Chấn chỉnh hoạt động khai thác đá ở Lào Cai
|
Đứng phía dưới chân núi nhìn lên thấy người công nhân như làm xiếc, cố ấn mũi khoan vào vỉa đá, tiếng rít phát ra ghê rợn. Chiếc dây thừng to cỡ cổ tay là vật bảo hiểm duy nhất cho tính mạng của họ, một đầu được đóng ghim vào đỉnh núi, rồi thả lòng thòng xuống phía dưới, người công nhân cứ thế bám theo sợi dây thừng để khoan đá, nhồi thuốc mìn, tra kíp nổ. Thỉnh thoảng có đá nhỏ lăn từ trên đỉnh núi xuống, họ vội nép mình vào vách đá. Ở bộ phận xay và sàng đá phía dưới chân núi bụi mù mịt và tiếng ồn quá cỡ, nhiều công nhân làm việc không đeo kính bảo hộ, khẩu trang, mũ chống ồn.
Ở Mỏ đá Thiên Thanh, công trường khai thác kẹp giữa hai vách đá cao, không được cắt tầng, tạo thành “máng trượt”, đất đá từ trên cao sụt lở rất nguy hiểm. Đến mỏ đá của Công ty TNHH Hồng Toàn, vách đá cao và dốc gần như dựng đứng, do không cắt tầng cho nên nhiều tảng đá treo lởm chởm trên cao, chỉ chực rơi xuống, khá nguy hiểm. Ngay dưới chân là dàn máy xay và nghiền đá, công nhân đi lại vận hành máy móc; nếu chẳng may đá treo rơi bất ngờ thì thiệt hại là khó lường. Giám đốc điều hành mỏ Đinh Xuân Thái lý giải, do địa hình và kết cấu vỉa đá phức tạp không thể đưa máy lên cao để cắt tầng, cho nên đành khai thác từ trên ngọn núi xuống…?! Hầu như đến mỏ đá nào ở các huyện Bảo Thắng, Mường Khương, Văn Bàn…, nhìn bằng mắt thường cũng thấy việc vi phạm an toàn lao động là phổ biến.
Tỉnh Lào Cai đang phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và công nghiệp thủy điện cho nên nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu đá rất lớn. Toàn tỉnh hiện có 35 mỏ đá, có công suất từ 8.000 đến 50.000 m3/năm, sử dụng công nghệ và máy móc thiết bị khai thác, chế biến đá của Trung Quốc, tập trung ở các huyện Bảo Thắng, Văn Bàn, Mường Khương, Bắc Hà… Phần lớn các tổ chức, cá nhân khai thác đá, chỉ có giấy phép khai thác khoáng sản do tỉnh cấp và bộ khung quản lý, còn hầu như thuê mướn nông dân địa phương theo thời vụ cho nên không bảo đảm các điều kiện, quy định về an toàn lao động, về chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động. Trong khai thác đá lộ thiên, yêu cầu nghiêm ngặt là phải cắt tầng khai thác, rộng ít nhất từ 4 đến 8 m, theo hướng cắt từ trên xuống dưới để tránh trượt sụt. Các thiết bị phục vụ khai thác như bình khí nén, vật liệu nổ…, phải thường xuyên được kiểm định để bảo đảm an toàn. Công nhân khai thác đá phải được tập huấn, cấp thẻ an toàn lao động; trang bị bảo hộ lao động và khám sức khỏe định kỳ. Do tính chất nguy hiểm, phức tạp của công việc, quy định mỗi mỏ đá phải có một giám đốc điều hành, có trình độ kỹ sư chuyên ngành, có thâm niên công tác từ ba năm trở lên, chịu trách nhiệm toàn bộ về an toàn lao động tại mỏ. Mặc dù quy định khá rõ ràng, nhưng phần lớn các mỏ đá hiện đang hoạt động ở Lào Cai vi phạm các quy định hiện hành về khai thác, an toàn lao động và môi trường.
Qua kiểm tra 25 mỏ đá đang hoạt động trên địa bàn, Sở Công thương phát hiện 19 mỏ không có thiết kế thi công (điều kiện bắt buộc đối với khai thác đá); mười mỏ không có giám đốc điều hành; tất cả các mỏ đều không cắt tầng khai thác, độ dốc sườn tầng từ 70- 80 độ, 15 mỏ có đá treo trên sườn tầng rất nguy hiểm cho người và phương tiện khai thác; 12 mỏ không thực hiện các biện pháp phòng, chống cháy nổ; bảy mỏ không trang bị phương tiện bảo hộ, 19 mỏ không khám sức khỏe định kỳ cho công nhân, người lao động. Vì sao tất cả các mỏ đá ở Lào Cai không thực hiện cắt tầng khai thác? Phó Trưởng phòng Kỹ thuật – An toàn lao động Sở Công thương Lào Cai Trịnh Huy Đại lý giải: Nếu tuân thủ cắt tầng theo thiết kế kỹ thuật khai thác lộ thiên sẽ phải chi phí lớn để mở đường công vụ, phương tiện và xăng, dầu vận tải… Rõ ràng vì lợi nhuận cho nên các doanh nghiệp khai thác đá ở Lào Cai “bỏ qua” quy trình quy phạm, khai thác thẳng từ trên xuống dưới, độ dốc sườn tầng lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động rất cao.
Để chấn chỉnh hoạt động khai thác đá trên địa bàn, UBND tỉnh Lào Cai đã thành lập đoàn công tác liên ngành tiến hành tổng kiểm tra; xử phạt 25 triệu đồng đối với doanh nghiệp Khước Tĩnh (mỏ đá Bản Lầu, Mường Khương) do quá hạn giấy phép khai thác; đình chỉ năm mỏ đá của các đơn vị: Công ty TNHH Hồng Toàn, Công ty Phúc Khánh, HTX Xuân Hùng, Trung tâm Giáo dục – Lao động TP Lào Cai và doanh nghiệp Đức Mạnh, có nguy cơ mất an toàn cao. Tỉnh yêu cầu doanh nghiệp, đơn vị chủ quản khắc phục các sai phạm mới cho hoạt động trở lại; đơn vị nào không sửa những sai phạm đã được đoàn kiểm tra liên ngành lập biên bản (trong thời gian cho phép) sẽ bị thu hồi giấy phép khai thác, chấm dứt hoạt động. Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường không cấp giấy phép khai thác đá đối với các mỏ không đủ khoảng cách an toàn nổ mìn theo quy chuẩn của Bộ Công thương. Sở Xây dựng phối hợp chính quyền địa phương không cho phép khởi công mỏ mới khi chưa có thiết kế kỹ thuật thi công. Thanh tra lao động tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ tại các mỏ đá trên địa bàn.
Ý kiến ()