Chặn đứng hoạt động xuất nhập cảnh trái phép
Trung tuần tháng 3/2024, Bộ Ngoại giao đã thông tin về công tác bảo hộ công dân đối với 100 công dân Việt Nam bị Campuchia bắt giữ và trục xuất do đánh bạc tại Sihanoukville và 18 người Việt bị Thái Lan bắt do điều hành đường dây cá cược trực tuyến tại Bangkok…
Bộ Ngoại giao một lần nữa khuyến cáo công dân Việt Nam cần tỉnh táo trước những lời mời chào ra nước ngoài làm việc theo kiểu việc nhẹ, lương cao và không yêu cầu phải bằng cấp, trình độ, không có hợp đồng ký kết…
Bài 1: Vạch trần thủ đoạn tinh vi
Do nhu cầu của công dân ra nước ngoài tìm kiếm việc làm, lao động, đoàn tụ gia đình, tránh dịch bệnh, thiên tai… nên hoạt động XNC, di cư trái phép của công dân Việt Nam vẫn diễn ra phức tạp.
Liên tiếp phát hiện các đường dây xuất, nhập cảnh trái phép
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý xuất nhập cảnh (QLXNC), Bộ Công an từ năm 2020 đến nay, Cục QLXNC đã khởi tố 17 vụ án theo thẩm quyền. Cụ thể, năm 2020 là 3 vụ; năm 2021 là 5 vụ; năm 2022 là 3 vụ và 2023 là 6 vụ. Trong đó, có 11 vụ về tội "Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép"; 6 vụ về tội "Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép". Cục QLXNC đồng thời đã tiến hành xác minh, điều tra ban đầu và chuyển hơn 100 vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực XNC cho cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra.
Trong các đường dây, ổ nhóm bị phát hiện, đối tượng môi giới, tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép thường tập trung vào những người trong độ tuổi lao động, không có việc làm, có người nhà lao động ở nước ngoài, có nhu cầu tìm kiếm việc làm ở nước ngoài… để lôi kéo, dụ dỗ. Chúng triệt để lợi dụng mạng xã hội để quảng cáo về việc tuyển dụng lao động đi nước ngoài với việc nhẹ, lương cao, thủ tục đơn giản (chỉ cần cung cấp giấy tờ tùy thân; không cần chứng minh công việc, tài chính, bằng cấp…), thời gian xuất cảnh nhanh; hứa hẹn bố trí người đón, đưa dẫn theo từng chặng trong hành trình, thu xếp nơi ở, việc làm tại nước đến. Rồi chỉ cần nộp trước một khoản tiền đặt cọc, khi nhập cảnh thành công vào nước muốn đến thì mới phải trả đủ tiền…
Ngoài ra, các đối tượng còn hướng dẫn khách cách thức khai báo để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng khi XNC hoặc bị cơ quan chức năng phát hiện; hứa hẹn sẽ tiếp tục tổ chức cho đi nước ngoài khi bị từ chối nhập cảnh hoặc trục xuất. Quá trình liên lạc, thỏa thuận với khách thường sử dụng sim rác, qua tài khoản mạng xã hội ẩn danh, giao dịch chuyển, nhận tiền trực tiếp (không có biên nhận hoặc có văn bản hợp thức thể hiện việc thu tiền để đi xuất khẩu lao động, đặt cọc chống trốn…) hoặc qua tài khoản ngân hàng mang tên người khác, qua các dịch vụ chuyển tiền trung gian…
Từ công tác quản lý địa bàn, công tác nghiệp vụ, Cục QLXNC đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ phát hiện nhiều đường dây, ổ nhóm phạm tội. Tháng 3/2023, Cục QLXNC phát hiện 4 công dân Việt Nam bị Hãng hàng không HK từ chối chở đi Australia do nghi vấn sử dụng thị thực Australia không hợp lệ. Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu nghi vấn, Cục QLXNC đã phối hợp Cục An ninh điều tra, Bộ Công an xác minh xử lý. Trong khi các biện pháp nghiệp vụ đang được triển khai thì vào tháng 5/2023, Cục QLXNC tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của công dân Việt Nam (CDVN) tố cáo các đối tượng tổ chức cho nhiều CDVN xuất cảnh đi Australia diện du lịch, sau đó tìm cách trốn ở lại. Từ đó, Cục QLXNC đã thực hiện tiếp nhận, giải quyết vụ việc theo trình tự, thủ tục.
Quá trình điều tra, xác định các đối tượng đã nhận tổ chức cho CDVN đi Australia lao động diện du lịch, sau đó trốn ở lại với chi phí từ 13 đến 27 nghìn USD/người.
Trong vụ án này, các đối tượng đã lợi dụng quy định thủ tục nộp hồ sơ trực tuyến xin cấp thị thực Australia để khai báo gian dối về nơi cư trú, làm việc hoặc khai sai về quốc tịch để xin thị thực và thực tế phía Australia đã cấp thị thực theo thông tin khai báo. Xét thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm, tháng 7/2023, Cục QLXNC đã khởi tố vụ án hình sự “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài” và bàn giao cho Cơ quan An ninh điều tra có thẩm quyền tiếp tục điều tra.
Trước đó, qua tiếp nhận thông tin do phía Mỹ trao đổi về việc ngày 15/1/2020 phía Mỹ trục xuất 2 công dân Việt Nam trú tại Hà Tĩnh nhập cảnh trái phép Mỹ. Cục QLXNC tiến hành điều tra, xác minh ban đầu, kết quả xác định: Hai công dân trên có nhu cầu đi Mỹ lao động, đã thuê các đối tượng người Việt Nam và Việt kiều đang sinh sống tại Mexico tổ chức, chi phí 43 nghìn USD/người, hành trình từ Việt Nam đến Mexico, sau đó nhập cảnh trái phép Mỹ. Khi 2 người Việt Nam xuất cảnh đến Mexico, đối tượng Việt kiều tổ chức đón, bố trí ăn nghỉ và tổ chức vượt biên bằng đường sông vào Mỹ, bị Cảnh sát Mỹ phát hiện, tạm giữ 5 tháng và trục xuất về Việt Nam.
Từ thông tin ban đầu, Cục QLXNC đã phối hợp Công an các đơn vị, địa phương lấy lời khai những người liên quan, thu thập tài liệu chứng cứ. Sau khi xác định rõ dấu hiệu tội phạm, Cục QLXNC đã trao đổi thống nhất với Cục An ninh điều tra Bộ Công an và Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát án an ninh, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài”; bàn giao vụ án cho Cơ quan An ninh điều tra tiếp tục điều tra theo quy định. Đây là lần đầu tiên Cục QLXNC thực hiện quyền khởi tố vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan.
Nhiều vụ việc được phát hiện ngay tại sân bay. Vào tháng 5/2021, Cục QLXNC phát hiện TTH, với danh nghĩa là Trưởng phòng tuyển dụng của một công ty TNHH tại Hải Dương và BVH, Giám đốc một công ty có hoạt động quảng cáo, nhận hồ sơ, tiền của người có nhu cầu đi Canada lao động có nghi vấn. Ngày 15/5/2021, Cục QLXNC phối hợp cùng các đơn vị liên quan phát hiện TTH cùng 55 người Việt Nam khác đang tập trung tại khu vực sân bay Nội Bài, chờ xuất cảnh đi nước ngoài, kiểm tra trong hành lý của H có 58 hộ chiếu Việt Nam dán thị thực Canada nghi giả. Tiến hành điều tra, xác minh, xác định các đối tượng lấy danh nghĩa công ty, thông qua mạng xã hội (Zalo, Facebook…) quảng cáo, gom khách, ký hợp đồng tư vấn và thu tiền, hồ sơ của 65 người thuộc 11 tỉnh có nhu cầu đi Canada lao động trái phép, chi phí cho mỗi trường hợp từ 400 - 680 triệu đồng.
Xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm, sau khi thống nhất ý kiến với Cục An ninh điều tra, Bộ Công an và Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án an ninh, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Cục QLXNC ra quyết định khởi tố vụ án “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài” và bàn giao hồ sơ, tài liệu cho Cục An ninh điều tra, Bộ Công an điều tra tiếp theo thẩm quyền.
Tìm miền đất hứa bằng việc xuất cảnh theo con đường bất hợp pháp
Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, lãnh đạo Cục QLXNC cho biết: Nhiều công dân Việt Nam không đáp ứng các điều kiện, tiêu chí về ngoại ngữ, trình độ chuyên môn, khả năng tài chính, độ tuổi… để xuất cảnh diện xuất khẩu lao động hay xin thị thực nước ngoài, nên đã tìm cách xuất cảnh sang các nước theo các con đường bất hợp pháp. Từ đó, hình thành các đường dây tổ chức đưa người Việt Nam ra nước ngoài trái phép, chủ yếu sang Trung Quốc, Malaysia, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Đài Loan, một số nước châu Âu, Mỹ, Canada… xuất cảnh bằng cả đường bộ, đường biển, đường không.
Trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, người xuất cảnh trái phép chủ yếu là lao động thời vụ, cư trú, lao động bất hợp pháp tại các tỉnh giáp biên của Trung Quốc. Sau khi sang Trung Quốc, họ làm thuê tại các khu công nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh, giải trí, nhà hàng, khách sạn sâu trong nội địa Trung Quốc có nhu cầu sử dụng lao động phổ thông từ Việt Nam, do chi phí phải trả thấp… Các trường hợp này bị trục xuất về nước khi cơ quan chức năng Trung Quốc tăng cường xử lý vi phạm.
Ở các nước Đông Nam Á, công dân xuất cảnh trái phép qua biên giới sang các nước Campuchia, Thái Lan, Lào, Myanmar, Malaysia... để lao động hoặc lợi dụng nhập cảnh hợp pháp diện miễn thị thực, xuất khẩu lao động để trốn ở lại. Nổi lên là hoạt động lừa đảo trực tuyến tại các sòng bài, cơ sở kinh doanh trò chơi trực tuyến ở Campuchia, Myanmar, Lào, Philippines; tại Myanmar…. Mặc dù chính quyền một số nước trong khu vực đã tăng cường trấn áp tội phạm, kiểm tra các cơ sở sòng bài, trò chơi trực tuyến, kiểm soát chặt chẽ đi lại ở khu vực biên giới nhưng tình hình lừa đảo lao động qua mạng chưa có dấu hiệu giảm. Thủ đoạn phổ biến là các đối tượng người Việt Nam trong nước câu kết với các đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài (Campuchia, Myanmar, Thái Lan…) tìm kiếm, dụ dỗ nạn nhân sang Campuchia, Myanmar làm “việc nhẹ, lương cao”, bằng phương thức tổ chức cho nạn nhân xuất cảnh hợp pháp hoặc xuất cảnh trái phép sang Campuchia, Lào, Thái Lan, sau đó đưa sang Myanmar.
Các nhóm tội phạm cư trú tại nước ngoài (chủ yếu là Campuchia, Myanmar…) tự xưng là các công ty đứng ra tuyển dụng lao động Việt Nam để đưa ra nước ngoài làm việc; hứa hẹn về mức lương cao, công việc nhẹ, không yêu cầu kinh nghiệm. Sau khi đưa được công dân Việt Nam ra nước ngoài, đối tượng bố trí chỗ ăn, ở, sinh hoạt và làm việc tại các khu biệt lập, có sự theo dõi, giám sát chặt chẽ, bị thu giữ điện thoại, không cho liên lạc với gia đình ở Việt Nam, bị thu giữ hộ chiếu, ép buộc ký hợp đồng lao động và cưỡng bức làm việc, nếu muốn nghỉ việc sẽ phải đền bù một số tiền lớn. Chỉ tính riêng trong năm 2023, Công an các địa phương phía Nam đã tiếp nhận từ phía Campuchia hơn 600 người làm việc trong các sòng bạc được phía Campuchia giải cứu, trao trả về nước; trong tháng 5/2023, phía Philipines đã giải cứu 437 người Việt Nam bị cưỡng bức làm việc trong các sòng bạc tại nước này.
Tại Đài Loan (Trung Quốc), hoạt động đưa người nhập cảnh trái phép bằng đường biển tiếp tục diễn ra. Đối tượng đi thường là những người đã từng sang làm việc tại Đài Loan nhưng vi phạm pháp luật Đài Loan như: ở quá hạn, phá hợp đồng bỏ ra ngoài lao động tự do… bị Đài Loan cấm nhập cảnh, muốn quay lại Đài Loan để tìm việc làm. Cùng với đó là người muốn sang Đài Loan lao động nhưng không thể sang bằng con đường hợp pháp do không đáp ứng các điều kiện xin thị thực, quá tuổi, không đủ điều kiện xuất khẩu lao động… Vào tháng 3/2023, cơ quan chức năng Đài Loan phát hiện 14 tử thi trôi dạt trên biển nghi là những người Việt Nam nhập cảnh trái phép gặp nạn.
Tại Hàn Quốc, đáng chú ý là việc lợi dụng chính sách của Hàn Quốc miễn thị thực cho công dân Việt Nam đi du lịch Đảo Jeju; Yang Yang, tỉnh Gangnam; Muan, tỉnh Jeollanam để tổ chức cho khách trốn ở lại. Năm 2023 ghi nhận 32 trường hợp trốn ở lại Hàn Quốc theo phương thức trên.
Hoạt động tổ chức cho công dân Việt Nam đi một số nước châu Âu diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn. Đối tượng sử dụng thị thực, giấy tờ cư trú giả của các nước châu Âu; giả mạo hồ sơ xin cấp thị thực Schengen, các nước châu Âu để xuất cảnh; một số trường hợp còn tổ chức đưa người đi châu Âu trái phép bằng cách tổ chức cho khách xuất cảnh hợp pháp sang một nước Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia...) diện miễn thị thực hoặc sang Trung Quốc. Khi sang đến nước sở tại, họ được người nước ngoài đưa dẫn, sử dụng hộ chiếu nước ngoài giả nhập cảnh vào một nước thứ 3 (Srilanka, Bosnia, Thổ Nhĩ Kỳ…) nhằm hợp thức hóa hành trình rồi đi tiếp sang các nước châu Âu. Gần đây, nổi lên tình trạng tổ chức cho công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép vào châu Âu bằng thủ đoạn tham gia các khóa học ngoại ngữ nâng cao tại Pháp, Anh, Malta, sau đó bỏ trốn. Trong thời gian qua, đã phát hiện các đối tượng tổ chức cho 10 người đi Anh, 7 người đi Pháp…
Tại Mỹ, hoạt động đưa người Việt Nam đi Mỹ trái phép tiếp diễn bằng cách tổ chức cho khách nhập cảnh hợp pháp diện miễn thị thực vào các nước như Panama, Chile… sau đó đi tiếp đến Mexico hoặc lợi dụng việc Mexico miễn thị thực cho người Việt Nam có thị thực/thẻ cư trú Nhật Bản để tổ chức cho khách đến Mexico. Sau đó, tìm cách nhập cảnh trái phép vào Mỹ bằng đường bộ.
Việc công dân Việt Nam tìm cách nhập cảnh, cư trú trái phép tại các nước đã tác động trực tiếp đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội dẫn đến nhiều hệ luỵ như ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; ảnh hưởng đến các doanh nghiệp lữ hành có hoạt động du lịch lành mạnh.… Về phía các công dân bỏ trốn, họ phải đối mặt với nhiều rủi ro. Khi cư trú bất hợp pháp, họ không được hưởng các chính sách y tế, an sinh xã hội; không được cơ quan pháp luật bảo vệ khi phát sinh tranh chấp với các cơ sở sử dụng lao động, gây khó khăn trong công tác lãnh sự khi xảy ra những vấn đề pháp lý.
Bên cạnh đó, việc người dân thông qua các đường dây tổ chức đi nước ngoài trái phép thậm chí có nguy cơ bị ảnh hưởng đến tính mạng trên hành trình di cư, bị lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, dễ trở thành nạn nhân bị mua bán, bóc lột lao động, bị ép buộc phạm tội hoặc làm nô lệ tình dục, đe dọa xâm hại nghiêm trọng về sức khỏe, tinh thần mà không được pháp luật nước sở tại bảo vệ. Từ thực trạng trên, nhiều giải pháp đã được Cục QLXNC phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành.
Ý kiến ()