Chấn chỉnh việc khai thác khoáng sản ở Bắc Giang
Một điểm khai thác khoáng sản trái phép ở Bắc Giang. Những năm gần đây, tình trạng khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ngày càng khó kiểm soát. Ngoài những điểm được cấp phép khai thác còn có hàng loạt "điểm nóng" khai thác trái phép như mỏ than vùng Lục Sơn (Lục Nam), Đồng Rì (Sơn Động), Bố Hạ (Yên Thế).Khai thác vàng ở vùng núi Vạn Cung (Lục Ngạn), Sơn Động và hàng trăm điểm khai thác cát, sỏi, đất sét. Hầu hết những nơi khai thác trái phép đều theo phương pháp thủ công, tự phát, không bảo đảm an toàn lao động và làm ô nhiễm môi trường."Khoáng tặc" lộng hànhĐường vào mỏ than Nước Vàng thuộc xã Lục Sơn (Lục Nam) ngày trước phẳng phiu nay đầy ổ gà, ổ voi, sống trâu. Đang là mùa khô, con đường, hàng cây và những ngôi nhà ven đường phủ một lớp dày cả bụi đỏ lẫn bụi đen. Công trường Lục Sơn hiện là điểm sôi động nhất của hoạt động khai thác than thổ phỉ. Sau những tai nạn lao động làm chết người, tỉnh Bắc Giang đã có quyết định...
Một điểm khai thác khoáng sản trái phép ở Bắc Giang. |
Khai thác vàng ở vùng núi Vạn Cung (Lục Ngạn), Sơn Động và hàng trăm điểm khai thác cát, sỏi, đất sét. Hầu hết những nơi khai thác trái phép đều theo phương pháp thủ công, tự phát, không bảo đảm an toàn lao động và làm ô nhiễm môi trường.
“Khoáng tặc” lộng hành
Đường vào mỏ than Nước Vàng thuộc xã Lục Sơn (Lục Nam) ngày trước phẳng phiu nay đầy ổ gà, ổ voi, sống trâu. Đang là mùa khô, con đường, hàng cây và những ngôi nhà ven đường phủ một lớp dày cả bụi đỏ lẫn bụi đen. Công trường Lục Sơn hiện là điểm sôi động nhất của hoạt động khai thác than thổ phỉ. Sau những tai nạn lao động làm chết người, tỉnh Bắc Giang đã có quyết định đình chỉ khai thác của hai doanh nghiệp đang hoạt động tại đây. Nhưng theo quan sát của chúng tôi và phản ánh của người dân, hoạt động khai thác vẫn diễn ra rất rầm rộ. Các bãi than vẫn thường xuyên có xe tải vào, ra với số lượng lớn mặc dù trong khu vực này có chốt chặn của lực lượng chức năng địa phương.
Trước đó, tháng 5-2011, UBND tỉnh đã quyết định đình chỉ khai thác để khắc phục sự cố, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người lao động và môi trường của doanh nghiệp Đạt Anh, tạm dừng chờ khắc phục sự cố của doanh nghiệp Việt Hoàng, nhưng tình trạng khai thác than vẫn tiếp diễn, thậm chí còn manh động hơn trước. Được biết, mỏ than Nước Vàng có trữ lượng khảo sát khoảng 800 nghìn tấn, có thể lên tới 30 triệu tấn, từ năm 2006, UBND tỉnh Bắc Giang đã cấp phép khai thác cho bốn doanh nghiệp.
Vùng núi Vạn Cung, xã Phong Minh (Lục Ngạn) là một điểm khai thác vàng “nóng bỏng”. Thời điểm cơn sốt vàng diễn ra, khu vực này có hàng trăm máy nghiền, gần sáu chục lán trại và khoảng một nghìn người lao động. Ở điểm khai thác này lực lượng khai thác chủ yếu là người dân địa phương và một số người từ Thái Nguyên, Bắc Cạn và không có doanh nghiệp. Hoạt động khai thác tự phát, không bảo đảm an toàn khi các hầm đều khoét sâu vào lòng núi hàng trăm mét, chỉ sử dụng biện pháp bảo vệ hết sức sơ sài. Môi trường khu vực này cũng đáng báo động: Dòng suối bị ô nhiễm, rừng đầu nguồn bị tàn phá trên diện rộng. Sau khi có phản ánh của báo chí và người dân, tháng 10-2011, lực lượng chức năng đã tổ chức giải tỏa, giải tán các lán trại và yêu cầu tháo dỡ máy móc. Tuy nhiên, với những chiếc máy nặng hàng tấn, việc triển khai tháo dỡ đối với lực lượng chức năng là không khả thi. Hiện lực lượng công an vẫn tổ chức một đội túc trực trên con đường độc đạo vào khu vực này để bảo vệ và ngăn chặn hoạt động khai thác trái phép, nhưng vẫn không ngăn chặn triệt để được.
Tình trạng khai thác than “thổ phỉ” ở mỏ than Bố Hạ (Yên Thế) thời gian gần đây rất đáng báo động. Trước đó Công ty cổ phần khoáng sản Bắc Giang hết thời gian được giao khai thác nhưng chưa được cấp phép mới nên xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý. Mặt khác, nhu cầu sử dụng than đốt lò vôi, lò gạch trên địa bàn rất lớn nên giá than tăng mạnh dẫn đến tình trạng khai thác trái phép, tuồn than ra ngoài bằng cả xe tải trọng lớn, các loại xe tải nhỏ, xe trâu bò kéo 24/24 giờ mỗi ngày.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang còn tồn tại hàng trăm điểm khai thác cát, đá, sỏi, đất sét dùng làm nguyên vật liệu xây dựng, gốm sứ. Các mỏ đất sét có trữ lượng lớn như: Nội Hoàng (Yên Dũng), Thượng Lát (Việt Yên), Mẫu Sơn (Lạng Giang)… và các điểm khai thác cát, sỏi dọc hai bên bờ sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam. Việc khai thác cát sỏi bừa bãi kéo dài khiến dòng sông bị ô nhiễm, thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng cảnh quan và làm cuộc sống của người dân hai bên bờ sông đảo lộn. Nghiêm trọng hơn, trên địa bàn hai huyện Việt Yên, Yên Dũng giáp sông Cầu, đã xảy ra hàng chục vụ va chạm giữa người dân và đội quân khai thác cát, sỏi gây mất trật tự an ninh, lực lượng công an phải vào cuộc. Mặc dù vậy, do sự phối hợp chưa tốt giữa lực lượng chức năng hai tỉnh nên khi bên này truy quét thuyền khai thác lại nổ máy chạy sang bờ bên kia, khi lực lượng rút lại kéo về khai thác tiếp. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nhưng chính quyền địa phương chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu.
Chế tài có, nhưng… ai thực hiện?
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang, hiện trên địa bàn có 59 dự án khai thác khoáng sản của 39 doanh nghiệp, trong đó 30 dự án đã được cấp phép. Sở cũng đã phê duyệt 30 báo cáo đánh giá tác động môi trường và 28 dự án đã được xác nhận cam kết bảo vệ môi trường. Thực hiện chủ trương của tỉnh, có 34 doanh nghiệp ký quỹ bảo vệ môi trường trị giá hơn một tỷ đồng. Trong hai năm 2009-2010, tổng sản lượng khai thác khoáng sản trên địa bàn đạt hơn 1.800 tấn trị giá 950 tỷ đồng, trong khi đó, tiền thu thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường đạt 34 tỷ đồng. Nghịch lý ở chỗ trong tổng số 34 tỷ đồng thu vào ngân sách có đến hơn 70% là tiền thu nộp của Công ty TNHH một thành viên 45 (thuộc Tổng công ty Đông Bắc). Điều đó phản ánh nhiều doanh nghiệp, đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn đã tìm mọi cách trốn, nợ thuế, phí tài nguyên.
Vấn đề môi trường, cải tạo môi trường sau khai thác đối với các hoạt động khai thác khoáng sản cũng là điều đáng bàn. Chỉ riêng mỏ than Bố Hạ, diện tích khai thác bề mặt hơn 29 ha, chưa kể hàng chục km đường nối các điểm khai thác, đã làm ảnh hưởng gần 50 ha rừng. Cộng với hàng trăm ha cây ăn quả, cây lương thực của người dân chết, hỏng không thu hoạch được. Đánh giá về những tác hại của hoạt động khai thác khoáng sản đối với môi trường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Vũ Văn Tưởng cho rằng: Hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là khai thác mỏ ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến môi trường. Nhận thức rõ điều này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá để chấn chỉnh, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh ra các quyết định phù hợp theo đúng luật. Từ khi có những quy định về môi trường như: khoanh vùng khai thác, hoàn thiện công nghệ xử lý, ký quỹ, cam kết bảo vệ môi trường, xử phạt hành vi vi phạm… tình hình đã có chuyển biến. Nguyên nhân của tình trạng khai thác khoáng sản tràn lan là do sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quản lý hoạt động khoáng sản chưa chặt chẽ, đồng bộ; quy hoạch nghiên cứu chi tiết đối với các loại khoáng sản chưa được tiến hành; năng lực doanh nghiệp khai thác chưa bảo đảm; trong khi đó, một số địa phương thiếu quan tâm, chưa hoàn thành trách nhiệm quản lý, bảo vệ khoáng sản; cán bộ trong lĩnh vực tài nguyên – môi trường còn thiếu và yếu, địa bàn rộng khó bao quát…
Mới đây, trong chỉ thị về quản lý tài nguyên và hoạt động khai thác trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu các cấp, ngành trong tỉnh tăng cường phối hợp quản lý; tổ chức lực lượng tổng kiểm tra các mỏ đã cấp phép khai thác; đình chỉ các hoạt động khai thác trái phép hoặc có vi phạm; tịch thu phương tiện, tang vật, xử phạt các trường hợp vi phạm; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; nâng cao yêu cầu, trách nhiệm đối với doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường…
Theo Nhandan
Ý kiến ()