Chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý khoáng sản
Bắc Kạn được đánh giá là một trong những tỉnh có thế mạnh, tiềm năng về khoáng sản với 273 mỏ và điểm khoáng sản cùng 24 loại khoáng sản khác nhau, phân bố ở hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Các khoáng sản có giá trị như chì kẽm, sắt, vàng tập trung nhiều ở khu vực huyện Chợ Đồn, Ngân Sơn, Pác Nặm, Na Rì; đá vôi và cát sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường tập trung chủ yếu ở huyện Chợ Đồn, Na Rì, thành phố Bắc Kạn… Đây là lợi thế và tiềm năng để phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Trên thực tế, quá trình khai thác khoáng sản còn bộc lộ những bất cập như: Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện một số văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động khoáng sản chưa được kịp thời. Các cơ quan chuyên môn chưa chủ động tham mưu, đề xuất được các giải pháp quản lý hiệu quả. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quản lý khai thác, vận chuyển khoáng sản chưa chặt chẽ, đồng bộ, chưa quản lý được sản lượng khoáng sản khai thác thực tế. Việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động khoáng sản, thực hiện nghĩa vụ tài chính, bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp chưa nghiêm túc, còn xảy ra tình trạng khai báo sản lượng khai thác không đúng với thực tế, gây thất thoát tài nguyên và thất thu ngân sách nhà nước. Tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép chưa được ngăn chặn triệt để, gây bức xúc trong nhân dân.
Ông Hoàng Hà Bắc, Bí thư Huyện ủy Ngân Sơn cho biết: Tình trạng nợ thuế, phí trong lĩnh vực khoáng sản ở Ngân Sơn đã diễn ra nhiều năm. Tiền nợ thuế lớn của các doanh hoạt động trong lĩnh vực này ảnh hưởng rất lớn đến thu ngân sách của huyện. Thời gian qua, mặc dù chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp để quản lý hoạt động khai thác khoáng sản nhưng để ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép vẫn gặp nhiều khó khăn.
Theo thống kê, từ năm 2011 đến năm 2016, toàn tỉnh đã cấp 72 giấy phép hoạt động khoáng sản nhưng mỗi năm ngân sách tỉnh chỉ thu được 60 – 70 tỷ đồng. Con số này chưa tương xứng với tiềm năng thực tế bởi tình trạng thất thoát vẫn diễn ra. Trong 5 năm gần đây, khối lượng khoáng sản vận chuyển trên địa bàn tỉnh là hơn 820 nghìn tấn nhưng có tới hơn 610 nghìn tấn quặng thô được vận chuyển ra ngoài tỉnh. Điều này nảy sinh thêm những bất cập trong việc quản lý thuế, phí. Việc tỉnh Bắc Kạn đang để cho doanh nghiệp tự kê khai sản lượng nộp thuế, phí như hiện nay rất dễ xảy ra tình trạng thiếu minh bạch trong việc kê khai trữ lượng và đóng thuế cho nhà nước.
Bà Phương Thị Thanh, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Bắc Kạn cho biết: Công tác kiểm tra, giám sát đã phát hiện nhiều doanh nghiệp khai báo sản lượng khai thác để nộp thuế không trung thực so với sản lượng khai thác thực tế. Một số doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ ấn định thuế tài nguyên đối với khoáng sản đi kèm trong khi đơn vị không có văn bản báo cáo cụ thể với cơ quan thuế về thời gian khai thác, thời gian tạm dừng hoạt động, thời gian nghỉ khai thác do điều kiện thời tiết theo quy định. Tình trạng vận chuyển khoáng trái phép, vận chuyển quá tải vẫn xảy ra. Tình trạng nợ đọng thuế, phí của các doanh nghiệp trong 2 năm gần đây có dấu hiệu gia tăng. Một số doanh nghiệp thiếu ý thức chấp hành nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước, có biểu hiện chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Để hoạt động khai khoáng tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật và đem lại hiệu quả kinh tế, việc chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý khoáng sản đang được cấp, ngành của tỉnh tỉnh Bắc Kạn quan tâm, tìm giải pháp tháo gỡ. Một giải pháp quan trọng là tập trung cho công nghệ chế biến sâu, không cấp phép khai thác cho doanh nghiệp không có nhà máy chế biến. Bên cạnh đó, cần thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp có kinh nghiệm, có tiềm lực tài chính vào lĩnh vực khai thác, gắn với chế biến sâu khoáng sản; tạo giá trị gia tăng, giải quyết nhiều việc làm tại chỗ và tăng thu cho ngân sách địa phương./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()