Chăn nuôi theo chuỗi liên kết
Thời gian qua, mặc dù gặp không ít khó khăn, song ngành chăn nuôi nước ta vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Tuy nhiên, trong thực tế có thể thấy khâu kết nối sản xuất và thị trường chưa hiệu quả, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi chưa đạt được như mong muốn.
Chăm sóc đàn lợn tại trang trại ở huyện Đông Anh, Hà Nội. |
Để gỡ nút thắt này, thời gian tới chúng ta cần tập trung phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
Theo Phó Cục trưởng Chăn nuôi Phạm Kim Đăng, nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi luôn đạt ở mức từ 4 đến 6%/năm. Năm 2023, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi (SPCN) đạt gần 515,5 triệu USD, tăng 26,2%; sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,79 triệu tấn, tăng 6,38% so với năm trước.
Kết quả trên cho thấy, ngành chăn nuôi đã có chuyển biến rõ nét trong tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, trang trại theo chuỗi. Chuyển hướng từ tăng sản lượng sang tăng chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng cho các ngành hàng.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm theo chuỗi giá trị, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao trong chăn nuôi được thúc đẩy; mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao đang dần được phổ biến, nhân rộng; thí dụ như mô hình nuôi lợn bằng các dược liệu quý của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Bình Minh (Hiệp Hòa, Bắc Giang).
Hiện cả nước có 17 địa phương có mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ với hơn 75 nghìn con; sản lượng thịt hơi gần 7.000 tấn. Đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi lợn theo chuỗi liên kết tại các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Thái nguyên.
Thông tin thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, đã có nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn…, tham gia xây dựng và hình thành nhiều chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ SPCN một cách bài bản cùng với cách làm căn cơ đã cho ra sản phẩm có lợi thế, có thể tham gia xuất khẩu đi một số nước được coi là các thị trường khó tính.
Có ý kiến cho rằng, mặc dù có nhiều chuyển biến đáng kể, song ngành chăn nuôi vẫn tồn tại nhiều bất cập như:
Mối liên kết giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi chưa bền vững; sản xuất thiếu ổn định về cung-cầu, thị trường tiêu thụ SPCN bấp bênh; việc thống kê trong chăn nuôi còn thiếu chính xác, chưa phù hợp so với thực tế; chi phí sản xuất lớn hơn một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới; việc tiếp cận các nguồn thông tin thị trường còn hạn chế, việc khai thác thị trường trong nước và quốc tế chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa xây dựng được chuỗi giá trị bình ổn thị trường để có thể hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chăn nuôi an toàn có nguồn gốc đang phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm không bảo đảm chất lượng, không rõ xuất xứ hiện tràn lan trên thị trường.
Để ngành chăn nuôi phát triển ổn định trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Rà soát, điều chỉnh quy mô đàn vật nuôi phù hợp nhu cầu thị trường; xây dựng thương hiệu cho các chuỗi liên kết có chất lượng cao, đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường khó tính; tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường, trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm để liên kết với các tổ chức sản xuất như tổ hợp tác, hợp tác xã; có thêm các chính sách hỗ trợ về quỹ đất, nguồn vốn để doanh nghiệp, người chăn nuôi đầu tư, mở rộng sản xuất; tạo nhiều chuỗi liên kết khép kín, chú trọng khâu chế biến sâu để nâng cao giá trị SPCN.
Ngoài ra, cần xây dựng mã định danh cho các cơ sở chăn nuôi phục vụ truy xuất nguồn gốc, sản phẩm sản xuất theo chuỗi với các nơi có quản lý bằng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh gắn với vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; có quy trình chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất giống, chế biến thức ăn, bảo quản, đến tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi; áp dụng công nghệ sinh học trong việc chế biến thức ăn để tăng hiệu quả sử dụng.
Thực tiễn cho thấy, nếu tiếp tục nhân rộng được nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ-an toàn sinh học, theo chuỗi liên kết ở nhiều địa phương trong cả nước thì ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ đạt được nhiều “quả ngọt”; cung cấp thêm thực phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cạnh tranh của thị trường.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()