịt thịt, gia đình thu về trên 30 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Cùng với gia đình ông Hội, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đại Đồng đã phát triển mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm. Ông Nông Ngọc Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đồng cho biết: Hiện nay, tổng đàn vịt của xã đạt trên 52.000 con với 258 hộ chăn nuôi vịt thương phẩm. Hộ nuôi ít thì từ 30 đến 50 con/lứa; hộ nuôi nhiều thì từ 100 đến 2.000 con/lứa, mỗi năm thu nhập từ 150 đến 600 triệu đồng/hộ. Để phong trào chăn nuôi phát triển ổn định, hằng năm, chính quyền xã phối hợp với phòng chuyên môn của huyện tổ chức 2 – 3 lớp tập huấn lồng ghép về kỹ thuật chăn nuôi cho người dân. Qua đó, giúp người dân có thêm kiến thức về cách chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo hiệu quả chăn nuôi.
Không chỉ riêng xã Đại Đồng, mô hình còn phát triển mạnh ở nhiều xã, thị trấn khác như: Đề Thám, Hùng Sơn, thị trấn Thất Khê… Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tràng Định, trung bình mỗi năm, tổng đàn vịt của huyện luôn đạt trên 160.000 con. Hiện nay, toàn huyện có hơn 80 hộ phát triển chăn nuôi vịt thương phẩm với quy mô lớn từ 500 con trở lên/lứa, thu nhập đạt 360 đến 600 triệu đồng/năm.
Để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển mô hình, hằng năm, các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp tổ chức các lớp tập huấn lồng ghép về kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc vịt cho người dân. Tính từ năm 2020 đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp với UBND các xã trên địa bàn huyện tổ chức được 15 lớp với khoảng 600 lượt người tham gia.
Đặc biệt, để người dân có thêm hướng phát triển mới, tăng hiệu quả chăn nuôi và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, tháng 8/2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tràng Định hỗ trợ 2.000 con vịt giống Super cho 2 hộ dân trên địa bàn xã Đại Đồng. Theo đó, khi tham gia mô hình, các hộ chăn nuôi được hỗ trợ 100% giống, 70% thức ăn công nghiệp, men vi sinh xử lý chuồng trại và thuốc thú y; đồng thời được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi vịt an toàn sinh học như: cách xây dựng chuồng trại đảm bảo khoảng cách theo quy định, cách ghi chép nhật ký theo dõi hằng ngày… Qua hơn 1 tháng chăm sóc, hiện nay, đàn vịt đều sinh trưởng, phát triển tốt.
Bà Nông Thị Kim Oanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tràng Định cho biết: Để mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả cao và có hướng phát triển ổn định, trong thời gian tới, phòng tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho người dân; hỗ trợ con giống; triển khai các biện pháp phòng trừ dịch bệnh hiệu quả; tuyên truyền bà con áp dụng phương pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tuyên truyền, khuyến khích các hộ thành lập tổ chăn nuôi, hợp tác xã hướng đến xây dựng được chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm nhằm ổn định đầu ra, tạo tâm lý yên tâm cho bà con phát triển chăn nuôi.
Với sự quan tâm, định hướng của các cấp, ngành và sự chủ động của người dân, mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm trên địa bàn huyện Tràng Định đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Ý kiến ()