Chấn chỉnh tình trạng vi phạm quy định trong liên kết đào tạo
Có thể nói, trong những năm qua, tình trạng liên kết đào tạo suốt một thời gian dài bị buông lỏng quản lý, chưa thể hiện đúng mục đích lành mạnh của liên kết đào tạo. Mặt khác, trong liên kết quốc tế, một số đối tác nước ngoài lợi dụng hình thức liên kết đào tạo để “kinh doanh” trục lợi. Thậm chí có trường nước ngoài không có chức năng đào tạo, và chưa bảo đảm các điều kiện liên kết nhưng vẫn quảng cáo và tuyển sinh đào tạo.
Đặc biệt là tình trạng các trường chưa được cấp phép đào tạo vẫn tự ý liên kết đào tạo trái quy định. Những vấn đề tồn tại trong liên kết đào tạo được thể hiện rõ khi Thanh tra Chính phủ thanh tra công tác quản lý liên doanh, liên kết đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), việc liên doanh, liên kết đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội từ năm 2006 đến 2010 cho thấy, việc thực hiện liên kết đào tạo với nước ngoài có vi phạm về tuyển sinh, quá trình đào tạo, đánh giá chất lượng và cấp bằng; một số đơn vị mở rộng quy mô đào tạo vượt quá năng lực, chương trình, nội dung đề án không đầy đủ theo quy định. Bộ GD và ĐT chưa có quy định về mức thu học phí trong liên kết đào tạo quốc tế, dẫn đến các trường tự thỏa thuận mức thu với đối tác, một số chương trình liên kết có mức thu cao, nhưng chưa tương xứng với chất lượng đào tạo…
Để xử lý tình trạng yếu kém trong liên kết đào tạo, Thủ tướng Chính phủ vừa có kết luận xử lý sau thanh tra công tác quản lý nhà nước trong việc liên doanh, liên kết đào tạo đại học và sau đại học. Trong đó yêu cầu: Bộ GD và ĐT thực hiện chức năng quản lý nhà nước tiếp tục kiểm tra tất cả các chương trình liên kết đào tạo quốc tế khác có dấu hiệu vi phạm theo đúng quy định; theo dõi, chỉ đạo, có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời các vi phạm, khuyết điểm, tạo chuyển biến căn bản trong công tác quản lý đào tạo đại học và sau đại học, bảo đảm yêu cầu chất lượng đào tạo, góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đất nước…
Theo Bộ GD và ĐT, các trường đại học, cao đẳng không được phép liên kết tuyển sinh và đào tạo ngoài cơ sở đào tạo để cấp bằng cao đẳng, đại học hệ chính quy. Nhiều trường đã bị Bộ GD và ĐT xử lý các vi phạm trong liên kết đào tạo do vi phạm ở các hình thức khác nhau. Điển hình như Viện Đại học mở Hà Nội thông báo tuyển sinh hệ đại học khóa 12 (năm 2011 – 2012) dự kiến có ba ngành chưa được phép. Trường Du lịch và Khách sạn Vatel – Cộng hòa Pháp liên kết với Trường đại học Hoa Sen chương trình liên kết đào tạo cử nhân quản lý khách sạn nhà hàng quốc tế, dù chưa đủ điều kiện theo quy định đã tổ chức tuyển sinh, hiện có 14 sinh viên đang theo học ngoại ngữ và làm quen với nghề nghiệp trước khi học chính khóa. Công ty TNHH Melior Việt Nam là đơn vị 100% vốn nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực đào tạo nghề; không được phép tổ chức hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ nhưng vẫn thực hiện đào tạo 330 sinh viên trái quy định. Gần đây, ngày 19-10, Thanh tra Bộ GD và ĐT đã xử phạt hành chính Trường đại học Sài Gòn vì thông báo tuyển sinh chương trình chuyên đề nâng cao năng lực cán bộ chuyên ngành quản trị kinh doanh năm 2012, hợp tác với Trường đại học Kinh doanh quốc tế (Thụy Sĩ) khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Buộc Trường đại học Sài Gòn chấm dứt hoạt động quảng cáo, tuyển sinh chương trình chuyên đề nâng cao năng lực cán bộ chuyên ngành quản trị kinh doanh năm 2012, hợp tác với Trường đại học Kinh doanh quốc tế trái phép trên lãnh thổ Việt Nam.
Ngoài việc xử lý nghiêm của ngành giáo dục, các ngành, địa phương, nhất là các địa phương có cơ sở đào tạo đóng trên địa bàn cần tăng cường giám sát và xử lý những sai phạm của cơ sở liên kết đào tạo. Tránh tình trạng như tại TP Hồ Chí Minh, sau khi Bộ GD và ĐT thanh tra, xử lý đầu năm 2012; UBND thành phố Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ một số sở, ngành giám sát, đôn đốc. Tuy nhiên, đến tháng 9-2012, khi tổ chức kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt hành chính một số đơn vị bị xử lý như Công ty TNHH Melior, Viện Quản trị tài chính… vẫn tiếp tục vi phạm.
Theo Chánh Thanh tra (Bộ GD và ĐT) Nguyễn Huy Bằng, Bộ GD và ĐT sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý các trường thực hiện sai quy định trong đào tạo liên thông, liên kết. Theo đó, trong kế hoạch thanh tra năm 2013 dự kiến sẽ tập trung vào các đợt thanh tra chuyên đề về liên kết đào tạo, liên kết đào tạo có yếu tố nước ngoài nhằm chấn chỉnh kịp thời những sai phạm. Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, trong quản lý liên kết đào tạo hiện nay, Bộ GD và ĐT cần giám sát chặt chẽ, toàn diện vấn đề hợp tác quốc tế của các cơ sở đào tạo; rà soát, thẩm định và công khai toàn bộ điều kiện bảo đảm tính hợp pháp của phía đối tác liên kết. Công tác quản lý nhà nước cần đổi mới theo hướng giản lược hành chính, phân cấp và giao quyền tự chủ nhưng không thả nổi, mở ra cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội của các cơ sở tham gia liên kết. Mặt khác, cần quy định rõ phạm vi, mức độ, quyền hạn và trách nhiệm phối hợp của từng cơ quan quản lý nhà nước.
Ý kiến ()