Chăn nuôi gà theo mô hình khép kín ở Hữu Lũng: Nâng chất lượng – tăng thu nhập
– Huyện Hữu Lũng có 1 trang trại và trên 60 gia trại chăn nuôi gà theo mô hình chuồng trại khép kín với tổng số 650 nghìn con (tổng đàn gà toàn huyện hiện có hơn 808 nghìn con). Với hướng chăn nuôi như vậy, trong những năm qua, Hữu Lũng là huyện đạt hiệu quả kinh tế cao nhất so với các huyện, thành phố về chăn nuôi gà.
Đầu tháng 4/2021, từ sự giới thiệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hữu Lũng, chúng tôi tìm đến trang trại chăn nuôi gà của ông Nguyễn Đình Vũ ở xã Đồng Tân. “Mục sở thị” trang trại trên diện tích hơn 1 ha này mới thấy được quy trình chăn nuôi “khép kín”, đảm bảo an toàn vệ sinh thú y trong chăn nuôi.
Ông Nguyễn Đình Vũ cho biết: Trước đây, gia đình cũng thực hiện chăn nuôi gà thả đồi, tuy vậy, gà thả đồi thường bị một số loại bệnh, do đó, chất lượng gà thương phẩm không cao. Nhằm nâng cao chất lượng chăn nuôi gà, từ năm 2017, gia đình quyết định đầu tư xây dựng trang trại với tổng mức đầu tư gần 1,8 tỷ đồng trên diện tích hơn 1 ha. Trang trại của gia đình đang nuôi trên 30 nghìn con gà, mỗi lứa xuất chuồng (khoảng 3 tháng) được trên 5 tấn gà thương phẩm, cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm.
Chăn nuôi gà trên địa bàn huyện Hữu Lũng áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học
Với quy mô nhỏ hơn, gia trại chăn nuôi gà an toàn sinh học của gia đình chị Hoàng Thị Huệ, ở xã Sơn Hà cũng đang nuôi trên 3 nghìn con. Chị Huệ chia sẻ: Trước gia đình chủ yếu chăn nuôi gà thả vườn nhưng nhận thấy cần phải áp dụng các biện pháp sinh học mới đảm bảo chất lượng gà. Chị quyết tâm đầu tư, xây chuồng trại với thiết kế khép kín áp dụng các biện pháp an toàn sinh học nên đàn gà ít bị bệnh. Hiện trừ chi phí, thu nhập từ bán gà và trứng mỗi năm đạt từ 150 đến 170 triệu đồng.
Theo báo cáo của UBND huyện Hữu Lũng, từ năm 2018 đến nay, chăn nuôi gà theo mô hình gia trại kép kín với quy mô chăn nuôi lên đến hàng nghìn con phát triển mạnh. Ngoài 1 trang trại tại xã Đồng Tân, hiện mô hình chăn nuôi gà khép kín phát triển chủ yếu tại các xã: Đồng Tiến, Vân Nham, Thiện Tân, Yên Bình… Chăn nuôi gà mô hình trang trại, gia trại khép kín áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi đã mang lại thu nhập cao cho người chăn nuôi. Hộ chăn nuôi thu nhập thấp cũng được khoảng 100 triệu đồng/năm.
Ông Lương Văn Bính, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hữu Lũng cho biết: Trước đây, người dân chủ yếu chăn nuôi gà thả đồi với số lượng nhỏ nhưng tại thời điểm này, tư duy trong chăn nuôi gia cầm, nhất là chăn nuôi gà của các hộ trên địa bàn huyện đã có sự thay đổi rõ, cơ bản các hộ chăn nuôi đều đảm bảo đầy đủ các điều kiện nuôi như: cơ sở vật chất, chuồng nuôi, máng ăn, nước uống, thuốc thú y, đèn sưởi… kết hợp với chăm sóc, nuôi dưỡng, thức ăn đảm bảo và thực hiện tiêm phòng đầy đủ, vệ sinh phòng bệnh cho đàn gà. Vì thế, mặc dù trên địa bàn huyện có tổng đàn gà khá lớn nhưng trong mấy năm qua đều không xuất hiện ổ bệnh cúm gia cầm.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi, hằng năm, các cơ quan chuyên môn của huyện đã tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi gà cho người dân. Từ năm 2019 đến nay, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức được trên 50 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia cầm… cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn, từ đó giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm gà thương phẩm khi cung ứng ra thị trường.
Thời gian tới, UBND huyện Hữu Lũng tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn triển khai các biện pháp phòng trừ dịch bệnh, tuyên truyền bà con áp dụng phương pháp chăn nuôi gà an toàn sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.
Ý kiến ()