Chặn đà suy giảm xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9 đã giảm 0,8% so tháng trước. Tuy nhiên, tính chung chín tháng, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng cao ở mức 18,8% so cùng kỳ, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung 1,42% của toàn nền kinh tế.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục giữ vai trò quan trọng, đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước khi chiếm tỷ trọng 86,27% trong tổng kim ngạch. Chín tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này ước đạt 207,5 tỷ USD, tăng 20,8% so cùng kỳ. Trong đó, nhiều mặt hàng có đóng góp rất lớn vào tăng trưởng xuất khẩu như: sắt thép các loại ước đạt kim ngạch 8,23 tỷ USD, tăng 125,4%; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng ước đạt 26,25 tỷ USD, tăng 44,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 36,4 tỷ USD, tăng 13,1%; điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 41,33 tỷ USD, tăng 12,4%… so cùng kỳ. Nhiều mặt hàng dù giảm về lượng xuất khẩu, nhưng kim ngạch vẫn đạt mức tăng trưởng cao cho thấy sự chuyển dịch tích cực trong giá trị hàng hóa như gỗ và sản phẩm gỗ giảm đến 35,3% về lượng, nhưng tăng tới 30,9% về kim ngạch (ước đạt 11,14 tỷ USD); hàng dệt và may mặc giảm 18,6% về lượng, nhưng tăng 5,8% về kim ngạch (ước đạt 23,46 tỷ USD) hay giày dép các loại cũng giảm 44,2% về lượng, nhưng vẫn tăng 9,8% về kim ngạch (ước đạt 13,33 tỷ USD).
Một điểm sáng khác của xuất khẩu là việc nhập siêu đã quay trở lại. Sau khi liên tục thâm hụt từ tháng 4 đến nay, cán cân thương mại tháng 9 đã thặng dư khoảng 500 triệu USD. Tuy nhiên, tính chung chín tháng, Việt Nam vẫn nhập siêu 2,03 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,66 tỷ USD); trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 20,9 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,87 tỷ USD. “Nếu so sánh với kim ngạch nhập khẩu chín tháng (ước đạt 242,65 tỷ USD) thì giá trị nhập siêu tương đương khoảng 0,8%. Đây là một khoảng cách không quá lớn và chúng ta còn ba tháng để cải thiện tình hình. Nếu như không có biến động lớn trong kiểm soát dịch bệnh, từ đây đến cuối năm, các DN, nhất là DN phía nam sẽ lấy lại được đà tăng trưởng. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng đến thời điểm kết thúc năm 2021, cán cân thương mại sẽ duy trì ở mức cân bằng. Thậm chí, nếu tình hình lạc quan hơn, chúng ta có thể xuất siêu ở tỷ lệ nhất định”, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải nhận định.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có những thuận lợi nhất định khi chúng ta đang khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, nhất là với những nhóm hàng có lợi thế. Dự kiến xuất khẩu năm 2021 của Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn 10%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam khiến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của các DN còn gặp không ít khó khăn.
Bộ Công thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản nhằm thâm nhập các thị trường mới. Giải pháp trước mắt là tận dụng sự phục hồi của thị trường Mỹ và châu Âu để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nước ta có thế mạnh như: dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ, thủy sản…, nhất là phục vụ dịp mua sắm cuối năm. Bên cạnh đó, Bộ Công thương tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến cũng như dựa trên những nền tảng mới để khai thác triệt để cơ hội xuất khẩu ngay sản phẩm nông nghiệp sang các thị trường Nam Á, Đông Á, trong khi vẫn bảo đảm xuất khẩu ổn định sang các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động đàm phán, phát triển các thị trường khu vực xa hơn, có yêu cầu cao hơn như các thị trường thuộc châu Âu, châu Mỹ, châu Úc; tăng cường cung cấp thông tin thị trường, các hoạt động xúc tiến thương mại đến các thị trường còn dư địa phát triển như các thị trường Đông Âu, Bắc Âu, Mỹ La-tinh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()