Chặn nguy cơ đợt dịch mới
Nhờ kiểm soát được dịch Covid-19, các tỉnh, thành phố từng bước rút bỏ quy định giãn cách xã hội, chuyển sang thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Tuy nhiên, nhiều địa phương đang ghi nhận những chùm ca bệnh, những ổ dịch nhỏ, lẻ… đòi hỏi triển khai ngay các biện pháp để xử lý kịp thời, không để lây lan, bùng phát thành đợt dịch mới.
Tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch với 19 tỉnh, thành phố khu vực phía nam chiều 26/10, Bộ Y tế cho biết: Nhìn chung, số ca mắc mới Covid-19 (F0) trên cả nước trong hai tuần qua đã giảm 48% so với hai tuần trước đó. Tuy nhiên, số ca mắc trong một tuần qua tăng 14,4% so với tuần trước đó. Trong số 19 tỉnh, thành phố có 17 địa phương ghi nhận ca mắc tăng trong cộng đồng và hai địa phương ghi nhận số ca mắc giảm. Tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt. Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết, tuần qua, thành phố ghi nhận số ca tăng nhẹ tại một số quận, huyện khi xét nghiệm nhanh các công nhân quay trở lại làm việc. Ngành y tế thành phố đã tập trung khoanh vùng, xét nghiệm nhanh tại nơi ở của công nhân bị nhiễm, phát hiện sớm, phân loại, điều trị kịp thời người nhiễm.
Đại diện Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về công tác phòng, chống Covid-19 nhận định, tỷ lệ bao phủ vắc-xin tại các tỉnh Đông Nam Bộ cao nhưng vẫn ghi nhận nhiều ca mắc, do đó phải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch trong phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; chú trọng bảo vệ những người chưa tiêm. Trong khi đó, số lượng ca nhiễm tại các tỉnh Tây Nam Bộ tăng chủ yếu do người về từ vùng dịch, cho nên cần tăng cường xét nghiệm tầm soát, truy vết F0 ngoài cộng đồng, nhất là khi tỷ lệ người dân được tiêm vắc-xin còn thấp, năng lực hệ thống y tế yếu.
Tại hội nghị trực tuyến kiểm điểm, đánh giá 10 ngày thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Y tế đánh giá, sau khi nới lỏng giãn cách, lượng người đi lại từ vùng có dịch về các địa phương rất nhiều và đã xuất hiện các ổ dịch mà nguồn lây chủ yếu từ những người trở về từ vùng dịch, như tại Tây Nam Bộ hay các tỉnh như: Phú Thọ, Thanh Hóa, Nam Định… Đây là một trong những yếu tố nguy cơ bùng phát dịch rất lớn trong thời gian tới.
Để tạo điều kiện khôi phục sản xuất và phát triển kinh tế – xã hội thì, kiểm soát dịch là yếu tố quan trọng nhất. Do vậy các địa phương cần kiểm soát được tình hình dịch, tránh để xảy ra đợt dịch tiếp theo; chủ động nâng cao hơn nữa mức độ cảnh giác với dịch; tập trung rà soát lại, kiểm soát người về từ bốn địa phương: TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương và Đồng Nai để phát hiện kịp thời và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Các địa phương tăng cường giám sát và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đối với các trường hợp về từ các địa phương theo hướng: Những người đã đủ điều kiện thì theo dõi sức khỏe tại nhà, nhưng không có nghĩa là “thả lỏng” mà phải dựa vào tổ Covid cộng đồng thường xuyên kiểm tra, giám sát “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, giám sát y tế, xét nghiệm, cách ly theo điều kiện thực tiễn tại địa phương theo các hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thời gian qua, nhiều địa phương làm tốt, có độ bao phủ vắc-xin cao, nhưng cũng có địa phương chưa đạt tốc độ tiêm như mong muốn. Trước tình hình này, Bộ Y tế đề nghị các địa phương đã được phân bổ vắc-xin phải tăng tốc tiêm chủng bảo đảm đạt mục tiêu đề ra. Khi triển khai tiêm chủng, cần cập nhật dữ liệu thông tin người tiêm lên nền tảng tiêm chủng theo đúng hướng dẫn. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã thống nhất từ ngày 1/11 bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, trước mắt thực hiện với trẻ 16 đến 17 tuổi, sau đó sẽ hạ thấp dần độ tuổi. Chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em được triển khai tương tự như chiến dịch tiêm chủng thời gian qua, với các điểm tiêm tại trạm y tế xã, phường, trường học, trung tâm y tế và bệnh viện (đối với một số trẻ có bệnh nền, béo phì). Việc tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho trẻ em sẽ được tiến hành trước tại các địa phương đã trải qua đợt giãn cách xã hội, có tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao; các địa phương có mật độ dân số đông, nguy cơ lây nhiễm cao. Yêu cầu hàng đầu trong tổ chức tiêm chủng cho trẻ em là bảo đảm an toàn cho nên công tác chuẩn bị cần được các địa phương, đơn vị thực hiện sớm và ở mức cao nhất.
Một tiêu chí quan trọng khác là các địa phương phải chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, nhất là hệ thống điều trị, phải bảo đảm giường bệnh cho tình huống có nhiều ca mắc, có máy thở, có đầy đủ trang thiết bị cấp cứu, có oxy y tế… để khi dịch xảy ra thì kiểm soát được và giảm đến mức thấp nhất số ca tử vong. Đồng thời phải đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực điều trị cho cán bộ y tế. Hệ thống y tế cần sẵn sàng ứng phó nguy cơ dịch ở cấp độ 4, nhất là oxy y tế, “tháp điều trị ba tầng”, chuẩn bị kế hoạch thành lập trạm y tế lưu động…
Về cách ly, phong tỏa phòng, chống dịch, các địa phương cần phong tỏa và cách ly trong phạm vi nhỏ nhất có thể, xác định khoanh vùng nhỏ nhất để dập dịch và không làm ảnh hưởng đến đời sống, phát triển kinh tế – xã hội của người dân và không lãng phí nguồn lực chống dịch. Mặt khác, chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao, nhất là những điểm có người về từ các địa bàn nguy cơ cao và đang có dịch cấp độ 3, 4; các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ để phát hiện sớm, tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe phù hợp và xử lý kịp thời các ổ dịch Covid-19… Các địa phương cũng cần xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, sẵn sàng ứng phó với các tình huống diễn biến dịch Covid-19 theo từng cấp độ trên địa bàn, không để bị động…
Theo Nhandan
Ý kiến ()