Chấn hưng văn hóa… Rượu?
Việt Nam đang đứng ở đâu trên bản đồ tiêu thụ rượu bia trên thế giới?
Ảnh có tính minh hoạ.
Bạn hãy nhớ tới cái tên này: The Lancet.
Đó là một trong những tuần san y khoa tổng quan lâu đời nhất, tốt nhất, và cũng uy tín nhất ở phạm vi toàn cầu. Theo The Lancet, tính đến năm 2017, trung bình 8,9 lít rượu/năm đã được tiêu thụ bởi 1 người đàn ông Việt. Ở châu Á, đất nước nhỏ bé của chúng ta đã đánh bại khả năng uống của những quốc gia được xem là “đầu lĩnh” về uống rượu như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Cũng theo thống kê cùng thời điểm, lượng rượu được tiêu thụ trung bình của đàn ông trên toàn thế giới là 6,5 lít, dự kiến đến năm 2030 cũng chỉ là 7,6 lít. Trên tỷ lệ dân số, để dễ hình dung với con số 8,9 lít của Việt Nam, chia đều mỗi người đàn ông nước ta trung bình mỗi ngày phải uống ít nhất 01 lon Heineken cao, tương đương 330 mL.
Trong một bài viết thật khó để liệt kê hết những lý do đầy “văn hóa” để cùng nâng ly. Đội tuyển Quốc gia thắng hoặc thua một trận đấu, sếp tăng lương/bị mắng, đám cưới/đám ma, vợ bỏ/có người yêu mới, con thi đậu/trượt đại học, trúng xổ số/trượt, hay cả những phát hiện đầy tính động lực và động trời như: “Thấy chưa, ở Quảng Trị bác sĩ đã truyền 5 lít bia để cứu sống 3 người bị ngộ độc rượu đấy” (sự việc xảy ra vào tháng 1/2019). Như một lẽ dĩ nhiên, sự sung sướng lại không thể trì hoãn!
Nhiều người đã từng xem cái ngày 1 tháng 1 năm 2020 sẽ là một bước ngoặt của văn hóa rượu bia, khi cái vòng kim cô mang tên Nghị định 100 bắt đầu có hiệu lực. Nhưng cũng từ đây, hàng loạt những tranh cãi đã nổ ra không có điểm dừng. Phía ủng hộ việc nới lỏng Nghị định 100 đưa ra những yếu tố sẽ ảnh hưởng đến văn hóa, phong tục tập quán của người Việt, đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội, du lịch, truyền thống mến khách, tình cảm tương thân nồng ấm v.v.. Còn lại sẽ là những ý kiến có phần dè dặt hơn, nhưng lại thực tế hơn khi đặt Nghị định 100 vào chính giữa bàn cân Văn hóa-Kỷ cương.
Lý do thì rất nhiều để tranh luận giữa việc tuyệt đối không uống và uống bao nhiêu là đủ khi tham gia giao thông. Nhưng trước khi nói về đề xuất trên nghị trường của Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Quốc hội sáng 10/11, hãy cùng xem những con số không biết nói dối…
Để khách quan, bên cạnh The Lancet, chúng ta còn có WHO. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, cùng với việc “vô đối” trong tiêu thụ rượu bia, Việt Nam đã để lại hậu quả xã hội do rượu chiếm từ 1,3% đến 3,3% sản phẩm quốc nội, 79 ngàn người đã tử vong (tính trên toàn cầu là 3 triệu – thời điểm năm 2016), trên dưới 60% bạo lực gia đình liên quan đến rượu, số tiền để khắc phục hậu quả liên quan đến tai nạn giao thông, tự gây thương tích, bạo lực cá nhân, điều trị hàng loạt các loại bệnh khác nhau… tiêu tốn của ngân khố khoảng 3,5 tỷ USD.
Không thể nói Nhà nước không có những nỗ lực để cải thiện tình hình. Năm 2019, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được Quốc hội ban hành. Có thể kể ra một số quy định khá đầy đủ và chặt chẽ như Dự thảo cấm bán rượu bia sau 22 giờ (vẫn đang cần có lộ trình và thí điểm), hạn chế quảng cáo rượu bia trên báo chí và trên truyền hình, quy định không được bán rượu tại các quán karaoke, vũ trường sau 24 giờ, nghiêm cấm bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi, các quy định cấm uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc, học tập dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, quân nhân, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên… Nhưng trong lúc chờ đợi những thống kê về tính hiệu quả từ các tổ chức liên quan như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, hay “gần gũi” nhất là Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức chịu sự điều chỉnh của bộ Luật, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận, mức độ quan tâm của người dân vẫn chưa ở mức kỳ vọng.
Vĩ thanh
Nếu cần đối chiếu với thế giới, ta sẽ có những kết quả gây tranh cãi về mức độ phù hợp… lại về văn hóa. Nếu như đã có 28 quốc gia quy định nồng độ cồn trong máu không được vượt quá 0.00% khi tham gia giao thông, thì cũng có 13 quốc gia Không Giới Hạn nồng độ cồn. Ở giữa những con số này là 87 quốc gia giới hạn nồng độ ở mức 0.05%.
Bằng xác suất thông kê, chắc không khó để những người làm luật tìm ra một tỷ lệ phù hợp với Việt Nam, xét trên mọi yếu tố có liên quan. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, liệu có thể tầm soát được tác hại của rượu bia, nếu không thể vượt qua cái rào cản mang tên Văn hóa?
350.000 tỷ đồng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến đề xuất để thực thiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về chấn hưng Văn hóa. Nên chăng, việc chấn hưng “Văn hóa Rượu” cũng nên được đặt ở vị trí trang trọng trong dự án này?
Nguồn:https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/chan-hung-van-hoa-ruou-651954.html
Ý kiến ()