Chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại: Triển vọng phát triển kinh tế bền vững ở Bắc Sơn
(LSO) – Những năm gần đây, người chăn nuôi trên địa bàn huyện Bắc Sơn đã mạnh dạn đầu tư phát triển theo hướng tập trung, quy mô trang trại, gia trại. Từ đó, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, hạn chế rủi ro do dịch bệnh mà còn góp phần thúc đẩy chăn nuôi của huyện phát triển theo hướng bền vững.
Nhiều năm trước, gia đình ông Dương Thế Anh, xã Long Đống chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp. Từ năm 2019, gia đình ông đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà với tổng diện tích hơn 1.000 m2, được lắp đặt hệ thống làm mát, máng ăn tự động và xử lý chất thải… Trong quá trình chăn nuôi, gia đình ông liên kết với Công ty Japfa Comfeed Việt Nam. Từ năm 2019 đến nay, ông đã nuôi được 4 lứa gà, mỗi lứa từ 25.000 đến 28.000 con, thu lãi trên 800 triệu đồng. Ông Dương Thế Anh cho biết: “Với phương thức chăn nuôi này, tôi chỉ cần đầu tư chuồng trại, công chăm sóc; công ty đầu tư con giống, thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh và ký hợp đồng thu mua toàn bộ số gà. Như vậy, tôi giảm được chi phí đầu tư, hạn chế rủi ro về thị trường tiêu thụ, thu nhập lại cao”.
Mô hình chăn nuôi thỏ thương phẩm của hộ dân thị trấn Bắc Sơn
Cũng đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại nhưng gia đình anh Nguyễn Văn Hiệu, thị trấn Bắc Sơn lại lựa chọn chăn nuôi thỏ thương phẩm. Trước đây gia đình anh chỉ nuôi khoảng 10 nái thỏ và bán lẻ ngoài chợ, từ cuối năm 2018, nhận thấy chăn nuôi nhỏ lẻ không đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh Hiệu đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi thỏ với quy mô trên 2.000 con. Về đầu ra cho thỏ thương phẩm, gia đình anh đã có những địa chỉ thu mua cụ thể tại các tỉnh: Nam Định, Thái Bình, thành phố Hà Nội… Trung bình mỗi tháng, anh xuất bán từ 4 đến 5 tạ thỏ, trừ chi phí thu nhập được trên 20 triệu đồng.
Được biết, việc phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô trang trại, gia trại bắt đầu xuất hiện ở huyện Bắc Sơn trong khoảng 3 năm gần đây. Vào năm 2017, toàn huyện chỉ có 1 – 2 mô hình chăn nuôi lớn. Đến nay, toàn huyện có trên 20 hộ đầu tư và mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại với thu nhập từ 300 đến 800 triệu đồng/năm. Cụ thể, các mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại của huyện gồm: nuôi gà với số lượng từ 1 đến 2 vạn con/lứa; nuôi lợn trên 1.000 con/lứa; mô hình nuôi thỏ với số lượng trên 1.000 con… Ngoài ra, hiện nay, trên địa bàn huyện có một số hộ phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung tạo ra sản lượng lớn như mô hình nuôi trâu nhốt chuồng, mô hình nuôi gà, thỏ, dê…
Ông Vy Đình Thiện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn cho biết: Việc phát triển chăn nuôi tập trung không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với chăn nuôi nhỏ lẻ mà còn giúp người chăn nuôi hạn chế dịch bệnh, tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất và chất lượng được nâng cao. Không những thế còn giúp các hộ dân có điều kiện liên kết với các công ty, hợp tác xã để hỗ trợ, tạo điều kiện trong sản xuất và chủ động về đầu ra cho sản phẩm. Để góp phần giúp người dân trên địa bàn huyện phát triển các mô hình chăn nuôi, ngoài sự chủ động của người dân, các cấp, ngành chức năng ở huyện đã có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích như: tạo điều kiện cho người dân vay vốn; quan tâm đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật (mỗi năm tổ chức khoảng 20 lớp); tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết đầu tư phát triển chăn nuôi bền vững…
Trong sản xuất nông nghiệp của huyện Bắc Sơn, chăn nuôi chiếm tỉ trọng tương đối lớn. Thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền huyện tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng đảm bảo an toàn sinh học để tạo ra sản lượng hàng hóa lớn góp phần đem lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Ý kiến ()