Chấn chỉnh vi phạm trong hoạt động chế biến khoáng sản ở Bắc Kạn
Thời gian qua, chế biến khoáng sản tại tỉnh Bắc Kạn là lĩnh vực thu hút được nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh các sai phạm về bảo vệ môi trường cần được quan tâm chỉ đạo, chấn chỉnh.
Hoạt động sản xuất tại nhà máy chế biến khoáng sản của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Nam Bắc Kạn. (Ảnh: QUÝ ĐÔN) |
Ngày 14/12/2023, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty cổ phần khoáng sản Bắc Kạn với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng.
Các lỗi vi phạm là thải khí thải và nước thải có chứa thông số môi trường nguy hại vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật.
Thời gian đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường của cơ sở trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày nhận được quyết định.
Vi phạm của Công ty cổ phần khoáng sản Bắc Kạn cho thấy việc kiểm soát, chấn chỉnh cần phải được thực hiện chặt chẽ hơn nữa.
Vi phạm đã được phát hiện và chấn chỉnh kịp thời. Sau 4 ngày kể từ khi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Công ty cổ phần khoáng sản Bắc Kạn đã nộp phạt hơn 1,6 tỷ đồng. Công ty đã có báo cáo khắc phục các công trình bảo vệ môi trường sau xử lý vi phạm hành chính.
Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã ban hành văn bản chỉ đạo Công ty vận hành thử nghiệm các công trình xử lý khí thải, nước thải. Quá trình vận hành thử nghiệm phải có sự kiểm tra, giám sát của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn.
Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn cũng đã có văn bản yêu cầu Công ty phối hợp chặt chẽ, có thời gian cụ thể khi lấy mẫu trong kiểm tra, giám sát quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải sau vi phạm về bảo vệ môi trường.
Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần khoáng sản Bắc Kạn Đinh Văn Hiến, đơn vị chấp hành nghiêm túc quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường. Công ty đang chạy thử nghiệm các công trình xử lý chất thải để khắc phục hậu quả vi phạm.
Trước đó, vào cuối năm 2022, Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) đã bắt quả tang việc xây dựng lò đốt chất thải trái phép trên đất rừng sản xuất và đốt chất thải điện tử nguy hại trái phép; đổ xỉ thải ra môi trường của Doanh nghiệp tư nhân Cao Bắc tại huyện Ngân Sơn.
Đây cũng là doanh nghiệp có thâm niên trong khai thác, chế biến khoáng sản tại Bắc Kạn nhưng đã có vi phạm. Điều này cho thấy cần có giải pháp căn cơ để bảo đảm quản lý chặt chẽ trong hoạt động chế biến khoáng sản.
Bắc Kạn hiện đã thu hút được nhiều nhà đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến khoáng sản, như: Nhà máy luyện chì – BKC công suất 5.000 tấn/năm của Công ty cổ phần khoáng sản Bắc Kạn; Nhà máy luyện chì công suất 5.000 tấn/năm của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hoàng Nam; Nhà máy điện phân chì kẽm của Công ty TNHH Ngọc Linh (đang hoàn thiện xây dựng); Nhà máy Luyện chì kim loại công suất 20.000 tấn/năm của Công ty cổ phần Luyện kim Bắc Kạn; Nhà máy Feromangan công suất 60.000 tấn/năm của Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp Bắc Kạn…
Tuy nhiên, việc khai thác khoáng sản của tỉnh chưa đáp ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy, chưa sản xuất được kim loại chất lượng cao cũng như các sản phẩm chi tiết từ kim loại.
Một số doanh nghiệp trên địa bàn tập trung mạnh vào khâu khai thác, song nguyên liệu chính lại chuyển ra tỉnh ngoài để chế biến sâu.
Một số nhà máy tạm ngừng hoạt động hoặc khó khăn về vốn, cho nên tiến độ xây dựng chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả lĩnh vực chế biến khoáng sản của Bắc Kạn.
Do còn công nghệ chế biến lạc hậu, việc quản lý còn sơ hở, cho nên tiềm ẩn nguy cơ vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường ở các nhà máy rất lớn.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn kiểm tra tiến độ các dự án khai thác, chế biến khoáng sản tại huyện Chợ Đồn. (Ảnh: QUÝ ĐÔN) |
Trước tình hình này, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu giải pháp quản lý, định hướng hoạt động khai thác phải gắn với chế biến sâu đối với một số loại khoáng sản mà tỉnh có tiềm năng, đặc biệt khoáng sản chì, kẽm.
Bắc Kạn kiên quyết không quy hoạch vùng nguyên liệu cho các dự án tạm dừng sản xuất nếu chưa có kế hoạch, lộ trình tái cấu trúc hoạt động trở lại cụ thể.
Các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản; quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất và chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản.
Để bảo đảm quy hoạch, bố trí các khu vực sản xuất đồng bộ, dễ quản lý và bảo vệ môi trường, Bắc Kạn đang tập trung mở rộng khu công nghiệp Thanh Bình và xây dựng các cụm công nghiệp.
Ngoài khu công nghiệp Thanh Bình, tỉnh đầu tư ngân sách để xây dựng cụm công nghiệp ở thành phố Bắc Kạn, huyện Chợ Đồn, Na Rì và Chợ Mới. Các dự án chế biến khoáng sản sẽ bố trí vào các khu vực này để khắc phục tình trạng khó quản lý về bảo vệ môi trường.
Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn cũng yêu cầu gắn trách nhiệm, kiểm điểm người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm về khoáng sản, lâm sản trên địa bàn.
Nguồn: https://nhandan.vn/chan-chinh-vi-pham-trong-hoat-dong-che-bien-khoang-san-o-bac-kan-post792578.html
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()