'Loạn' mũ bảo hiểm kém chất lượng
Từ khi quy định bắt buộc đội MBH được thực hiện, thị trường MBH trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Hàng chục các loại mũ được tung ra thị trường với nhiều kiểu dáng, mẫu mã lạ mắt được người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên chất lượng MBH không thể kiểm soát được. Tại TP Hồ Chí Minh, dạo quanh các tuyến đường như: Điện Biên Phủ, Xa lộ Hà Nội, Bạch Đằng, Trường Chinh… hàng loạt các cửa hàng MBH 'di động' được bày bán công khai với giá chỉ từ 25.000 đến 45.000 đồng/mũ. Mua đã dễ, khi chúng tôi có ý định lấy mối về bán thì lập tức cũng được các sạp hàng ở nhiều chợ gật đầu đồng ý 'hợp tác làm ăn' ngay lập tức. Các cửa hàng ở chợ Bình Tây, Chợ Lớn (quận 5) chúng tôi nhận được những lời chào hàng tương tự với giá chỉ từ 18.000 đến 20.000 đồng/chiếc. Theo tìm hiểu, chi phí để lắp ráp một chiếc MBH loại này chỉ khoảng hơn bảy nghìn đồng nhưng bán ra thị trường lại cao gấp nhiều lần nên nhiều người đã bất chấp tính mạng người sử dụng để sản xuất, kinh doanh.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra một số cửa hàng, cơ sở sản xuất MBH trên địa bàn. Điển hình như vụ kiểm tra và thu giữ một nghìn MBH, gáo mũ, tem giả tại quận 6 và quận Bình Tân , nhưng cũng đành bó tay với các loại mũ 'lách luật' như mũ thể thao, mũ cho người đi bộ. Theo Trung tâm đo lường chất lượng, hiện nay chỉ mới có quy chuẩn cho các loại MBH dành cho người đi mô-tô, xe máy thành phẩm, còn các loại mũ tự làm, tự đặt tên vẫn còn bị thả nổi trên thị trường. Đó cũng là khó khăn của đơn vị Quản lý thị trường khi tiến hành kiểm tra, xử phạt bởi họ không có căn cứ hoặc cơ chế rõ ràng để xử lý các cá nhân, cơ sở sản xuất các loại mũ MBH biến tướng. Đội trưởng đội 3A, Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh Lý Ngọc Thắng cho biết: Hiện nay, việc kiểm tra xử lý các cơ sở sản xuất MBH trở nên quá tải so với lực lượng của đơn vị. Hơn nữa, các cơ sở sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, nằm trong các con hẻm hoặc đưa ra ngoại thành nên khó có thể kiểm tra hết. Hiện nay, mức xử phạt từ 3 đến 10 triệu đồng tùy mức độ vi phạm là quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Với mức phạt này, các cơ sở chỉ cần mấy ngày là có thể lấy lại vốn nên họ chấp nhận chịu phạt và tiếp tục sản xuất. Ông Thắng kiến nghị: Tăng mức xử phạt đồng thời cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng, nhất là lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, hiện nay CSGT chỉ mới xử phạt người không đội MBH còn đối với người đội MBH cách điệu, thời trang, kém chất lượng vẫn còn bỏ ngỏ, riêng đối với chính quyền các địa phương cũng chưa hề có biện pháp đối với các cơ sở sản xuất và kinh doanh các loại MBH này.
Cần nhiều biện pháp quyết liệt
Mới đây, ba trong số tám doanh nghiệp sản xuất MBH chất lượng ở TP Hồ Chí Minh và Bình Dương gồm: Công ty sản xuất – thương mại Nhựa Chí Thành, Hoàng Quán, Long Huei Việt Nam đã gửi đơn kiến nghị lần ba trình Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về việc MBH kém chất lượng được sản xuất và bày bán tràn lan trên thị trường gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất và doanh thu của các công ty này và tạo nên những dư luận không tốt về một chính sách đúng đắn của chính phủ. Trong văn bản trả lời, Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ Khoa học – Công nghệ, Công thương tiến hành kiểm tra, xử lý những vấn đề có trong kiến nghị và báo cáo cụ thể tình hình trước ngày 15-4-2011. Chính phủ cũng đã có công văn chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi, hoạt động sản xuất MBH sai quy chuẩn, kém chất lượng.
MBH cho người đi mô-tô, xe máy là một trong những loại hàng hóa đặc biệt, bắt buộc có cấu tạo bởi hai thành phần chính là: lớp vỏ ngoài bằng nhựa cứng để chống vật nhọn đâm xuyên và lớp xốp lót mục đích hấp thu xung động (giảm chấn thương sọ não) khi tai nạn xảy ra cho người đội. Nhưng hiện trên thị trường đang xuất hiện hai loại được gọi là 'MBH dành cho người chơi thể thao, đi bộ, xe đạp' và người dân vẫn thản nhiên sử dụng khi tham gia giao thông bằng xe máy. Loại thứ nhất có phần lưỡi trai đưa ra khoảng 10 cm và loại không có lưỡi trai, nhưng cả hai loại đều hết sức nguy hiểm cho người đội khi tai nạn xảy ra vì: Lớp vỏ mũ rất mỏng, thậm chí làm bằng nhựa phế liệu nên không thể chịu được lực đâm xuyên khi vật nhọn đâm vào. Khi xảy ra va chạm, vỏ mũ sẽ vỡ ra và những mảnh nhựa sắc nhọn này hoàn toàn có khả năng ghim vào đầu của nạn nhân. Thêm vào đó, phần lưỡi trai khi bị vỡ sẽ đâm vào phần mặt của nạn nhân. Lớp xốp lót rất mỏng, hoàn toàn không có khả năng hấp thu xung động vì vậy không thể giảm chấn thương sọ não khi xảy ra tai nạn.
Giám đốc Công ty sản xuất – thương mại Nhựa Chí Thành Nguyễn Văn Lập cho rằng: Để người dân ý thức được việc nguy hiểm khi đội MBH kém chất lượng, các nhà quản lý và cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục ý thức người dân, nhất là các bạn trẻ; lực lượng CSGT cần kiên quyết xử phạt những trường hợp đội MBH không đúng quy định. Đồng thời, cần quyết liệt ra tay đối với những cơ sở sản xuất MBH không đạt chất lượng bằng cách tăng mức xử phạt lên thật cao và khi tái phạm sẽ bị đình chỉ kinh doanh. Rõ ràng, việc hàng chục nghìn chiếc MBH kém chất lượng và biến tướng đang được bày bán trên thị trường (chỉ riêng ở TP Hồ Chí Minh) không những là hiểm họa cho những người đội nó tham gia giao thông mà còn gây nên sự lãng phí rất lớn về của cải, vật chất của xã hội.
Ý kiến ()