Chấn chỉnh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong xuất khẩu lao động
Năm 2015, được dự báo là năm sẽ có số lao động đi làm việc tại nước ngoài cao tương đương hoặc hơn năm 2014 (khoảng 106 nghìn người). Riêng trong sáu tháng đầu năm, có hơn 56 nghìn người đi làm việc tại nước ngoài, đạt 60% so kế hoạch năm. Tuy nhiên, tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh nhằm giành giật đơn hàng, nguồn tuyển dụng giữa các doanh nghiệp đang diễn ra gay gắt.
Bất ổn tại nhiều thị trường
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện có 231 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, có 17 doanh nghiệp nhà nước, 166 công ty cổ phần và 48 công ty trách nhiệm hữu hạn. Thời gian qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB và XH) đã thu hồi giấy phép của 44 doanh nghiệp do hoạt động không có hiệu quả, doanh nghiệp chấm dứt hoạt động hoặc vi phạm quy định trong lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ).
Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước Tống Hải Nam cho biết: Mặc dù thị trường XKLĐ có những khởi sắc, nhưng thực tế hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài còn nhiều hạn chế, vướng mắc, dẫn đến nguồn lao động, công tác đào tạo tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa đạt chất lượng, hiệu quả cao như mong muốn. Cùng với đó là tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp về nguồn lao động, tăng chi phí xuất cảnh của lao động để giành đối tác, đơn hàng… làm cho thị trường không ổn định và chỉ có lợi cho đối tác nước ngoài, đồng thời người lao động sẽ chịu nhiều rủi ro khi xuất cảnh đi làm việc.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp sau khi được cấp phép hoạt động thì phó mặc cho các văn phòng đại diện, trung tâm đào tạo, địa điểm kinh doanh thực hiện công tác tuyển chọn, đào tạo, thu tiền, ký hợp đồng với người lao động. Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không kiểm soát được chất lượng, số lượng lao động đưa đi, đến khi có vụ việc xảy ra với lao động và được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu giải quyết thì doanh nghiệp lúng túng, có trường hợp còn đùn đẩy trách nhiệm.
Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy hầu hết các doanh nghiệp tuyển chọn lao động còn nhiều sai phạm, như quảng cáo vượt quá sự thật; tuyển lao động, đào tạo nhưng không tổ chức đưa đi mà chuyển nguồn lao động cho doanh nghiệp khác có hợp đồng tổ chức đưa đi… Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến mức phí người lao động phải đóng cao hơn. Một số doanh nghiệp tư vấn, tuyển chọn quá nhiều lao động so với nhu cầu, nên tiến độ đưa đi chậm; tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp cùng tuyển chọn trong một thị trường tạo nên nhiều bất ổn.
Việt Nam đang là nước cung ứng lao động lớn thứ hai vào Đài Loan (Trung Quốc), số lượng lao động gia tăng mạnh trong năm năm trở lại đây, hiện có khoảng 160 nghìn người làm việc tại Đài Loan. Riêng thị trường này, đã có 75 doanh nghiệp tham gia đưa lao động đi làm việc. Tuy là thị trường lao động truyền thống, nhưng đây cũng là thị trường còn nhiều vấn đề bất cập. Tình trạng thu phí sai quy định, chi trả tiền môi giới cao để giành đơn hàng vẫn tồn tại, mặc dù từ năm 2012, Bộ LĐ-TB và XH có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện lộ trình giảm chi phí của người lao động khi đi làm việc tại Đài Loan, đưa chi phí về với thực tế thị trường (từ tháng 2-2014, mức phí đối với người lao động giảm còn 4.000 USD đối với lao động trong lĩnh vực công nghiệp, 3.300 USD với lao động làm công việc hộ lý, y tá, chăm sóc người bệnh…). Mặc dù triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đây cũng là thị trường có số lao động Việt Nam bỏ trốn lớn, hiện có khoảng 22 nghìn lao động Việt Nam bỏ hợp đồng chưa về nước…
Tại Trung Đông, Ả-rập Xê-út là thị trường lao động lớn, có nhu cầu tiếp nhận hàng trăm nghìn lao động nước ngoài mỗi năm, được coi là một trong những thị trường “dễ tính” trong việc tiếp nhận lao động. Hiện có 50 doanh nghiệp Việt Nam đưa lao động sang làm việc tại thị trường này chủ yếu trong các ngành nghề xây dựng, nhà máy, cơ khí, vận tải và giúp việc gia đình, với số lượng gần 18.000 người.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: Thời gian qua, tại thị trường này còn phát sinh các khiếu nại của người lao động (đa phần liên quan lao động giúp việc gia đình) về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, điều kiện ăn uống, chủ sử dụng ngược đãi… Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp tuyển chọn chưa kỹ, không đào tạo, giáo dục định hướng đầy đủ, nên người lao động không giao tiếp được với chủ sử dụng, khó hòa nhập môi trường sống mới với văn hóa khác biệt, dẫn đến tâm lý chán nản, đòi về nước trước hạn…
Nhiều chuyên gia nhận định, ngoài các thị trường truyền thống như Đài Loan, Ma-lai-xi-a, Hàn Quốc, Trung Đông, hiện nay Nhật Bản được coi là thị trường tiềm năng. Vừa qua, trong khuôn khổ “Chương trình phái cử và tiếp nhận tu nghiệp sinh nước ngoài vào tu nghiệp tại Nhật Bản”, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã giới thiệu 173 doanh nghiệp phái cử uy tín, đủ điều kiện để tham gia chương trình. Việt Nam hiện là nước thứ hai sau Trung Quốc về số lượng thực tập sinh được nhập cảnh tiếp nhận hằng năm vào Nhật Bản. Ước tính có khoảng hơn 40 nghìn thực tập sinh Việt Nam đang thực tập nâng cao tay nghề tại Nhật Bản. Thu nhập trung bình của mỗi thực tập sinh tại Nhật Bản đạt từ 800 USD đến 1.000 USD/tháng. Bên cạnh những cơ hội đang mở ra cho Việt Nam thì hoạt động phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản cũng đang đối mặt không ít khó khăn, khi phải cạnh tranh với 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản. Nhưng quan trọng hơn, ngay trong nước, cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp phái cử vẫn diễn ra. Để thu hút được đối tác Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp đã giảm chi phí quản lý phái cử (do đối tác Nhật Bản chi trả) xuống mức rất thấp, thậm chí không nhận phí quản lý; thu tiền vé máy bay lượt đi đối với thực tập sinh; không nhận tiền đào tạo trước khi phái cử từ tổ chức tiếp nhận…
Cần những giải pháp mạnh
Tại hội nghị về đưa lao động đi làm việc tại một số thị trường ngoài nước do Bộ LĐ-TB và XH tổ chức mới đây, tham gia đối thoại với cơ quan quản lý nhà nước, nhiều doanh nghiệp XKLĐ thẳng thắn thừa nhận tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và phản ánh những khó khăn mà họ gặp phải.
Giám đốc Trung tâm đào tạo và cung ứng nhân lực quốc tế (thuộc Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật và Xuất khẩu – TECHSIMEX) Nguyễn Thị Kim Thanh cho biết, mặc dù hoạt động lâu năm tại hai thị trường Nhật Bản và Ả-rập Xê-út, nhưng TECHSIMEX vẫn gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh không lành mạnh trong tuyển dụng, có thời điểm công ty phải mua nguồn lao động với giá cao. Theo bà Thanh, để nâng cao chất lượng nguồn tuyển dụng, các doanh nghiệp cần có cơ chế phối hợp các trường dạy nghề trong đào tạo, để được cung ứng nguồn lao động chất lượng tốt.
Trong cuộc đối thoại với các doanh nghiệp XKLĐ, Bộ trưởng LĐ-TB và XH Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: XKLĐ là một trong các kênh quan trọng để giải quyết việc làm, tạo thu nhập cao, ổn định cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn. Vì vậy, thời gian tới, phải có những biện pháp mạnh nhằm chấn chỉnh những hạn chế lâu nay trong công tác XKLĐ.
Trong đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các vi phạm của các doanh nghiệp theo quy định pháp luật. Nhất là đối với các công ty không trực tiếp tuyển chọn, đào tạo và thu tiền của người lao động… Thu hồi giấy phép đối với những doanh nghiệp vi phạm hoặc hoạt động không hiệu quả trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, phối hợp cơ quan ngoại giao tìm kiếm cơ hội mở các thị trường mới, cũng như các ngành nghề mới, đem lại thu nhập cao và ổn định cho người lao động. Đồng thời, tăng cường quản lý, bảo vệ quyền lợi của người lao động ở nước ngoài…
Đại diện các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam Phạm Đỗ Nhật Tân cho rằng, để giải quyết tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong cùng một thị trường, tại các thị trường trọng điểm thu hút nhiều lao động, cần sớm thành lập ban tập hợp các doanh nghiệp tham gia đưa lao động đi làm việc tại thị trường đó. Cùng với chính sách chung của Nhà nước, ban phải có trách nhiệm thống nhất, chỉ đạo các doanh nghiệp, đưa ra tiếng nói chung về cùng một mức phí, vấn đề đào tạo cho người lao động…
Hiện nay, có khoảng 500 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia và các vùng lãnh thổ. Từ năm 2010 đến 2015, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 450 nghìn người. Trong đó, số lao động do các doanh nghiệp dịch vụ đưa đi chiếm gần 90% tổng số lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()