Chăn nuôi gia cầm hướng tới phát triển tập trung
Thời gian qua, chăn nuôi gia cầm đã có những bước phát triển mạnh: Từ chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ, tự phát dần dần chuyển thành chăn nuôi tập trung với quy mô lớn hơn; năng suất và chất lượng sản phẩm ngày càng tăng, cho lợi nhuận ngày càng nhiều.
Những yếu tố đó làm cho chăn nuôi gia cầm không hoàn toàn phải là một nghề phụ nữa mà nhiều nơi đã trở thành một trong những nghề sản xuất chính trong sản xuất nông nghiệp. Về mặt xã hội, chăn nuôi gia cầm đã có vị thế mới, góp phần làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu các ngành sản xuất trong nông nghiệp và xoá đói giảm nghèo ở Việt Nam.
Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), thời gian qua, số đầu gia cầm tăng bình quân mỗi năm trên 6%. Sản lượng thịt hơi của gia cầm đạt trên 1 triệu tấn, trứng đạt trên 11 tỷ quả. Đạt được thành quả đó là do Việt Nam đang sở hữu một bộ giống gia cầm rất phong phú, đa dạng, có năng suất và chất lượng cao, gồm các giống gia cầm siêu thịt, các giống gia cầm siêu trứng, kiêm dụng, các giống gia cầm từ nguồn nhập ngoại, nguồn gen quý trong nước và chọn tạo ra các dòng giống mới.
Đồng thời, chăn nuôi gia cầm đã tiếp thu nhanh những tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến cả về con giống và trang thiết bị, đã coi khoa học công nghệ là động lực phát triển, là lực lượng sản xuất quan trọng, đã có được những bước đột phá trong khoa học công nghệ để cho ra những sản phẩm có chất lượng và giá trị cao có tính cạnh tranh trên thị trường.
Chuyển giao nhanh và có hiệu quả những tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người chăn nuôi, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hoá trong ngành chăn nuôi gia cầm góp phần chuyển dịch sang sản xuất hàng hoá để nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm cuối cùng để nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi trong tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Và như vậy mới có thể công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
Đến nay, đã có nhiều thay đổi về phương thức nuôi, chất lượng con giống và sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp một cách hợp lý hơn. Nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất có hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này một cách bài bản, cùng những giải pháp căn cơ và đã có những sản phẩm gia cầm có lợi thế, có tính cạnh tranh, tham gia xuất khẩu đi một số nước.
Việt Nam đã cơ bản làm chủ được công nghệ sản xuất con giống bố, mẹ trong nước, đồng thời chọn lọc tạo ra được một số dòng có năng suất và chất lượng cao cho nên các giống gia cầm phát huy mạnh trong sản xuất đã trở thành nguồn thu nhập lớn cho người chăn nuôi.
Tuy nhiên, chăn nuôi gia cầm còn hạn chế trong liên kết sản xuất, đôi khi còn mất cân đối cung-cầu do chăn nuôi nông hộ còn nhiều, giá thành sản phẩm còn cao, dịch bệnh luôn đe dọa, nên chăn nuôi gia cầm cần phải có định hướng và các giải pháp để phát triển bền vững.
Liên kết trong sản xuất và mở rộng thị trường gia cầm
Vừa qua, trước những bất lợi về giá cả thị trường biến động, dịch bệnh xảy ra thường xuyên và diễn biến phức tạp, các trang trại chăn nuôi đã liên kết nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sản xuất như: Hỗ trợ vốn sản xuất; mua vật tư đầu vào khối lượng lớn và giá rẻ; gắn sản xuất chăn nuôi với giết mổ, chế biến và tiêu thụ hình thành chuỗi sản phẩm… Điều này đã làm cho giảm giá thành sản phẩm, tăng giá sản phẩm và chăn nuôi có lãi. Đã xuất hiện các hình thức liên kết hỗ trợ vốn sản xuất, mua vật tư đầu vào; liên kết chuỗi sản phẩm; các liên kết chuỗi gà thịt, gà trứng tại các tỉnh, thu nhập bình quân/lao động dao động từ 3,5 đến 4,0 triệu đồng/lao động/tháng (Hải Dương, Đồng Nai, Thừa Thiên Huế…) lên tới 5-6 triệu đồng/lao động/tháng (Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình…); liên kết với doanh nghiệp theo hình thức nuôi gia công cũng đã góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển tại các địa phương trong thời gian qua.
Liên kết giữa các trang trại chăn nuôi gia cầm (giống, thịt, trứng gia cầm) và thị trường tiêu thụ là các siêu thị, nhà hàng, chợ và các bếp ăn tập thể. Chuỗi liên kết này được phát triển nhiều tại các tỉnh như: Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Nam Định, Ninh Bình, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An…
Liên kết chăn nuôi với tiêu thụ thực phẩm an toàn; trong đó, có nội dung về xây dựng mã định danh và truy xuất nguồn gốc. Được hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như FAO, USAID, Cục Chăn nuôi đã xây dựng các mô hình tại Thái Nguyên và Tiền Giang, thực hiện mã định danh quốc gia cho 711 cơ sở chăn nuôi gia cầm được quản lý bằng phần mềm. Đồng thời, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc trứng gia cầm (gà và vịt) kết hợp thực hiện quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) cho các mô hình tại 2 tỉnh đảm bảo ATTP và tiếp tục thực hiện tại 5 tỉnh trong năm 2019.
Cơ hội và thách thức của chăn nuôi gia cầm
Thực tế, chăn nuôi gia cầm các năm tiếp theo có nhiều cơ hội phát triển. Nhu cầu tiêu dùng trong nước về thịt gia cầm ngày càng tăng cao, với thị trường trên 95 triệu dân và khoảng 15 triệu khách du lịch. Trứng vịt là một trong những sản phẩm có khả năng xuất khẩu các nước Đông Nam Á và Nam Á. Thịt và gan xuất khẩu sang các nước châu Âu. Đồng bằng sông Cửu Long có hệ sinh thái phù hợp với phát triển chăn nuôi vịt; Tận dụng được nguồn thức ăn phụ phẩm của trồng trọt. Việt Nam sở hữu các giống gia cầm có năng suất và chất lượng cao, có một số giống đạt năng suất cao nhất thế giới. Triển khai các chương trình dự án thích ứng với biến đổi khí hậu. Có các chính sách của Chính phủ và các đề án của Bộ, khuyến khích phát triển chăn nuôi trong đó có chăn nuôi gia cầm: Quyết định 2194/QĐ-CP; Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg; Nghị định số 57/2013/NĐ-CP; Nghị định 130/2013/NĐ-CP; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP; Quyết định số 984/QĐ-BNN-CN; Quyết định số 680/QĐ-BNN-CN; Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg, đây là cơ hội giúp các trang trại, hộ chăn nuôi gia cầm nâng cao năng suất và hiệu quả.
Việc tiếp cận và tham gia các tổ chức Quốc tế, các Hiệp định song phương, đa phương, Hiệp định thương mại tự do đã và đang được đẩy mạnh sẽ có tác động đến khả năng sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các sản phẩm gia cầm.
Công tác quản lý giống, thức ăn chăn nuôi được tăng cường, Luật Chăn nuôi và các văn bản dưới luật sẽ có hiệu lực từ năm 2020, chăn nuôi sẽ có điều kiện đạt được hiệu quả cao.
Tuy nhiên, chăn nuôi gia cầm còn một số khó khăn, thách thức. Chăn nuôi gia cầm quy mô nhỏ, tận dụng là những điểm yếu của ngành chăn nuôi hiện nay. Nguy cơ về dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhận thức của người chăn nuôi còn hạn chế về các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Công tác vệ sinh môi trường và phòng bệnh còn nhiều bất cập, chưa chủ động được vắc xin phòng bệnh. Công tác quản lý giống vật nuôi còn nhiều bất cập, chưa có được hệ thống giống hình tháp 4 cấp hoàn chỉnh, các tỉnh chưa chủ động được con giống gia cầm chất lượng cao, người chăn nuôi còn sử dụng rất nhiều con thương phẩm làm giống bố, mẹ nên ảnh hưởng xấu đến năng suất và chất lượng. Việc nhập con giống, sản phẩm chăn nuôi không rõ nguồn gốc còn diễn ra thường xuyên và diễn biến rất phức tạp. Thiếu tính liên kết trong tổ chức sản xuất giống và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi vịt. Kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng gia cầm của người dân chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa thực sự khoa học.
Đáng chú ý là giá cả các sản phẩn chăn nuôi biến động nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của người chăn nuôi, thị trường sản phẩm chăn nuôi không ổn định, công tác dự báo chưa theo kịp thực tiễn, giá giống và vật tư đầu vào như thức ăn, thuốc thú y còn cao, làm ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm chăn nuôi.
Về vốn, tín dụng, người chăn nuôi thiếu vốn, thiếu đất đai để đầu tư và phát triển trang trại chăn nuôi. Ảnh hưởng suy thoái kinh tế làm ảnh hưởng đến sức tiêu thụ và giá sản phẩm, làm hiệu quả chăn nuôi thấp, nhiều cơ sở sản xuất chăn nuôi bị lỗ trong thời gian dài.
Có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay ở nước ta, nhất là khi nhu cầu thực phẩm từ thịt của người dân ngày càng đa dạng và hướng tới thực phẩm “an toàn và khỏe mạnh”, thì việc phát triển hiệu quả chăn nuôi gia cầm chính là hướng đi cần thiết và phù hợp./
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()