Chăn nuôi gia súc lớn: Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ
LSO- Ngày 20/10/2010, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 11 về chính sách hỗ trợ phát triển đàn trâu, bò và cải tạo đàn bò trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015. Đây thực sự là quyết sách phù hợp và kịp thời để nông dân Xứ Lạng duy trì và phát triển đàn gia súc lớn theo hướng đi mới: sản xuất hàng hóa.
HIỆU QUẢ LỚN TỪ ĐẠI GIA SÚC
Đầu tư gây đàn từ năm 1998, đến nay gia đình ông Lý Văn Bầu, thôn Khun Áng, xã Quang Lang, huyện Chi Lăng luôn duy trì đàn bò khoảng 60 con. Ngoài việc liên hệ với cơ quan thú y phòng trừ dịch bệnh, ông nghiên cứu, tự mua đực giống, phối giống để cải tạo tầm vóc đàn bò.
Chỉ sau 5 năm gây đàn, ông Bầu đã thu hồi lại vốn đầu tư. Hiện nay, mỗi năm gia đình ông xuất chuồng khoảng 10 con bò. Giá tùy thuộc vào tầm vóc nhưng thấp nhất cũng trên 15 triệu đồng/con. Ông Bầu bộc bạch: thị trường luôn rộng mở, khi bán chỉ cần đánh tiếng, tư thương đến tận nơi mua, nhiều lúc phải “đấu giá” ai đưa giá cao hơn mới bán. Nuôi bò không quá phức tạp mà hiệu quả lại rất cao, ông Bầu kết luận. Năm 2010, một số hộ trên địa bàn xã Quỳnh Sơn huyện Bắc Sơn chuyển hướng từ chăn nuôi lợn, gà sang nuôi bò nhốt chuồng. Anh Dương Doãn Ngân, thôn Nà Riềng II tâm sự: gia đình tôi là hộ nghèo, lúc ấy thấy một số người nuôi bò có hiệu quả cao, tôi cũng mạnh dạn vay vốn đầu tư. Chỉ sau 1 năm, khi lứa bò đầu tiên xuất chuồng, tôi đã trả hết nợ, tậu thêm được 4 con bò mới, từ hộ nghèo, gia đình tôi vươn lên hộ khá. Hiện nay trên địa bàn xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc có hơn 80% số hộ phát triển mô hình nuôi bò nhốt chuồng với tổng đàn lên đến gần 600 con. Theo ước tính trung bình hộ nuôi khoảng 5 con sẽ có thu nhập trên 1,5 triệu đồng/tháng. Ông Đoàn Mạnh Hải, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: chăn nuôi trâu, bò hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn, bởi nhu cầu thị trường luôn tăng, thêm vào đó cũng không có nhiều dịch bệnh nguy hiểm, phù hợp với địa bàn miền núi.
Chăn nuôi bò bán chăn thả trên địa bàn huyện Bắc Sơn
CHÍNH SÁCH KỊP THỜI
Thời điểm 5 năm trước đây, mặc dù đã có một số mô hình chăn nuôi gia súc lớn có hiệu quả. Tuy nhiên, đó chỉ là số ít. Con số thống kê hàng năm cho thấy tổng đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm.
Các nguyên nhân được chỉ ra là tỷ lệ cơ giới hóa tăng cao, giảm nhu cầu về sức kéo; diện tích rừng trồng mới dần thay thế các bãi chăn thả; nhân lực ở khu vực nông thôn ngày càng ít…Trong bối cảnh đó, UBND tỉnh đã ban hành chính sách phát triển đàn trâu bò và cải tạo đàn bò trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2015, theo đó sẽ hỗ trợ lãi suất vốn vay để mua trâu, bò cái sinh sản và trâu, bò đực giống. Nhanh chóng tiếp cận chính sách, huyện Hữu Lũng và Chi Lăng đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện. Đến đầu năm 2015, 2 huyện này đã có trên 1.000 hộ được vay vốn với tổng số tiền trên 37 tỷ đồng, nhà nước hỗ trợ lãi suất hơn 2,7 tỷ đồng. Các hộ chăn nuôi đã mua được trên 1,6 nghìn con trâu, bò. Ông Đoàn Mạnh Hải, Trưởng phòng Chăn nuôi khẳng định: huyện nào tiếp cận nhanh, thành lập Ban chỉ đạo, triển khai bài bản thì chính sách sẽ đi vào cuộc sống rất nhanh chóng. Như huyện Tràng Định, từ khi chính sách ban hành đến hết năm 2013, toàn huyện chưa có dự án nào xin vay vốn. Nhưng khi có sự hỗ trợ của Phòng chăn nuôi và tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, từ năm 2014 đến nay, toàn huyện đã có khoảng 40 dự án được duyệt vay vốn với tổng số tiền khoảng 5 tỷ đồng. Cũng từ chính sách, toàn tỉnh đã hình thành được đội ngũ truyền tinh viên 76 người. Thực hiện thụ tinh nhân tạo cho 200 con trâu bò, cho ra đời 71 bê lai… Đây chính là lực lượng nòng cốt sau này để cải tạo tầm vóc đàn gia súc lớn trên địa bàn tỉnh.
Chính sách đã góp phần quan trọng trong duy trì và phát triển đàn trâu, bò. Năm 2015, toàn tỉnh có 120.225 con trâu, tăng 1,1% so cùng kỳ; đàn bò 32.695 con tăng 1,7%. Trong khi tổng đàn lợn và đàn gia cầm đều có xu hướng giảm so với cùng kỳ do nhiều yếu tố thì chăn nuôi gia súc lớn đang có xu hướng tăng tiến. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, cho đến nay cũng mới chỉ có 3 huyện (Chi Lăng, Hữu Lũng, Tràng Định) là có dự án vay vốn. Chính sách phù hợp, kịp thời và khẳng định được hiệu quả, tuy nhiên, để người chăn nuôi thực sự được hưởng lợi từ chính sách thì ngay từ các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể phải tích cực phổ biến, triển khai nghiêm túc, có như vậy, chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống.
Bài, ảnh: VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()