Chấn chỉnh hoạt động giới thiệu việc làm
Cửa hàng dịch vụ cầm đồ "kiêm" tư vấn việc làm - gia sư tại địa chỉ 120 đường Phạm Văn Đồng. Hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm (GTVL) thuộc các ngành chức năng, đoàn thể trong những năm qua có nhiều cố gắng cung cấp dịch vụ GTVL cho hàng nghìn lao động. Song, bên cạnh những trung tâm GTVL có uy tín, hiệu quả, thì vẫn còn không ít trung tâm, văn phòng, cơ sở GTVL tư nhân làm ăn kiểu "chụp giật", lừa đảo, khiến nhiều học sinh, sinh viên và người lao động bị "sập bẫy".Bát nháo dịch vụ giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viênTheo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) Hà Nội, hiện tại thành phố chỉ có hai trung tâm GTVL trực thuộc Sở LĐ-TB và XH và 32 đơn vị khác có chức năng GTVL thuộc một số ngành, tổ chức hội, đoàn thể. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, trong thời gian gần đây, khi nhu cầu việc làm ngày càng tăng cao, thì dịch vụ GTVL của tư nhân cũng "bung" như hoa đua nở....
Cửa hàng dịch vụ cầm đồ “kiêm” tư vấn việc làm – gia sư tại địa chỉ 120 đường Phạm Văn Đồng. |
Bát nháo dịch vụ giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên
Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) Hà Nội, hiện tại thành phố chỉ có hai trung tâm GTVL trực thuộc Sở LĐ-TB và XH và 32 đơn vị khác có chức năng GTVL thuộc một số ngành, tổ chức hội, đoàn thể. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, trong thời gian gần đây, khi nhu cầu việc làm ngày càng tăng cao, thì dịch vụ GTVL của tư nhân cũng “bung” như hoa đua nở. Dạo qua các tuyến phố Nguyễn Trãi, Láng, Khuất Duy Tiến, Phạm Văn Đồng và một số trường đại học ở Thủ đô, điều dễ nhận thấy là các cơ sở GTVL đua nhau trưng biển quảng cáo, lô-gô: Làm thêm hè, Tìm việc nhanh, Sinh viên làm thêm, Làm việc ngoài giờ, Giới thiệu việc làm trong nước. Có cơ sở GTVL trên đường Phạm Văn Đồng dựng hai tấm gỗ làm bảng liệt kê hàng trăm vị trí việc làm, cần tuyển gấp lao động. Thậm chí, có cơ sở GTVL, kiêm luôn cả dịch vụ cầm đồ, môi giới nhà đất, giới thiệu kết bạn… Phần lớn hoạt động của loại hình dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm này chỉ mang tính hình thức, trụ sở chỉ là những căn phòng nhỏ thuê mượn, chỉ kê được một chiếc bàn, có một đến hai nhân viên hoạt động. Họ tư vấn, giới thiệu việc làm bằng cách nắm bắt nguồn thông tin quảng cáo trên báo chí, hoặc sao chép, “ăn cắp” thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của một số doanh nghiệp, tổ chức, sau đó in ấn tờ rơi dán tại các điểm có đông học sinh, sinh viên qua lại như, nhà chờ xe buýt, cổng trường đại học, ký túc xá. Theo đó, họ tùy tiện thu lệ phí và giới thiệu người lao động đến những nơi có nhu cầu tuyển dụng mà không cần thỏa thuận với đơn vị tuyển dụng lao động. Khi các học sinh, sinh viên đến nơi được giới thiệu thì mới vỡ lẽ vị trí tuyển dụng đã có người làm, hoặc bị doanh nghiệp từ chối, làm các em mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc, thậm chí còn xảy ra tranh chấp. Một số cơ sở GTVL khác in lô-gô, tờ rơi quảng cáo không đề rõ địa chỉ ở đâu, mà chỉ ghi tên, số điện thoại khuyến mại của người GTVL để tránh sự kiểm tra của ngành chức năng và chính quyền cơ sở. Từ đó, họ lợi dụng danh nghĩa GTVL để lừa đảo học sinh, sinh viên, thu lợi bất chính. Phạm Doãn Mẫn, sinh viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội) cho biết: “Đọc tờ rơi dán trước cổng trường, thấy quảng cáo công việc phát sản phẩm khuyến mại có mức lương 3 triệu đồng/tháng, thời gian làm việc chỉ có 2 giờ/ngày, em hăm hở liên hệ theo địa chỉ cơ sở GTVL nằm ở đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) in trên tờ rơi. Tại đây, một nhân viên tiếp đón rất niềm nở và hướng dẫn viết hồ sơ xin việc, kèm thêm yêu cầu em nộp lệ phí hồ sơ 100 nghìn đồng, sau đó lấy giấy hẹn chờ xét tuyển. Đợi hai tuần sau không thấy tin tức gì, tìm đến cơ sở này hỏi thì họ đã biến mất. Em vừa bị mất tiền, vừa bị mất công sức, thời gian”. Nguyễn Thị Hảo, sinh viên Trường đại học Công đoàn chia sẻ: “Tham gia chương trình phát hàng dùng thử cho một hãng mỹ phẩm ở phố Chùa Bộc, mức thù lao 170 nghìn đồng/ca/hai giờ, em thấy quảng cáo của họ tuyển nhân viên không phải đóng lệ phí hay thế chấp. Nhưng đến nơi thì họ lại yêu cầu phải nộp 150 nghìn đồng đặt cọc gọi là tiền bảo đảm hợp đồng. Em tìm tới một địa chỉ GTVL khác, nhân viên ở đây cho biết: Cần tuyển 10 nhân viên phát quà phục vụ cho một công ty khai trương, mức lương 150 nghìn đồng/3 giờ làm việc/ngày. Viện lý do thu tiền làm thẻ, họ bắt em phải đóng 200 nghìn đồng và được hẹn ba ngày sau sẽ gọi đi làm. Đợi một tuần không thấy tin tức, em chủ động hỏi, thì họ bảo công ty hoãn khai trương, phải chờ. Nhiều lần sau hỏi vẫn phải chờ thế là em chán, đành bỏ”.
Ngoài những việc làm thêm quen thuộc như gia sư, phát tờ rơi, dịp hè này, nhiều bạn trẻ chọn cho mình những công việc khá lạ như đẩy bài lên mạng báo điện tử, làm hoạt náo viên cho các gameshow với nhiệm vụ vỗ tay, mỉm cười tạo sức nóng cho chương trình… Song phần lớn các sinh viên khi đi làm thêm lại không tìm hiểu kỹ thông tin việc làm, thủ tục pháp lý của hợp đồng và quyền lợi của mình. Do vậy khi bị lừa đảo, mới nhận ra rằng công sức, tiền của mình đã đầu tư không đúng chỗ. Thủ đoạn lừa đảo của chủ các dịch vụ tư vấn, GTVL cũng rất tinh vi. Để tạo độ tin cậy, các cơ sở này đều ký kết hợp đồng với người lao động. Nhưng nội dung hợp đồng lại không tuân thủ quy định của Bộ luật Lao động: Không có số điện thoại, fax, không có số tài khoản, địa chỉ cụ thể mà chỉ ghi đơn giản tên người giới thiệu việc làm (bên A) và tên người xin việc (bên B), còn công việc phải làm, làm ở đâu, thì ghi rất chung chung. Khi thu tiền phí hồ sơ, tiền đặt cọc môi giới việc làm, họ cũng không hề có một hóa đơn chứng từ nào. Do vậy, nếu có khiếu kiện, tranh chấp thì các văn bản như trên sẽ không có giá trị pháp lý. Tìm hiểu, chúng tôi thấy rõ hơn: Hình thức trục lợi của các cơ sở tư vấn, GTVL “ma” thường liên kết chặt chẽ với nhau để lừa đảo, đùn đẩy trách nhiệm khi người xin việc bị “sập bẫy”. Có cơ sở treo biển hoạt động, sau khi lừa thu phí tuyển dụng của nhiều học sinh, sinh viên liền “chạy làng”, tránh sự kiểm soát của ngành chức năng khi có khiếu kiện, tố cáo. Và không chỉ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà nhiều địa phương khác, thậm chí ở cả các vùng nông thôn, dịch vụ GTVL phát triển cũng khá lộn xộn, bát nháo và chưa được quản lý đúng theo quy định của pháp luật.
Còn bất cập trong xử lý vi phạm
Hầu hết, các trung tâm, văn phòng, cơ sở GTVL của tư nhân đều không đủ điều kiện về địa điểm, cơ sở vật chất, về vốn quỹ và đội ngũ nhân viên để hoạt động. Một số đơn vị thì tổ chức tư vấn, GTVL “chui”, không có giấy phép, thí dụ: Kiểm tra tại Công ty cổ phần và đầu tư Trường Giang, địa chỉ tại số 120 đường Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy (Hà Nội), Sở LĐ-TB và XH Hà Nội đã phát hiện đơn vị này công khai treo biển quảng cáo GTVL, song không có giấy phép hoạt động. Năm 2011, qua kiểm tra hai văn phòng môi giới việc làm, địa chỉ tại số 441 và 145 Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy (Hà Nội) ngành chức năng phát hiện giám đốc hai văn phòng này là Đinh Gia Kiên, cư trú tại xã Đại Bái, Gia Bình (Bắc Ninh) có hành vi lừa đảo. Nhiều sinh viên xin việc làm thêm tại hai văn phòng trên đều được Kiên viết giấy hẹn, thu phí môi giới, nhưng chưa có ai trong số những người nộp tiền cho Kiên được đi làm. Đây chỉ là số ít các vụ lừa đảo đã bị cơ quan chức năng xử lý khi một số học sinh, sinh viên đến trình báo cơ quan công an. Thực tế có rất nhiều vụ việc học sinh, sinh viên bị các cơ sở dịch vụ GTVL giăng bẫy, lừa đảo, nhưng lại e ngại, không dám báo với cơ quan chức năng, nên rất khó xử lý. Do vậy, các trung tâm, văn phòng, cơ sở GTVL kiểu “chụp giật” vẫn ung dung chơi “bài lỳ”, đổi tên cơ sở, mượn đăng ký kinh doanh và tiếp tục hành nghề bất chính. Tìm hiểu chúng tôi được biết, nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều năm qua ngành chức năng, chính quyền cơ sở còn bỏ ngỏ và thiếu sự quan tâm quản lý hoạt động dịch vụ GTVL tư nhân. Một cán bộ phòng LĐ-TB và XH ở một quận trung tâm tại Hà Nội cho biết: Cán bộ cơ sở cũng chỉ hiểu “mông lung” về lĩnh vực lao động việc làm. Các sở LĐ-TB và XH là đơn vị trực tiếp cấp phép hoạt động GTVL, song lại không cung cấp danh sách đơn vị đã được cấp giấy phép GTVL cho các quận, huyện nắm bắt thông tin. Chính vì thiếu thông tin hai chiều, cho nên đối với những quận thuộc khu vực thành phố Hà Nội có tới 2.000 doanh nghiệp, thì không biết đơn vị nào hoạt động GTVL, đơn vị nào không. Điều đó gây rất nhiều khó khăn cho các Phòng LĐ-TB và XH ở các quận, huyện trong công tác thanh tra, kiểm tra. Trưởng phòng LĐ-TB và XH quận Cầu Giấy (Hà Nội) Nguyễn Thị Thanh cho biết: Ngoài vướng mắc do cơ chế, thì lực lượng quản lý chuyên ngành lao động việc làm khá mỏng, lại phải kiêm nhiệm rất nhiều việc. Việc kiểm tra những đơn vị GTVL sai phạm chỉ thực hiện khi có đơn thư khiếu kiện. Còn những trung tâm, văn phòng, cơ sở GTVL “ma” rất khó kiểm soát được. Theo chúng tôi, chính sự buông lỏng quản lý này dẫn đến hệ lụy, là nhiều học sinh, sinh viên, người lao động phải gánh chịu thiệt thòi; và những trung tâm, văn phòng, cơ sở GTVL “ma” không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động GTVL ở những đơn vị GTVL chân chính, làm mất lòng tin với người lao động, mà còn gây mất an ninh trật tự xã hội.
Một vài kiến nghị
Để lập lại trật tự trong hoạt động dịch vụ GTVL, theo chúng tôi, trước hết, Sở LĐ-TB và XH các địa phương và các ngành chức năng cần sớm rà soát các cơ sở GTVL hiện có để xử lý nghiêm đối với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp giới thiệu việc làm có hành vi sai phạm, gian dối, lừa đảo người lao động. Theo Nghị định 19/2005/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện, thủ tục thành lập và hoạt động của tổ chức GTVL quy định rõ: Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ GTVL phải có đủ điều kiện cơ bản là có ít nhất năm cán bộ có trình độ đại học trở lên, trong đó phải có cán bộ chuyên về lĩnh vực lao động việc làm; có trụ sở ổn định, có cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho hoạt động tư vấn, GTVL. Do vậy, cơ quan chức năng cần kiên quyết không cấp giấy phép GTVL cho những tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị hoạt động GTVL. Bản thân học sinh, sinh viên và người lao động, khi tìm kiếm việc làm, nên tìm đến những địa chỉ GTVL tin cậy; không nên qua trung gian và cần kịp thời thông báo với các cấp chính quyền về những trung tâm môi giới việc làm bất chính để ngăn chặn những hành vi lừa đảo.
Theo Nhandan
Ý kiến ()